Đánh thức suối nguồn đoàn kết

Trong những ngày cả nước đồng lòng chống dịch, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đã được đánh thức. Điều đó cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao đối với Mặt trận là làm sao tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Túc phát biểu tại một buổi làm việc. 

PV: Thưa ông, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, từ em nhỏ, đến cụ già cho đến các tập đoàn kinh tế lớn, nhỏ đều ủng hộ tiền và vật chất để cùng Chính phủ chống đại dịch. Ông có suy nghĩ gì về những hành động cao đẹp này?

Ông Nguyễn Túc: Tôi theo dõi rất sát qua truyền hình, báo chí, có những đêm tôi không ngủ được vì xúc động. Phải nói rằng, trong đợt vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 lần này, đã lâu lắm rồi mới thấy người dân đồng lòng đến thế, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ đến thế. Các doanh nghiệp lớn ủng hộ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào công cuộc chung. Nhưng có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã trăm tuổi cũng mang những đồng tiền ít ỏi để lo hậu sự sau này của mình mà tìm đến Mặt trận ủng hộ. Có những cháu học sinh lớp 2, lớp 3 mổ lợn tiết kiệm, nhờ người thân đưa đến các điểm ủng hộ mới thấy tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong nhân dân vẫn rất sâu đậm.

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc. Chúng ta đã đánh thức được “suối nguồn” đoàn kết. Tôi tin rằng, với một dân tộc mà tình thương yêu, đùm đọc được coi trọng thì dân tộc ấy sẽ làm được tất cả những gì mà dân tộc đó muốn. Và điều đó làm nên sức mạnh Việt Nam. Là một người làm công tác Mặt trận lâu năm, tôi nghĩ rằng Mặt trận với trách nhiệm của mình phải làm sao để những tình cảm quý báu của dân phải được trân trọng. Tiền và hàng ủng hộ phải được phân phối công bằng, đúng đối tượng như nhân dân mong muốn.

Trong những ngày xảy ra đại dịch, vai trò của Mặt trận trong xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết vô cùng quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cán bộ Mặt trận cơ cở, đi từng ngõ, ngõ từng nhà, phát nước rửa tay, khẩu trang miễn phí… cho người dân chống dịch?

- Tôi từng nói cán bộ cơ sở là cán bộ “cơm nhà, áo vợ, việc dân”. Cán bộ cơ sở là cán bộ “thở không ra hơi, bơi không hết việc, liếc không hết công văn, ăn không đủ, ngủ không yên, 24 giờ liên miên tất cả vì dân vì nước”. Nhận xét đó rất đúng trong tình hình Covid hiện nay. Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn thôn bản hàng ngày đi qua đi lại, đến từng nhà để nhắc nhở người dân không ra ngoài và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước. Cho nên bên cạnh những người ở tuyến đầu như đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội thì tôi thấy cần tôn vinh những cán bộ cơ sở trên địa bàn dân cư. Đó là những người làm việc thầm kín nhưng lại có tác dụng rất lớn để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ Mặt trận đã chứng tỏ vai trò của mình trong chống dịch Covid-19. Theo ông, Mặt trận cần có giải pháp như thế nào để thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu của Chính phủ cũng như nguyện vọng của nhân dân?

- Là người làm công tác Mặt trận tôi rất vui mừng vì công cuộc phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều thành công và được thế giới ghi nhận. Kết quả đó không chỉ thể hiện bằng tiền, hiện vật mà nhân dân đóng góp cho Mặt trận mà cái được hơn nữa là tinh thần cố kết cộng đồng, tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau tỏa sáng. Việc đó không chỉ được thể hiện ở lớp người cao tuổi mà các cháu nhỏ đến các giai tầng xã hội khác nhau. Truyền thống yêu nước thương dân, đùm bọc lần nhau vẫn được duy trì, phát huy trong lòng Mặt trận.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó cũng như đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong “cuộc chiến” này, Mặt trận cần làm tốt hai việc sau đây: Tiếp tục tuyên truyền, vận động một cách hiệu quả để nhân dân phát huy cao độ tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau. Hai là, khi đã vận động, quyên góp được rồi, thì phải làm sao để người dân tin tưởng tấm lòng của mình thể hiện qua quyên góp được trân trọng, được sử dụng đúng mục đích. Để làm tốt điều đó, phải tăng cường thực hiện giám sát để các chính sách đến từng đối tượng, đến từng người theo tinh thần không để ai ở lại phía sau. Qua đó tránh tình trạng “đục nước béo cò”, nếu phát hiện, phải kiên quyết kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý thật nghiêm làm bài học kinh nghiệm.

Không để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo ông, Mặt trận nên rà soát và giám sát việc hỗ trợ cho các đối tượng này như thế nào để không bỏ sót hay trao nhầm?

- Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Không phải đơn giản mà người dân đã ủng hộ Nhà nước một khoản tiền lớn như vậy để phòng, chống dịch cho nên điều quan trọng lúc này là phân phối làm sao cho công bằng, đúng đối tượng. Để thực hiện được niềm tin của nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần quán triệt cho được sự công khai dân chủ; phải đưa ra dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát. Hiện chúng ta có hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước, ta đừng làm thay dân việc đó, có như vậy sẽ hạn chế được mức tối đa những sai sót.

Trân trọng cảm ơn ông!

            

Theo Tuệ Phương/Đại đoàn kết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều