Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kể từ khi được truyền bá vào đất Luy Lâu, do sự tương đồng giữa giáo lý từ bi cứu khổ với truyền thống nhân văn của dân tộc nên đạo Phật đã được các tầng lớp Nhân dân ta tin yêu, trân trọng đón nhận. Trải 2000 năm du nhập và phát triển cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn nhập thế tích cực “hộ quốc an dân", đồng hành cùng dân tộc, luôn gắn bó với vận mệnh của Tổ quốc. Lịch sử đã minh chứng, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Trong các triều đại: Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các vị minh quân luôn có các vị cao tăng phò vua giúp nước như Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… Đặc biệt, đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần “khoác áo chiến bào” cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con, lên núi Yên Tử tu thiền trở thành Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, nhất là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con Phật đã đồng hành cùng với đồng bào cả nước "cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào" rời bỏ thiền môn lên đường tòng quân đánh giặc cứu nước. Phần lớn các chùa trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, là hậu phương vững chắc cho cách mạng để góp phần cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, để có ngày 30/4/1975 đất nước độc lập, thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Điển hình cho việc xả thân cầu đạo, bảo vệ giang sơn là tấm gương của Bồ tát Thích Quảng Đức - Ngài như ngọn lửa thép tiếp bước hào khí của các bậc tăng tài Phật giáo Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Trong niềm vui thống nhất chung của dân tộc, những người con Phật Việt Nam luôn ước nguyện xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết với nhau thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày 12 đến 14/2/1980, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chư tôn đức, giáo phẩm, cùng hàng ngàn nhân sĩ phật tử tiêu biểu ba miền Bắc - Trung - Nam đã gặp mặt để bày tỏ thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đi đến quyết định thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo do Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban. Thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo gồm 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại Thủ đô Hà Nội, 187 đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo đã cùng dự Hội nghị và nhất trí thành lập một Giáo hội Phật giáo chung thống nhất trong cả nước. Sự thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà, nhằm tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang 2000 năm của Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã xác định rõ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong và ngoài nước. Sự đoàn kết, thống nhất các tổ chức, hệ phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự nối tiếp lịch sử đồng hành cùng dân tộc của tăng, ni, phật tử cả nước. Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, đã thể hiện tinh thần tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng dân tộc để thực hiện mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện chính sách nhất quán, trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong 40 năm qua, với tư cách là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trải qua 8 kỳ Đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Giáo hội đã thành lập và phát triển được 63/63 Ban Trị sự Phật giáo ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hoạt động theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị chức sắc tu hành trong Giáo hội đã được Nhân dân tin tưởng giới thiệu và trúng cử là Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp1.
Công tác giáo dục và đào tạo tăng tài được chú trọng cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Năm 1981 Trường cao cấp Phật học Việt Nam đã được thành lập tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, Giáo hội có 4 Học viện: Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Các học viện đã đào tạo trên 10.000 tăng, ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 tăng, ni sinh; 9 lớp cao đẳng Phật học đã đào tạo hơn 4.000 tăng, ni sinh tốt nghiệp và đang đào tạo hơn 1.000 tăng, ni sinh. Cả nước có 35 trường Trung cấp Phật học, đã đào tạo trên 12.000 tăng ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học, đang đào tạo gần 5.000 tăng, ni sinh. Hầu hết các tỉnh đều mở lớp sơ cấp Phật học2.
Cùng với việc xây dựng Giáo hội ngày càng lớn mạnh, Giáo hội cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại. Trong 40 năm qua, từ chỗ không chủ động trong các mối quan hệ bang giao Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò của mình trong hội nhập quốc tế. Giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới: Thành viên sáng lập Liên Minh Phật giáo thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng (Srilanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vasak Liên Hợp Quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, thành viên Hội Sakyadhita thế giới, cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và các nước châu Âu như Cộng hòa Séc, Đức, Hungary...; Giáo hội đã thành lập Phân ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP Việt Nam) thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đã tham dự rất nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham dự 8 lần Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Thái Lan và 2 lần Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại New York (Hoa Kỳ). Tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế tới thăm Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Phật giáo khu vực và quốc tế, tăng cường tham gia đối thoại tôn giáo nhằm hợp tác bảo vệ hoà bình của nhân loại. Hình ảnh và uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày càng được khẳng định trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Đặc biệt, với việc Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội), năm 2014 (tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình), năm 2019 (tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với sự hiện diện của gần 112 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp và đoàn kết. Thông qua đó, bạn bè trên thế giới càng hiểu hơn về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Với phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" và truyền thống "Hộ quốc an dân", "tốt đời, đẹp đạo". Giáo hội đã có các chương trình hoạt động từng thời kỳ, kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng năm, phù hợp với xã hội, phù hợp với sự phát triển của Giáo hội, của đất nước và các địa phương. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo tăng, ni, phật tử cả nước. Đồng thời, Giáo hội còn tích cực tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người khó khăn, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá trong cộng đồng với nhiều kết quả thiết thực đóng góp vào phong trào thi đua, yêu nước của các tầng lớp Nhân dân cả nước.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đầu năm 2020 đến nay, Giáo hội đã có nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền đến tăng, ni, tín đồ và các tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng để mọi người ý thức rõ tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay; tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ “Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19” hưởng ứng "Quỹ phòng, chống Covid-19", Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”; có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tích cực tham gia phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế... cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng, chống dịch hoặc dùng cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid-19. Nhiều tăng, ni, phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến. Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đã ủng hộ Quỹ Vaccine, máy thở, máy tạo oxy, thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng4.
Có nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bệnh Covid - 19 đã được Giáo hội các cấp triển khai như: Phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”; phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”; phong trào tự nguyện “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19”...
Sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận và được Đảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà nước đã công nhận 257 chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng trăm chùa, tự viện được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành và có nhiều đường phố được mang tên các vị cao tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, Sư Liễu Quán, Sư Thiện Chiếu, Thích Quảng Đức... Đảng và Nhà nước cũng đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho nhiều vị cao tăng của Giáo hội như: Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Hoà thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hoà thượng Thích Thanh Tứ... đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều các vị cao tăng khác đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương cao quý vì đã có nhiều thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chú thích:
1. Quốc hội khóa XV: 4 vị.
- Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026: cấp tỉnh: 61 vị; cấp huyện: 324 vị; cấp xã: 895 vị.
- Tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cấp Trung ương: 20 vị ; cấp tỉnh: 272 vị ( trong đó chức sắc: 233 vị, tín đồ: 39 vị ); cấp huyện: 1594 vị (trong đó chức sắc: 1237 vị, tín đồ: 357 vị); cấp xã: 10660 (trong đó chức sắc 6444 vị, chức việc: 4216 vị).
2,3. Báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thành lập Giáo hội.
4. Tính từ 27/4 - 26/8/2021, Giáo hội đã ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 và Quỹ Vaccine quốc gia: 140.500 triệu đồng.
Hà Thị Xuyên
ThS, Ban Tôn giáo, UBTW MTTQ Việt Nam