Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh trò chuyện với Đại tá Jacques Allaire - cựu phi công Pháp từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ...
Với nghề làm báo, tôi hay phải đi, từ nơi lịch sự cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ tòa nhà quốc hội Pháp cho đến khu lều trại tị nạn ở ngoại ô Paris. Vì hay nghe hỏi đến chuyện có bị kỳ thị hay không khiến tôi cũng để ý, đôi khi còn thử phản ứng của người đối diện khi nói đến quốc tịch của mình: “Ê, đừng chào tôi nỉ hảo. Tôi là người Việt Nam, không phải Trung Quốc”. “Nói lại đi, tôi nghe câu này chưa hiểu”, “Tôi là Việt Nam, không phải người Pháp”. “Anh không phân biệt được người Việt Nam với Trung Quốc chứ gì, chả sao, như người Việt chúng tôi chả phân biệt được ai là Pháp ai là Đức”. Những câu đùa đùa như thế, tôi nói thường xuyên. Vừa là để cho vui câu chuyện, vừa để thử xem việc kỳ thị thực chất đến từ điều gì. Nó là một phản ứng tự nhiên đối với người lạ - thuộc một xã hội được mặc định là ít văn minh hơn - hay nó đến từ một cá nhân cụ thể - là tôi.
Tại sao tôi làm thế? Phải nói ngay rằng việc kỳ thị là chủ đề muôn thuở mà nhân loại vẫn luôn nói đến. Định nghĩa về sự kỳ thị ngày hôm nay cũng không còn giữ nguyên như thời cổ đại là phân biệt chủng tộc dựa trên khái niệm sinh học. Nó đã biến thể sang nhiều dạng thức khác cùng với sự phát triển của xã hội loài người: kỳ thị chính trị, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc và bài ngoại. Thậm chí ngày hôm nay người ta còn nói đến sự phân biệt đối xử với người yếm thế và phụ nữ - về bản chất đây cũng là một sự kỳ thị. Tôi muốn biết và phân định rõ về việc vì sao một người châu Á hay Việt Nam bị kỳ thị, và vì điều gì? Sự kỳ thị vẫn giữ nguyên định nghĩa gốc là phân biệt chủng tộc theo khái niệm sinh học hay nằm ở những định nghĩa mới và mang sắc thái bài ngoại. Việc mong muốn hiểu biết này vừa là nhu cầu trải nghiệm cá nhân vừa bởi tôi muốn dạy cho các con mình khả năng nhìn đúng về xã hội và sống một cách thoải mái với nguồn gốc Á Đông của chúng dù ở bất cứ đâu. Không mặc cảm và đặc biệt không đánh đồng việc mình bị ghét - vì chính bản thân mình với việc mình mang sắc tộc nào, đến từ đâu và cầm cuốn hộ chiếu mầu gì.
Với tôi, kỳ thị là một mảnh sót trong bản năng gốc của động vật Người, nó chẳng khác gì một con thú thấy có nguy cơ bị mất độc quyền trên lãnh địa của mình. Khi con người văn minh hơn, hiểu biết rằng việc kỳ thị người không giống mình là một hành vi xấu thì sẽ tự triệt tiêu, nhưng về bản năng sâu thẳm thì điều này vẫn còn. Trai làng này ghét trai làng kia, tỉnh này cười tỉnh nọ, miền này nhạo miền khác, tôi thấy nhiều nước đều có. Rất nhiều lần tôi thấy buồn cười khi nghe một người Pháp giễu nại người Đức, hay một người Đức cười cười kể chuyện hài về người Pháp. Cũng có lần tôi ngạc nhiên khi nghe một người Ba Lan nói không thích có sếp là người Nga. Những dạng “không mặn mà” này hoàn toàn không thuộc về kỳ thị dân tộc, mầu da mà nó thuộc về một phạm trù khác nằm trong lịch sử. Cũng như vậy, nhiều nước láng giềng tưởng như sẽ có tình bằng hữu êm đẹp thì nhìn nhau lại nhạt nhẽo, tất cả đều bởi một câu chuyện nào đó có trong lịch sử xa vời mà dấu tích vẫn nằm trong tiềm thức xã hội.
Như vậy, câu hỏi vì sao mình bị kỳ thị hay vì sao cộng đồng mình bị kỳ thị tôi thấy không nên đặt ra nữa. Đầu tiên là bởi có những dạng kỳ thị tự nhiên vô thức do thiếu tiến bộ của một cá nhân hay cộng đồng, ta phải chấp nhận và chờ họ thay đổi. Tiếp đến là sự kỳ thị có nhận thức vì một mục đích cụ thể nào đó, ta không có sự chọn lựa nào khác là phải đấu tranh. Cuối cùng là sự ta gọi là kỳ thị nhưng thực chất là phản ứng của một cộng đồng văn minh khác với những thói xấu mà ta mắc thì ta phải thay đổi. Tại sao người Pháp dù bán được rất nhiều hàng hóa cao cấp cho người Trung Quốc đến mức galerie Lafayette là trung tâm mua sắm đồ xa xỉ giữa thủ đô Paris phải tuyển dụng hàng trăm nhân viên bán hàng là người Hoa vẫn ái ngại khi những chiếc xe bus chở khách du lịch Trung Quốc đổ xuống. Liệu là sự phân biệt sắc tộc hay kỳ thị cho thói ồn ào? Liệu là sự kỳ thị chính trị hay sự ái ngại cho cảnh dù vét sạch hàng cao cấp nhưng vẫn nhổ bậy trên vỉa hè?
Trên nhiều trang mạng của cộng đồng người Việt và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài hay có những bài chia sẻ về chuyện bị kỳ thị vì là người châu Á, là người Việt Nam. Tôi thường thấy mọi người sa đà kể về việc mình bị kỳ thị ra sao, vô lý thế nào. Các comment hoặc là phản ứng gay gắt, hoặc khuyên lờ đi, kệ. Những lúc như thế tôi thấy rất tiếc. Tiếc vì lẽ ra ta phải đặt câu hỏi ngược lại là làm thế nào để không bị kỳ thị. Kỳ thị vô thức thì ta làm gì. Kỳ thì có nhận thức thì ta đấu tranh ra sao. Kỳ thị mà thực chất là phản ứng với thói xấu mà ta có thì ta sửa đổi gì.
Tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ với cuốn hộ chiếu mầu xanh mà tôi cầm theo và đổ lỗi cho nó khi tôi bị ai đó nhìn mình với ánh mắt không hào hứng. Tôi thường chỉ đặt những câu hỏi trên cho bản thân mình và nhắc các con tôi về những câu hỏi mà chúng phải tự đặt ra trước khi nghĩ về việc mình bị kỳ thị hay không. Tôi nghĩ mình may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với những trí thức Việt kiều đã sinh sống và làm việc tại Pháp nhiều năm. Họ cho tôi những thí dụ sinh động về việc phải thích ứng với một xã hội không cùng văn hóa ra sao. Nhìn họ tôi biết điều gì được tôn trọng cho dù bạn có thấp bé, da và tóc không cùng mầu với người bản địa, thậm chí khi bạn cất tiếng vẫn còn nguyên ngữ điệu của nơi bạn sinh ra. Trong thời đại toàn cầu ngày hôm nay khi ai cũng có thể sử dụng máy tính thông thạo như nhau, việc nói vài ngôn ngữ không còn là một thế mạnh quá lớn, túi tiền của mỗi cá nhân không phải thước đo khiến lập tức được kính trọng thì cốt cách của dân tộc là điều cần được xây dựng và khẳng định. Tại sao người Nhật dù luôn có thái độ giống như khiêm nhường lại được kính trọng. Tại sao người Tây Tạng dù không có bất cứ thành tựu kinh tế hay văn hóa lớn lao nào lại được yêu mến. Tôi nghĩ vì họ đã cho thấy được cốt cách của dân tộc.
Điều gì làm nên cốt cách của dân tộc? Khi tôi nhìn một bác sĩ Việt Nam bé tẹo, đi liêu xiêu giữa chiều mùa đông Paris lạnh lẽo người mà suốt cả cuộc đời đã hoạt động cho phong trào yêu nước, nhận được huân chương bội tinh của Pháp cho thành tựu của bà thì tôi nhận ra giá trị về sự trung trực. Khi tôi nhìn tên một nhà toán học Việt Nam được khắc lên tường của Viện Hàn lâm khoa học Pháp thì tôi nhận ra tinh thần hiếu học. Khi tôi nhìn thấy những bà mẹ Việt Nam ở một làng quê nghèo Pháp tần tảo cuốn nem đem ra chợ bán, để nuôi con ăn học thành tài thì tôi nhìn thấy giá trị của tình gia đình to lớn đến thế nào trong tâm khảm người Việt. Điều đáng nói là những giá trị ấy chưa bao giờ là lỗi thời cho bất cứ dân tộc nào. Một dân tộc trung trực, hiếu học, đề cao gia đình không phải là một dân tộc đáng tự hào ư? Không thể nhìn thẳng vào mắt những người bản xứ nơi mình đến và đưa tấm hộ chiếu mầu xanh mà không hề e ngại? Không đủ để phản ứng trước sự kỳ thị? Tôi thường không kể cho các con tôi nghe về những thói xấu của người Việt. Tôi thấy dân tộc nào cũng có thói xấu, nhiều hay ít. Tôi thích kể về những dân tộc mạnh, những dân tộc biết xây dựng cốt cách cho quốc gia mình lấy từ những giá trị sẵn có từ ngàn đời, không cần tô vẽ. Tôi vẫn nghĩ, khi biết đích đến cho những giá trị của mình thì thói xấu sẽ được cải thiện và khi ấy, người ta vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn khi nói tên quốc gia mình.
Tôi luôn tin như thế. Đã và sẽ tiếp tục, chỉ có điều chắc phải kiên nhẫn thôi.
Theo NGUYỄN MỸ LINH/Báo Nhân dân