Với mục tiêu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Các nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch, vệ sinh; giảm nghèo về thông tin. Các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội đặc thù do Trung ương, địa phương được ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bời đại dịch Covid-19 như chính sách hỗ trợ tiền mặt, lương thực, chăm sóc y tế, hỗ trợ máy tính, dịch vụ internet phục vụ học tập trực tuyến cho trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí nước sinh hoạt, hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội…
Đến nay, các bộ, ngành đang từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, đây là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu trong triển khai Chương trình. Cụ thể, xây dựng văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025; các văn bản thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan như: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt trong năm 2022, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai dự toán ngân sách 5 năm và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, các bộ, ngành đã đẩy mạnh tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025; quy trình, công cụ, phần mềm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; quy trình, công cụ, phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; nội dung, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025… Qua đó, Chương trình đã được các tỉnh tích cực triển khai và đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Bến Tre có 17.060 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,26%; 15.996 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,24%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Bến Tre tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo của tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia; ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình; thúc đẩy việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho công tác giảm nghèo… Trong năm 2022, tổng số vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, các chính sách đối với người nghèo, người cận nghèo được ban hành và triển khai kịp thời, hiệu quả, đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Nhiều hộ nghèo, người nghèo đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình trồng hoa giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (ảnh minh hoạ).
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh. Cùng với đó, quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Phát huy phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện, hảo tâm trong và ngoài tỉnh; chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo... Với nhiều cách hiệu quả, phù hợp, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06 % tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%). Có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Trao nhà đại đoàn kết tại Sơn La (ảnh minh hoạ).
Tại Sơn La, các cấp, các ngành, địa phương đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, sử dụng hiệu quả kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Huy động, lồng ghép thêm nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình và chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn lực đúng mục đích, tập trung, tránh thất thoát, lãng phí. Theo đó, triển khai thực hiện Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được 2.213 nhà với tổng kinh phí hơn 156 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa; đến hết năm 2022 đã hoàn thành việc hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 06 huyện: Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên. Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 còn 17,83% vượt kế hoạch đề ra; 3 huyện Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ được công nhận thoát nghèo.
Công tác vận động ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đẩy mạnh; trong năm nay, đã huy động được trên 33 tỷ đồng. Từ nguồn tiền trên, Ủy ban MTTQ các cấp đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; tặng quà cho các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn; hỗ trợ về vốn sản xuất; hỗ trợ khám chữa bệnh; hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học; cứu trợ 76 trường hợp ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn với tổng trị giá 474 triệu đồng... Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ…
Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản…
Hải Yến - HQ