|
Ảnh minh họa
|
Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023-2025 nhằm tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả. Quyết định nêu rõ, thực hiện việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025".
Các đơn vị báo, tạp chí được đặt hàng phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: (1) Có giấy phép hoạt động theo đúng quy định pháp luật về báo chí, có tôn chỉ mục đích phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng; (2) Có đủ năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu đặt hàng; (3) Có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm xuất bản chuyên trang, ấn phẩm chuyên đề về vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; (4) Có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 -2025 của Ủy ban Dân tộc theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc đặt hàng một số ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; pháp luật về giá và các quy định pháp luật có liên quan.
Đồng thời cấp các ấn phẩm báo, tạp chí bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng theo quy định về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí. Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đối tượng theo quy định, số lượng được cấp định kỳ hằng năm gửi về Ủy ban Dân tộc, đảm bảo việc cấp các ấn phẩm báo, tạp chí kịp thời, đến đúng đối tượng.
Trước đó, theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2021 (được kéo dài sang giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg). Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp 19 ấn phẩm báo, tạp chí[1] cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có thể nhận thấy những khó khăn của công tác tuyên truyền của các báo, tạp chí đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn như: Số lượng tin, bài tuyên truyền giữa các vùng miền, các dân tộc chưa hài hòa, một số dân tộc rất ít được đưa tin, giới thiệu trên báo. Một số báo nội dung tuyên truyền còn dàn trải, chưa kịp thời bám sát nhu cầu độc giả. Công tác vận chuyển, cấp phát các ấn phẩm đến đối tượng thụ hưởng của một số xã có lúc, có nơi chưa được kịp thời. Công tác quản lý ấn phẩm ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng một số nơi còn tồn đọng báo, tạp chí; Chỉ đạo của một số địa phương trong thực hiện chính sách chưa thường xuyên và nhận thức về quyền, lợi ích của đối tượng được thụ hưởng về cấp phát báo miễn phí chưa cao, một số đối tượng được thụ hưởng ít dành thời gian để đọc, số lượng người đọc báo tạ điểm bưu điện văn hóa xã tỷ lệ thấp…
Tuy nhiên, các ấn phẩm báo, tạp chí với ưu điểm và lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội, để đưa thông tin đến đúng đối tượng, kịp thời, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vì lợi ích của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất những nội dung cơ bản nhằm đổi mới hình thức cung cấp thông tin (tăng cường thêm báo hình, số hóa nội dung trên các mạng xã hội, đầu tư đồng bộ hệ thống truyền thanh, cung cấp thiết bị di động thông minh...); vận động người dân có thói quen đọc báo; kịp thời điều chỉnh và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách; nâng cao chất lượng, tăng cường thêm nội dung, chuyên đề như: Giải đáp pháp luật, bản sắc văn hóa; thành lập kênh để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin... Với đặc thù vùng đồng bào DTTS và MN còn nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hình thức để truyền tải thông tin đến với người dân; đẩy mạnh công tác bám sát địa bàn để tiếp nhận thông tin hai chiều và phản ánh thông tin một cách chân thực, kịp thời, đầy đủ.
[1] 19 ấn phẩm báo chí gồm: Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc; một số chuyên trang Dân tộc thiểu số và miền núi của Báo Nhân dân hàng ngày, Báo Đại biểu nhân dân, Báo Đại đoàn kết, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Tiền phong, Báo Công thương, Báo Văn hóa, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Tin tức, Báo Tài nguyên và Môi trường; chuyên đề Măng non, Báo Nhi đồng; chuyên đề Thiếu nhi Dân tộc của Báo Thiếu niên Tiền phong; phụ trương An ninh biên giới, Báo Biên phòng; chuyên đề Thanh niên khởi nghiệp- Làm giàu; chuyên đề Dân tộc và miền núi.
Hoàng Nhung