Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.
“Dòng máu Lạc Hồng, bốn nghìn năm/Dòng máu đỏ tươi chảy trong tim mình/Nòi giống Lạc Hồng, giống Rồng Tiên/Nguyện ôm bao đời Đất Mẹ…” - lời hát ấy nhắc chúng ta không bao giờ được quên mình là người Việt Nam, hãy cùng nhau đoàn kết, thương yêu lấy nhau, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn.
Suốt hơn 3 tháng qua, cả nước chung sức đồng lòng trong cuộc chiến gian nan chống đại dịch Covid-19. “Chống dịch như chống giặc” - chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và từng người dân quán triệt, thực hiện. Chặng đường phía trước còn dài, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp thì tinh thần ấy, quyết tâm ấy càng phải được lan tỏa.
Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này.
“Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khoẻ và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Cũng trong suốt hơn 3 tháng qua, hầu như không ngày nào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không trực tiếp chỉ đạo chống dịch một cách rất cụ thể, theo sát diễn biến của tình hình thực tế. Mới đây, trong sáng ngày 29/3, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi mà 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch. Đây là 5 thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn. Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ hơn, góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch để làm sao giải quyết vấn đề sát hơn với thực tiễn, “chủ trương của Trung ương phải sát cơ sở, sát địa phương, nhất là các thành phố lớn”. Thực tế thì các địa phương đóng vai trò chính trong triển khai chống dịch.
Thực tế cho thấy, suốt những ngày tháng qua, đất nước đã căng mình chống dịch. Virus gây dịch bệnh theo nhiều đường, từ nhiều quốc gia vào nước ta, gây ra tình hình rất phức tạp. Đảng, Nhà nước đã có những biện pháp cụ thể, quyết liệt phát hiện, khoanh vùng, phong tỏa cách ly; gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến, tăng cường năng lực của cả hệ thống y tế. Đó cũng là những ngày đất nước chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là những chiến sĩ quân đội ăn cơm nắm, ngủ rừng kiểm soát chặt chẽ các đường mòn lối mở nơi biên giới. Những người lính Cụ Hồ còn nhường giường, nhường chỗ ngủ, thức khuya dậy sớm lo từng bữa ăn cho những người phải cách ly. Đó là những chiến sĩ công an cùng cán bộ phường xã, tổ dân phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm chắc nhất tình huống có thể là nguồn lây lan dịch bệnh. Đó là những người thầy thuốc, những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu dập dịch. Cùng với họ còn là những sinh viên trường Y, những thầy thuốc đã nghỉ hưu vẫn tình nguyện và sẵn sàng sát cánh cùng chống dịch…
“Khi Tổ quốc gọi tên mình” thì không một người Việt Nam nào không dốc lòng vì đất nước. Những việc làm có ý nghĩa không phải đến từ tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị… mà xuất phát từ trái tim. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết trên dưới một lòng, tỏ rõ khí chất của con người Việt Nam.
Sáng ngày 17/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố với khoảng 2.300 đại biểu dự. Ra Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Đáp lại Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp, các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, bà con ta ở nước ngoài đã góp công góp của vào cuộc chiến chống dịch. Khó khăn là khó khăn chung, nhưng tinh thần “nhường cơm sẻ áo” đã được phát huy cao độ. “Rằng trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau” - tinh thần ấy ngời lên từ những em bé góp số tiền mừng tuổi mình có được, đến các cụ già đã đi đến chặng cuối của cuộc đời; cho đến những chủ doanh nghiệp đang ăn không ngon ngủ không yên gồng mình lo lương cho người lao động, lo làm sao trụ lại được trong bão dịch và rồi hồi phục thế nào khi dịch đi qua…
Cũng tại buổi lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã tin tưởng và hưởng ứng những quyết sách phòng, chống đại dịch. Nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực. Tất cả chúng ta cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Những đóng góp to lớn và quý giá này góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
Dòng máu Lạc Hồng cũng chính là tinh thần yêu nước. Sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam cũng chính từ sự đoàn kết một lòng, đạo lý dân tộc tương thân tương ái. Trong khó khăn gian khổ thì tinh thần ấy càng được phát huy tạo nên sức mạnh vô cùng mạnh mẽ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta. Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tinh thần đó, ý chí đó một lần nữa lại ngời lên trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, khi mà dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Theo Nam Việt/Đại đoàn kết