Cột mốc chủ quyền trong trái tim kiều bào - Bài 4: Gắn kết tình yêu biển đảo quê hương trong các lớp tiếng Việt

Trải qua những chuyến bay dài trở về nước, vượt hàng nghìn hải lý đến Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhiều kiều bào “tích góp tài liệu quý” là hàng trăm bức ảnh, video, mong muốn chia sẻ cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại nước ngoài có cơ hội thấy Trường Sa sinh động, chân thực hơn. Đồng thời, nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ kế hoạch tăng cường thông tin về biển đảo Việt Nam để khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điểm tựa văn hóa từ tiếng Việt

 Một giờ học tiếng Việt. Ảnh: Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân
Nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm và đặc biệt coi trọng, trong đó công tác dạy tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào được xác định là khâu then chốt. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục cho học sinh phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, nhất là đối với chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ông Lê Xuân Lâm, kiều bào Ba Lan, Tổng biên tập Báo Quê Việt, Chủ tịch Hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân cho biết, phong trào học tiếng Việt của trẻ em người Việt ở Ba Lan tương đối phát triển. Tiêu biểu kể đến trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Thủ đô Vacsava, Ba Lan, được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh. 

Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có khoảng 30 học sinh theo học, đến nay, mỗi năm đã phát triển và duy trì khoảng 150-180 học sinh trong độ tuổi từ 6-14 tham gia học tiếng Việt, vào chiều thứ Bảy hàng tuần. Các em được chia thành hai khối học: Khối I gồm các lớp học năm thứ nhất và năm thứ hai với chương trình A, B; Khối II gồm các lớp học năm thứ ba, tư, năm với chương trình C, D, E. Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi “Em học tiếng Việt,” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19 đến nay, nhà trường đã chủ động chuyển sang phương thức giảng dạy và học trực tuyến.

Là một trong những kiều bào lớn tuổi nhất ra thăm Trường Sa và Nhà dàn DK1 lần này, ông Lê Xuân Lâm cho biết, ngay khi nhận được thông báo đăng ký của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ông quyết định đăng ký rất nhanh bởi đây là chuyến đi ông đã mong chờ từ lâu. “Được ra thăm trực tiếp, mắt thấy, tai nghe, tay chạm vào vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt, sự trân trọng đối với các chiến sỹ hải quân. Họ là những chiến sỹ trẻ nhưng để lại trong tôi những ấn tượng về một người lính bộ đội cụ Hồ kiên cường, chịu đựng những khó khăn, gian khổ, thậm chí đã có những người hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Lâm chia sẻ.

Trở về sau chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà dàn DK1, Chủ tịch Hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân chia sẻ nhiều dự định để tăng cường tình yêu quê hương, biển đảo của các cháu học sinh đang theo học tại trường. "Đối với các cháu học tiếng Việt, chúng tôi không chỉ dạy kỹ năng nghe-nói - đọc - viết đơn thuần mà còn lồng ghép vào những nét đẹp văn hóa Việt Nam, những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, những sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt tình yêu quê hương và niềm tự hào về chủ quyền biển đảo để các cháu hiểu biết về nguồn cội, về Tổ quốc Việt Nam”, ông Lê Xuân Lâm nói.

Đặc biệt, trong những chương trình ngoại khóa như Trại hè vui cùng tiếng Việt (được tổ chức từ năm 2012 đến nay), Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động để chia sẻ về tình hình phát triển của quê hương, đất nước Việt, về huyện đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1; từ đó nâng cao hiểu biết và tình cảm đối với quê hương, đất nước.

Đối với bà Trần Thị Bạch Lan, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Savanakhet, Lào, Hội là mái nhà chung của cộng đồng, chăm sóc đùm bọc tất cả như những thành viên trong cùng một gia đình với những sinh hoạt xã hội mang tính dân tộc trong cộng đồng theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào. Đặc biệt, Hội giúp cộng đồng nhận thức được nhiệm vụ quan trọng của từng thành viên trong việc phát huy tình đoàn kết, giúp đỡ thương yêu nhau, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, nêu cao tinh thần yêu nước và không ngừng hướng về quê hương. Việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc là nhiệm vụ bức thiết, trong đó tăng cường ngôn ngữ Việt và tình yêu quê hương, biển đảo chính là chất keo gắn kết cộng đồng với quê hương, đất nước. Được sự quan tâm của chính quyền hai nước Lào và Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Lào đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng trường Song ngữ Lào - Việt khang trang, hiện đại.

Trong chuyến đi lần này, bà Bạch Lan mong muốn sẽ có nhiều bức ảnh, video, sưu tầm các bài báo hay về cuộc sống thực tế của huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 để học sinh trường Song ngữ Lào - Việt và các trường khác dạy tiếng Việt được biết đến Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt, các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân ở đảo ngày đêm dũng cảm, kiên cường và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Không phải ai cũng có cơ hội may mắn được đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, song Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Savanakhet cho biết, bà con luôn đồng lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khâm phục tấm gương hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

“Nhiều kiều bào ở Lào mong muốn được trồng cây bàng vuông ở trường học để làm kỷ niệm. Mỗi khi làm lễ chào cờ, các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Lào luôn nhớ tới hình ảnh dũng cảm của các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Chúng tôi luôn mong muốn trao truyền cho các thế hệ sau về tình đoàn kết của dân tộc ta, niềm tự hào là người Việt Nam, là con cháu của Bác Hồ kính yêu”, bà Bạch Lan tâm sự.

Niềm tin tuyệt đối vào chủ trương đại đoàn kết

 Bà con kiều bào Ba Lan tặng quà cho các chiến sỹ tại đảo Trường Sa. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Có chung tâm huyết lan tỏa tình yêu biển đảo cho các thế hệ trẻ, ông Trịnh Công Tân, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ostrava cho biết, được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, từ năm 2002, Hội Người Việt Nam tại Séc bắt đầu tổ chức dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại đây. Mô hình dạy và học tiếng Việt tại Cộng hòa Séc đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao khả năng giao tiếp trong sinh hoạt thường ngày, tăng cường kiến thức ngôn ngữ, giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Kể cả trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, không chỉ các lớp học vẫn duy trì hoạt động theo hình thức trực tuyến, thậm chí các cuộc thi trong dịp Tết Nguyên đán, thi vẽ tranh online về Tổ quốc, đất nước Việt Nam... vẫn được tổ chức trực tuyến rất bài bản.

Với ông Trịnh Công Tân, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình gắn bó với việc tổ chức dạy học tiếng Việt là những lần được các tỉnh, thành phố nước sở tại mời học sinh đến biểu diễn văn hóa dân tộc trong ngày hội Cộng đồng dân tộc thiểu số Ba Lan. “Nhìn thấy các cháu múa nón, múa quạt, múa sạp, hát múa bằng tiếng Việt, tôi thấy rất xúc động một phần vì nhớ quê nhà, một phần vì hạnh phúc khi các cháu có thể hiểu được ngôn ngữ dân tộc ta. Kết thúc mỗi bài múa, các cháu xếp thành hình chữ S thân thương nhưng không thể thiếu biển đảo Tổ quốc. Và khi mọi người xem xong đều biết đến đất nước mình, được biết về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những tràng pháo tay cổ vũ khiến các cháu và chúng tôi vô cùng tự hào”, ông Trịnh Công Tân nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Séc Nguyễn Duy Nhiên cho biết, Hội dành rất nhiều tình cảm, công sức, gửi gắm nhiều ước muốn qua các lớp học tiếng Việt cho các thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. “Với tâm niệm phải gìn giữ bằng được tiếng nói trong cộng đồng - gốc rễ của con Lạc cháu Hồng, nguồn cội văn hóa tinh thần của đất Việt, phong trào dạy và học tiếng Việt được cộng đồng đánh giá cao; được dư luận, chính quyền sở tại công nhận và có chính sách hỗ trợ như đối với một thành viên của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Séc. Đây là món quà dành cho những người đã và đang trong hành trình gieo tiếng mẹ đẻ trên đất Séc”, ông Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ.

Sau chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Nhiên cho biết, không chỉ riêng ông, lòng tự hào về chủ quyền biển đảo trong các kiều bào đều lớn lên theo từng giây phút. Ông nhấn mạnh, đường lối ngoại giao của Việt Nam rất khéo léo nhưng cũng cương quyết để chúng ta giữ được bình yên cho biển đảo Tổ quốc theo đúng luật pháp quốc tế. Để thông tin được lan tỏa đến cộng đồng kiều bào tại Séc, đặc biệt các thế hệ trẻ, sau mỗi chuyến đi, Hội người Việt tại Séc sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục với đa dạng các hoạt động về tình yêu biển đảo quê hương đến hơn 90.000 người đang sinh sống tại Ba Lan nói riêng, kết nối lan tỏa đến hàng triệu người Việt xa Tổ quốc nói chung.

“Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và gần đây nhất là Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, đã tạo niềm tin tuyệt đối cho những người con xa xứ như chúng tôi vào các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, một lần nữa khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của đất nước Việt Nam thân yêu”, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Séc nhấn mạnh.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều