Kế hoạch trồng rừng thay thế ở Gia Lai

(Mặt trận) - Trồng rừng thay thế là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác quản lý rừng bền vững. Để tổ chức tốt việc trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 23/8/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2276/KH-UBND về trồng rừng thay thế năm 2023.

Trồng rừng thay thế để phát triển rừng bền vững (Ảnh minh họa)

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; Kế hoạch số 2525/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; các Nghị quyết, Quyết định về giao chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2023 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chú trọng bảo vệ, phát triển vốn rừng hiện có và trồng rừng mới, phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như của đất nước.

Diện tích đất trống dự kiến trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều chuyển để thực hiện trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch 03 loại rừng của tỉnh, phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030 của các đơn vị chủ rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc trồng rừng phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, thực chất, hiệu quả, trồng rừng phải thành rừng. Sau khi triển khai công tác trồng rừng, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tiến hành kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá, rút kinh nghiệm; đồng thời nhân rộng các mô hình về xã hội hoá phát triển cây xanh đạt hiệu quả trong các năm tiếp theo.

Theo Kế hoạch, trong năm 2023, tổng diện tích dự kiến trồng rừng thay thế là 526,78 ha. Cụ thể: trồng trên diện tích đất thuộc các Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Ia Ly, Ia Tul, Ia Rsai, Nam Sông Ba quản lý (rừng phòng hộ 451,38 ha, rừng sản xuất 75,4 ha). Loại rừng trồng gồm: rừng phòng hộ 451,38 ha; rừng sản xuất 75,4 ha.  

Việc trồng rừng thay thế được triển khai với các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, đất đai, nguồn vốn đầu tư và nhân lực. Về kỹ thuật: thực hiện rà soát quỹ đất, xác định đối tượng đất đưa vào trồng rừng; Thời vụ trồng rừng: Tháng 9 – 11/2023 (đối với các đơn vị thuộc cáchuyện phía Đông của tỉnh) và năm 2024 khi thời tiết thuận lợi. Loài cây trồng: Thông ba lá, muồng đen (đối với rừng phòng hộ); Thông ba lá (đối với rừng sản xuất). Về đất đai: Quỹ đất dự kiến trồng rừng thay thế là diện tích đất trống, đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng phòng hộ thuộc các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý. Về nguồn vốn: đầu tư từ nguồn kinh phí điều chuyển từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. Về nguồn nhân lực: Tập thể viên chức quản lý bảo vệ rừng, người lao động của các Ban quản lý rừng phòng hộ và thuê (hoặc khoán) nhân công là các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân sống trên địa bàn các khu vực dự kiến trồng rừng thay thế.

Thời gian thực hiện trồng rừng thay thế theo tiến độ như sau: Xây dựng hồ sơ dự toán, thiết kế công trình lâm sinh trồng rừng và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện trồng rừng trong năm 2023 phụ thuộc vào kinh phí điều chuyển từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, nếu thời điểm tiếp nhận kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã hết mùa vụ trồng rừng năm 2023 cho phép lập, xây dựng hoặc điều chỉnh dự toán, thiết kế trồng rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào năm 2024 theo quy định, đáp ứng điều kiện, mùa vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh (Đối với các đơn vị thuộc phía đông của tỉnh: Ban quản lý rừng phòng hộ: Ia Rsai, Ia Tul, Nam Sông Ba, mùa vụ trồng rừng chủ yếu từ tháng 9 - 11 hàng năm; Đối với các đơn vị thuộc phía Tây của tỉnh: Ban quản lý rừng phòng hộ: Ia Ly, Bắc Biển Hồ mùa vụ trồng rừng chủ yếu từ tháng 5 - 8 hàng năm).

Việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ trồng rừng, tổng hợp báo cáo tiến độ trồng rừng thực hiện trong tháng 12 hàng năm.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều