|
Người Rơ Măm ở làng Le duy trì tập quán sinh hoạt cộng đồng để gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong đời sống (Ảnh minh họa)
|
Tại Kon Tum, đồng bào Rơ Măm chủ yếu cư trú ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Làng Le cách trung tâm xã khoảng 1km về hướng Tây, gần biên giới Việt Nam - Campuchia và nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Dân tộc Rơ Măm tại làng Le có 177 hộ/617 khẩu; chiếm tỷ lệ 70,4% số hộ dân sinh sống tại làng; trong đó hộ nghèo dân tộc Rơ Măm có 53 hộ; hộ cận nghèo có 28 hộ (thống kê cuối năm 2021, theo tiêu chí tiếp cận đa chiều).
Làng Le có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, quỹ đất lớn, nhiều vị trí có khả năng khai hoang tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, phù hợp với các cây lương thực và hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Trước đây, người Rơ Măm đời sống khó khăn, giao thông còn nhiều cách trở, bà con sống tập trung, ít giao lưu, tiếp xúc với các thôn, làng khác trên địa bàn. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức còn lạc hậu. Người Rơ Măm trồng lúa nếp là chính, thêm một ít lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng hai gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Chính phương thức canh tác lạc hậu này nên năng suất thấp khiến đời sống của đồng bào luôn trong tình trạng khó khăn, đói kém.
Các nghề truyền thống bao gồm dệt vải thổ cẩm, đan lát thủ công... với các hoa văn đặc trưng của dân tộc mình Trong số những nghề phụ gia đình, nghề trồng bông, dệt vải được chú ý phát triển nhất. Vải họ dệt ra trước kia đủ cung cấp cho nhu cầu mặc của gia đình ngoài ra còn là hàng hoá trao đổi lấy dầu đốt, muối ăn và các công cụ lao động bằng sắt mà họ không làm ra được.
Giai đoạn 2017 - 2020, triển khai thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện để dân tộc Rơ Măm vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, như Quyết định số 941c/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và Quyết định số 1388/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều Quyết định số 941c/QĐ-UBND.
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện đề án, các cấp, các ngành đã tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân như: triển khai Mô hình phát triển sản xuất thực hiện hỗ trợ 22 con bò sinh sản cho 12 hộ là phụ nữ; hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, gồm: Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi 166 hộ; hỗ trợ bò cái sinh sản 157 con/157 hộ dân; hỗ trợ giống trâu địa phương 9 con/9 hộ dân. Hỗ trợ cây, vật tư phân bón: Hỗ trợ 7.080 cây giống cao su/09 hộ; hỗ trợ 20.350 giống cây điều ghép/ 96 hộ; Hỗ trợ 17.395 kg phân bón, hỗ trợ 273 kg thuốc bảo vệ thực vật/105 hộ.
Chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nói chung, dân tộc Rơ Măm nói riêng được triển khai nghiêm túc, đúng đối tượng và đầy đủ theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nâng cao chất lượng dạy học 02 buổi/ngày; duy trì sĩ số học sinh, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Qua kết quả thực hiện, nhờ có công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và nguồn kinh phí hỗ trợ số trẻ em ở độ tuổi đến trường được huy động đạt khá cao. Số học sinh dân tộc Rơ Măm tốt nghiệp trung học phổ thông hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, dự bị đại học có 23 em tốt nghiệp trung học phổ thông, 11 sinh viên theo học đại học, cao đẳng.
Chất lượng đời sống, dân số dân tộc Rơ Măm tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, còn khoảng cách so với các dân tộc khác trên địa bàn huyện, tỉnh. Văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm có nguy cơ bị mai một. Một số công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư giai đoạn trước nhưng đã hư hỏng xuống cấp. Nguyên nhân do công tác phối hợp tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể hiệu quả chưa cao; diễn biến thời tiết không thuận lợi; thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn; trình độ dân trí của người dân không đồng đều, chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có mặt còn hạn chế nên hiệu quả của việc chăn nuôi, sản xuất chưa cao. Giai đoạn 2017-2020, Trung ương phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Đề án còn chậm, tỉ lệ phân bổ thấp so với nhu cầu thực tế.
Nhằm duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào Rơ Măm; Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, ngày 15/11/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (Dân tộc Rơ Măm) đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người Rơ Măm đạt 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20% so với đầu năm 2020, mức sống bình quân tương đương với các dân tộc khác trong vùng; tăng số lượng cán bộ dân tộc Rơ Măm tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Làng Le có hệ thống cầu, đường giao thông đi được các mùa trong năm để phục vụ đi lại và vận chuyển nông sản sau thu hoạch; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng. Làng Le đạt làng văn hóa cấp huyện và phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu đảm bảo phục vụ đời sống, sản xuất, 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm…
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến 19.256,6 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và ngân sách địa phương, trong đó vốn của ngân sách Trung ương là chủ đạo.
Đến nay, UBND tỉnh đã giao gần 6,6 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn làng Le; nâng cấp, sữa chữa Nhà rông văn hóa làng Le, UBND tỉnh đã giao 4.291 triệu đồng (đợt 1) cho Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư theo Quyết định số 435/QĐ - UBND ngày 4/8 của UBND tỉnh Kon Tum về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cây trồng, vật nuôi cho 80 hộ gia đình tại làng Le; hỗ trợ giống bò sinh sản cho 30 hộ nghèo dân tộc Rơ Măm.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn làng Le được thực hiện tích cực; xóa bỏ tư duy sản xuất, canh tác manh mún, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, biết tích lũy nguồn vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất như đã biết trồng cây cao su, cây điều... có giá trị kinh tế cao. Cùng sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, với trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tỉnh Kon Tum tiếp tục đầu tư, giúp đồng bào dân tộc Rơ Măm tự vươn lên xây dựng cuộc sống mới, đưa các dân tộc có số dân dưới 1.000 người sớm thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc khác trong vùng.
Hoàng Nhung