Nói đến các học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc không thể không nhắc đến Giáo sư Hoàng Tranh. Ông được biết đến như một "Nhà Hồ Chí Minh học" của Trung Quốc. Ông là chủ biên và tác giả của hàng loạt các cuốn sách ảnh về Người và tác phẩm "Nhật ký trong tù" được xuất bản trên đất nước này.
Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây
Với ông, Bác là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp. Người luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên vị trí cao nhất và hiến dâng cả cuộc đời mình cho mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh, giàu mạnh của đất nước.
Ông cho rằng, Bác không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, mà như cách gọi của ông là "Việt Nam hóa" chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn có khả năng nhìn thấu tình hình và nắm bắt cơ hội. Đặc biệt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người đều có thể đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi và đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân loại.
"Người lãnh đạo Việt Nam giành độc lập dân tộc từ thực dân Pháp sau 80 năm bị đô hộ và xây dựng nhà nước XHCN của riêng mình. Đây là đóng góp to lớn và tiêu biểu trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới. Với việc giành độc lập và dẫn dắt nhân dân Việt Nam tiến lên CHXH, xây dựng đất nước XHCN của riêng mình, Người đã mở ra một tiền lệ thành công trong các quốc gia bị áp bức trên toàn thế giới. Do vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đóng góp vào phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, vừa góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vì hòa bình, dân chủ, độc lập và tiến bộ xã hội trên thế giới" - ông Hoàng Tranh nói.
Ông cũng đặc biệt ấn tượng với quan điểm lấy tu dưỡng chính trị, lý luận, đạo đức làm trọng trong đào tạo cán bộ và bồi dưỡng đội ngũ kế cận của Người. Theo ông, đây là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhưng trên hết, với giáo sư Hoàng Tranh, Bác là một con người vĩ đại mà gần gũi. Ông chia sẻ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn vận đơn giản, lối sống giản dị, quan tâm quần chúng, gần gũi quần chúng, bình dị dễ gần, tác phong dân chủ, hòa nhã thân thiện. Người là một vị lãnh đạo bình dân".
Chưa một lần được gặp Bác, nhưng giáo sư Hoàng Tranh đã từng 6 lần vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Người, bởi với ông, Người là đề tài nghiên cứu bất tận, là vị lãnh tụ được nhân dân Trung Quốc yêu mến, kính trọng.
Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh