Thoát nghèo bằng đa dạng sinh kế
Việc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được thực hiện theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò trọng tâm trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”. Mặt trận các cấp đã tổ chức Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thiết thực, hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Mặt trận các cấp đã cùng nhau thi đua thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nội dung, hoạt động có tính lan tỏa, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Cụ thể, tại một số địa phương trên cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền và vận động nhân dân. Tại Yên Bái, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực vào cuộc chung tay thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Mặt trận tỉnh Yên Bái đã tập trung ưu tiên hỗ trợ phương tiện sản xuất, đặc biệt là cây, con giống, giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức làm ăn, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo. Gắn với đó là lựa chọn đúng đối tượng nghèo, có sự tác động, giúp đỡ phù hợp để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả cao, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các mô hình tạo sinh kế giúp người nghèo đã được Mặt trận tỉnh xây dựng như mô hình nuôi bò sinh sản ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, mô hình nuôi cá lồng ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình đã tiếp thêm động lực giúp các hộ nghèo vượt khó vươn lên.
Người dân nghèo được hỗ trợ trong sản xuất, chăn nuôi
Tại Điện Biên, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, vận dụng linh hoạt và kết hợp nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cây, con giống cùng kỹ thuật cho người dân đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 2.345 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ các dự án, tiểu dự án phát triển sinh kế đã hỗ trợ 1.293 lượt hộ chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất; hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…
Hiệu quả từ việc đa dạng hoá sinh kế đã lan tỏa, nhân rộng cách làm cho hàng trăm, nghìn hộ dân khác cùng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Kết thúc năm 2021, có khoảng 6.680 hộ dân vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện theo Quyết định 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).
Tại tỉnh Hà Giang, theo chuẩn nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2022 có trên 79 nghìn hộ, chiếm 42,08% tổng số hộ toàn tỉnh. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tuy gặp không ít khó khăn, nhưng tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm trên 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; phấn đấu 2 huyện nghèo và 29 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020 (năm 2020 là 9,5 triệu đồng/năm).
Hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi
Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về chè, cam, bò, mật ong, vùng trồng dược liệu quý. Tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà)…
Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc, bản đặc biệt khó khăn sản xuất nông nghiệp phát triển chăn nuôi lợn bản địa, gà kiến thả vườn, tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho bà con Vân Kiều nhằm nâng cao nhận thức giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tại địa phương đã triển khai mô hình sinh kế phát triển chăn nuôi lợn bản địa, gà kiến thả vườn cho 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại bản (9 hộ nuôi gà, 8 hộ nuôi lợn) với tổng nguồn kinh phí thực hiện 204.600.000 đồng. Trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ: 110.590.000 đồng, còn lại là phần đối ứng của xã và hộ gia đình.
Hồng Nhung