Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế

(Mặt trận) - Đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng linh hoạt và sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, trong hơn 70 năm qua, các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân với nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giành được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, hoà bình, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
ẢNH: THU HÀ 
Những năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã củng cố và mở rộng mạng lưới đối tác, tích cực triển khai các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, vận động phi chính phủ nước ngoài, thông tin đối ngoại và vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, tranh thủ được thiện cảm, sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước đối với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước của Nhân dân ta. Đối ngoại nhân dân đã quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người và truyền thống lịch sử, văn hoá Việt Nam, tăng cường “sức mạnh mềm” của đất nước, đồng thời tích cực thông tin, đấu tranh với những quan điểm và hành động chống phá Việt Nam, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Các tổ chức nhân dân cũng đã làm tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội giữa Việt Nam với các nước. Nhiều hoạt động phong phú đa dạng như hội thảo, toạ đàm, triển lãm, giao lưu kinh tế - văn hoá, xúc tiến thương mại, du lịch... đã được tổ chức giúp chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thế mạnh, trí tuệ, tiềm năng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công, y dược học cổ truyền, văn hóa - nghệ thuật dân tộc... đồng thời tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành của nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, tranh thủ tri thức, chất xám và kinh nghiệm hiện đại của thế giới để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với vai trò nòng cốt, chuyên trách về đối ngoại nhân dân, với hệ thống được củng cố, không ngừng lớn mạnh và ngày càng vững chắc gồm 119 tổ chức thành viên, trong đó có 67 tổ chức thành viên ở Trung ương và 52 tổ chức thành viên ở địa phương với hàng trăm chi hội thành viên và hàng trăm ngàn hội viên trong cả nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tích cực tiến hành công tác đối ngoại nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Thông qua hàng ngàn hoạt động phong phú, thiết thực ở cả Trung ương và các địa phương, Liên hiệp đã củng cố, tăng cường đoàn kết với bạn bè truyền thống, phát triển quan hệ với nhiều đối tác mới, tích cực tranh thủ nguồn lực viện trợ phi chính phủ nước ngoài để phục vụ phát triển đất nước, tập trung trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó đặc biệt là Uỷ ban Hoà bình Việt Nam và Quỹ Hoà Bình và Phát triển Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động đa phương lớn như Diễn đàn nhân dân ASEAN năm 2020, Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng Hoà bình thế giới, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, vừa đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng thế giới ứng phó với các thách thức hiện nay.

Sau 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và bước vào giai đoạn phát triển mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ này. Chúng ta có nhiều thuận lợi, cơ hội, song cũng đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, với nhiều thay đổi nhanh chóng, mang tính bước ngoặt. Thế giới và khu vực bước vào thời kỳ tái định hình hậu Covid-19, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Cạnh tranh, cọ sát chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng của các nước lớn ngày càng quyết liệt, đan xen nhiều tầng nấc; suy thoái kinh tế, mâu thuẫn xã hội làm gia tăng các phong trào phản kháng chính trị - xã hội cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tư tưởng dân tộc cực đoan. Các trào lưu, phong trào nhân dân trên thế giới tiếp tục duy trì vai trò là phương tiện biểu đạt ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của người dân, mặt khác ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp, đan xen giữa các quan điểm tiến bộ và cực đoan. Vai trò, tiếng nói của người dân, của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong đời sống chính trị mỗi quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng. Các nước, nhất là các nước lớn, ngày càng quan tâm sử dụng đối ngoại nhân dân như một hình thức tập hợp lực lượng mới để phục vụ lợi ích quốc gia, mở rộng ảnh hưởng, thậm chí can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ để chống phá nước ta với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng, khai thác các kênh tài trợ nước ngoài, mạng lưới xã hội dân sự, các kênh pháp lý, báo chí, truyền thông để tác động đến quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế của ta, nhất là trong các lĩnh vực lao động, công đoàn, tôn giáo, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần đầu tiên khẳng định nhiệm vụ “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Điểm mới này thể hiện sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, cũng như tầm quan trọng và vai trò, vị thế, sức mạnh của đối ngoại nhân dân và yêu cầu mới về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả và xây dựng nguồn lực cho đối ngoại nhân dân để đối ngoại nhân dân phát triển tương xứng với vị thế là một trong ba trụ cột của đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng. Ngày 19/9/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới”. Ngày 5/1/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình hình mới”.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hiện nay, đối ngoại nhân dân sẽ tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nền tảng xã hội bền vững cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Tích cực củng cố, mở rộng mạng lưới bạn bè đối tác quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, sáng tạo đổi mới nội dung, phạm vi và phương thức hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tăng cường thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, các nhà khoa học, nhân sĩ, doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu..., để tăng cường tình hữu nghị, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với nhân dân các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả sự tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, công tác thông tin đối ngoại, nghiên cứu tham mưu; tăng cường quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng và chính sách phát triển của Việt Nam đến bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; tích cực, chủ động bảo vệ, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam và củng cố hòa bình, hội nhập, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, thúc đẩy thể chế hoá các chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân, hoàn thiện chế độ, chính sách, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng chuyên trách đối ngoại nhân dân, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân chuyên nghiệp, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ tư, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột của đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại.

Đối ngoại nhân dân sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, cùng với các binh chủng đối ngoại đảm nhiệm tốt vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo dựng và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam và góp phần xây đắp “Hoà bình và Hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phương Nga

Đại sứ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều