Những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc
Đồng bào Thái ở Lai Châu nói chung, ở Than Uyên nói riêng có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, trong đó Lễ hội Lùng tùng là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa của đồng bào dân tộc Thái. mở đầu cho một mùa sản xuất mới, tiêu biểu và quy tụ sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội không chỉ cầu mong mùa bội thu, mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, buôn làng mà còn là hoạt động gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của huyện Than Uyên tới du khách trong và quốc tế.
|
Phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc. Ảnh: congthuong.vn
|
Thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển trên địa bàn. Đảng bộ huyện Than Uyên ban hành thành nghị quyết về "Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025.", trong đó, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch; đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu ở các điểm du lịch cộng đồng. Cùng với đó, huyện phục dựng các lễ hội truyền thống: Kin Pang, Xòe Chiêng, Hạn Khuống, đua thuyền đuôi én… đồng thời tập trung thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mông và dân tộc Thái. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc cũng đặc biệt được chú trọng. Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản phẩm du lịch văn hóa.
Bên cạnh những nét văn hoá độc đáo của người Thái, sự đa dạng và độc đáo trong kiến trúc nhà ở của các dân tộc Lai Châu cũng sẽ thu hút du khách. Không giống như nhà sàn của người Thái có 2 hướng từ phía sau nhà đi lên, cầu thang lên nhà của người Lự chỉ có 1 nhằm tránh những điều không may mắn cho gia đình. Đặc biệt là số bậc cầu thang nhà luôn là số lẻ, ví dụ 7, 9 bậc chứ không cầu thang nhà nào có số bậc thang chẵn. người Lự thường dành 1 gian giữa để thờ cúng trong nhà sàn của và con dâu trong gia đình không được vào gian này. Nhà bếp thì nối trực tiếp với căn nhà chính, do vậy khi bước chân vào nhà thì thấy ngay nhà ở và nhà bếp là một thể liên hoàn chứ không tách rời nhau. Tuy nhiên việc dựng một ngôi nhà sàn theo kiến trúc nhà truyền thống là rất khó khăn, tốn kém do việc khai thác gỗ không còn thuận lợi. Đề bảo tồn, gìn giữ văn hoá người dân tộc Lự đặc biệt là những nếp nhà truyền thống việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Để bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc, tỉnh đã phân bổ 72,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và gần 140 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực văn hóa, đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm huy động thêm nguồn lực cho văn hóa. Từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... tỉnh đã huy động được 57,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng các kế hoạch quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Lai Châu dưới nhiều nội dung và hình thức, thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin du lịch của tỉnh trên website.
Khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc luôn có sức hút với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: baodantoc.vn
Phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất một di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp mỗi năm, trong đó, ưu tiên cho các lễ hội truyền thống, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian. Mặt khác, tiếp tục bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, tỉnh hướng tới xây dựng bộ sưu tập hiện vật và phim tư liệu vùng văn hóa các dân tộc qua hệ thống sưu tập của bảo tàng.
Tỉnh cũng quan tâm, chú trọng triển khai hiệu quả các CLB Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu, 45 trường học thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hoá các dân tộc. Đặc biệt, một số nhà trường đã tạo 52 mã QR trên 52 hiện vật giúp người xem nắm bắt các thông tin và truy xét nguồn gốc như: Tên sản phẩm, dân tộc, nguyên liệu, cách làm, cách sử dụng, thời điểm sử dụng, lưu ý khi sử dụng...
Cùng với đó, hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc đã được tổ chức; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; lễ mừng cơm mới của người Si La; lễ hội Hạn Khuống; lễ hội nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường… Qua đó, các địa phương, đơn vị lựa chọn nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh giúp nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở Lai Châu. Tỉnh gắn công tác bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch, góp phần quảng bá, các đặc trưng văn hóa các dân tộc đến với du khách trong và quốc tế; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
Hà My