Trước năm 2015, Việt Nam đánh giá hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập dưới mức chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Với chuẩn đó, nhiều hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở cận chuẩn nghèo, nên tỷ lệ tái nghèo cao. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020(1), tuy nhiên kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao (ở mức 4%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (3)). Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do người dân thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở; giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế. Vùng lõi nghèo lại thường là những vùng có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Mặt khác, đầu tư giảm nghèo trong những giai đoạn trước đây được thiết kế theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ và có quá nhiều chính sách ưu đãi với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ đó.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP (ngày 15/3/2021) quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2021 - 2025. Nghị định quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm: (1) Tiêu chí thu nhập; (2) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số).
Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có những điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020. Chương trình đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Đặc biệt, từ 1/1/2022 đến 31/12/2025 chuẩn nghèo mới với mức thu nhập cao hơn và chú ý đến nhiều chiều hơn được áp dụng. Theo đó, tiêu chí về thu nhập được nâng lên, ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị 2,0 triệu đồng/người/tháng. Tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình…
Vì vậy, cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng cần có sự thay đổi, chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án đảm bảo 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững.
Theo đó, Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm, có thu nhập ổn định. Bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.
Dựa trên ba phương diện như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thiết kế với 7 dự án có tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng. Trong số đó có 3 dự án tập trung giải quyết vùng “lõi nghèo”, gồm: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án còn lại thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với doanh nghiệp tiêu thụ/bao tiêu sản phẩm đầu ra; ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025 tập trung hỗ trợ người dân sinh sống trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này cũng góp phần cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn này tốt hơn.
Hải Yến - HQ