|
Ảnh minh họa
|
Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo. Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống ở thành thị và từ 1.500.000 đồng trở xuống ở nông thôn và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản dược coi là hộ cận nghèo (Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 06 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).
Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn mới cũng mở ra những cơ hội để các cấp, các ngành nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước sẽ được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Thường trực Ủy ban Xã hội Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vốn sự nghiệp thực hiện cho một số dự án, tiểu dự án chưa được phân bổ vốn; tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo, do đó cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác này được tiến hành hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra; tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hoàn thiện, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021-2025.
Diễm Hồng