Vấn đề người có uy tín được đề cập đến trong nhiều văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã chỉ rõ: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”1. Tiếp tục quan điểm đó, Văn kiện Đại hội XIII (2021) chủ trương: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”2.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành một số nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, quyết định về người có uy tín, tiêu biểu là: Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 31/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Đề án này đã trình bày những nội dung quan trọng về tiêu chí xác định, nguyên tắc lựa chọn và trách nhiệm của người có uy tín, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện.
Ngày 6/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong văn bản này, khái niệm người có uy tín đã được trình bày rõ ràng với các tiêu chí cụ thể.
Căn cứ vào các văn bản đã ban hành cho thấy, Đảng, Nhà nước đã đánh giá rất cao và hết sức coi trọng, đề cao vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở cơ sở.
Là một tỉnh có đường biên giới dài hơn 468 km tiếp giáp với 3 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với hơn 491.267 người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm tỷ lệ 14,76% dân số toàn tỉnh (theo thống kê năm 2020), cư trú tập trung tại 252 xã/12 huyện, thị xã, 1.339 thôn, bản trên diện tích hơn 13.700 km2 (chiếm 83% diện tích toàn tỉnh).
Với vị trí địa lý như vậy, Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghê An đã sớm nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng khối đoàn kết dân tộc ở miền núi nói riêng cũng như tỉnh Nghệ An và cả nước nói chung.
Tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách để phát huy vai trò của người có uy tín. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ngày 31/12/2016, ngày 9/6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 2561 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Khi Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, ngày 29/3/2018, Uỷ ban Dân tộc ban hành Công văn 285/UBDT-DTTS Về việc triển khai Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban, ngành có liên quan, các huyện, thị xã tham mưu thực hiện theo quy định.
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức buổi Tọa đàm: "Mặt trận lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số" năm 2023. ẢNH: THANH HÒA
|
Gần đây, trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ: ”Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác dân tộc trong tình hình mới, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, giữ gìn khối đoàn kết và lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước”; ”xây dựng khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh”; ”Bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững an ninh vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”3. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với tỉnh Nghệ An.
Trên cơ sở chủ trương và chính sách đã ban hành, trong thời gian qua Nghệ An đã chú trọng xây dựng đội ngũ người có uy tín cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2011 - 2021, có 13 504 lượt người được bầu là người có uy tín4. Số người có uy tín trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 1 228 người với nhiều thành phần như già làng, trưởng bản, trưởng thôn, bí thư chi bộ5.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín giai đoạn 2011 - 2021 là hơn 39 911 tỷ đồng6, trong đó ba năm 2019 - 2021 là 17,326 tỷ đồng7. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín năm 2022 là 6,1 tỷ đồng bao gồm các nội dung cấp phát báo, tổ chức các lớp phổ biến, cung cấp thông tin, thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người có uy tín8. Từ năm 2017 đến nay, định kỳ hai năm/lần Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh. Ban Dân tộc tổ chức cho người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức nhiều lớp phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín với các chuyên đề, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Chương trình xoá đói giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Tăng cường vai trò của người có uy tín trong khối đại đoàn kết dân tộc; Vấn đề giám sát, phản biện xã hội, hoà giải và giải quyết những yêu cầu bức thiết trong Nhân dân; vấn đề giữ vững trật tự xã hội, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh vùng biên giới.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ngày 21/7/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 534/KH-UBND về việc tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV, dự kiến tổ chức vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, sản xuất các sản phẩm truyền thanh, truyền hình, phim phóng sự, phim tài liệu và các sản phẩm truyền thông khác để tuyên truyền về các nội dung liên quan đến hội nghị.
Ngày 22/6/2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm, lắng nghe tiếng nói người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 80 vị đại biểu là người có uy tín, tiêu biểu đã tham dự hội nghị. Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến sát với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Nhiều ý kiến mong muốn cần có thêm những chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; quan tâm hơn đến chế độ chính sách cho cán bộ tuyên truyền ở thôn, bản. Ngoài ra, vấn đề cấp bìa đỏ, đất rừng, đất sản xuất, đất chồng lấn, nước sạch cũng được người có uy tín đề xuất đến lãnh đạo Mặt trận có ý kiến với ban, ngành cấp tỉnh nhằm khắc phục những vướng mắc lâu nay.
Sự quan tâm, động viên, lắng nghe kịp thời của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp trong tỉnh là nguồn cổ vũ quan trọng để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phấn đấu phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đoàn kết dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự vùng biên cương, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Người có uy tín luôn đi đầu gương mẫu trong mọi phong trào thi đua, mọi cuộc vận động, tích cực đấu tranh xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, chống di dịch cư tự do... Trong thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình, xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ”đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp cũng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích.
Bài học đầu tiên là cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là cấp tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách cho người có uy tín và việc xây dựng đội ngũ người có uy tín đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương lớn của địa phương về chính sách xây dựng nông thôn mới, về chính sách dân tộc, tôn giáo.
Thứ ba, việc triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước về người có uy tín cần bám sát hoàn cảnh cụ thể của địa phương nhằm động viên kịp thời người có uy tín phát huy cao độ vai trò, vị trí của mình.
Thứ tư, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với người có uy tín nói riêng, đồng thời, phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín và biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác dân tộc nói chung và với việc phát huy vai trò của người có uy tín nói riêng. Thực tế đã chứng minh trong bất cứ hoạt động nào trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nếu được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của các cấp uỷ Đảng thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Do đó, trong công tác dân tộc nói chung cũng như trong việc phát huy vai trò của người có uy tín nói riêng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều này được thể hiện ở việc ban hành nghị quyết, chỉ đạo việc xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu chưa nhận thức rõ vai trò của người có uy tín thì khó có thể thực hiện mọi giải pháp để phát huy vai trò đó.
Người có uy tín do Nhân dân tự nguyện bầu nên họ được Nhân dân kính trọng, tin tưởng. Do đó, mọi lời nói, việc làm của họ có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số. Có những việc cán bộ có thể chưa thuyết phục được dân, nhưng khi người có uy tín nói là dân tin và nghe theo. Bởi vì người dân hiểu là họ muốn điều tốt lành cho Nhân dân, muốn mang lại sự bình yên cho làng bản, muốn giúp dân có cuộc sống ấm no, ổn định hơn.
Có thể nói, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín là người ”hiểu dân, gần dân, nghe dân nói và nói dân nghe”. Vì vậy, nếu nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của họ, trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì sẽ có những việc làm thiết thực để phát huy vai trò của họ nhằm xây dựng tình đoàn kết giữa các dòng tộc, giữa các gia đình trong bản làng, giữa người dân với Đảng, chính quyền, xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp, trù phú, bình yên hơn. Phát huy vai trò của người có uy tín cũng chính là sự cụ thể hoá chính sách dân vận và thực hiện đại đoàn kết dân tộc của Đảng.
Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ban Dân tộc của tỉnh với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc lựa chọn, thực hiện chính sách, sử dụng, động viên khuyến khích người có uy tín. Các cấp uỷ Đảng cần sát sao hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện mọi chủ trương, chính sách đối với người có uy tín.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người có uy tín trên địa bàn để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng cũng như những vướng mắc, bất ổn của bản thân họ và trong đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy mới có thể giải quyết kịp thời.
Thứ tư, ngoài việc tổ chức các đợt đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, cần chú trọng hơn việc mở các lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho người có uy tín về các nội dung như xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, xoá nạn mù chữ, đấu tranh chống các hủ tục lạc hậu, chống di dịch cư trái phép, nạn tảo hôn và trồng cây thuốc phiện, đốt phá rừng làm rẫy, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đấu tranh loại bỏ các tín ngưỡng, tôn giáo trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Cũng rất cần bồi dưỡng cho họ kỹ năng tuyên truyền, vận động, phương pháp hoà giải những bất đồng trong gia đình, giữa người dân với nhau, giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền...
Một bộ phận người có uy tín trình độ học vấn còn thấp lại ít được giao lưu ra bên ngoài nên việc bồi dưỡng này là rất cần thiết. Việc tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cần tăng số lượng người tham gia để người có uy tín có dịp mở mang tầm nhìn, nhận thức và có thêm kinh nghiệm trong hoạt động nhằm phát huy tốt hơn vai trò của bản thân.
Thứ năm, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quản lý và phát huy tốt vai trò của người có uy tín. Nên tạo điều kiện cho người có uy tín giữ cương vị là Bí thư chi bộ, Trưởng công tác Mặt trận hoặc trưởng thôn, chi hội trưởng các đoàn thể để vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vừa tạo vị thế cho họ. Cũng cần chú trọng làm tốt công tác động viên, bảo vệ người có uy tín và gia đình họ, không để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lợi dụng.
Bản thân người có uy tín phải luôn phấn đấu gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua, trong động viên gia đình, dòng họ chấp hành tốt mọi quy định của bản làng, mọi chính sách, luật pháp. Làm người có uy tín cũng chịu nhiều áp lực bởi vì không chỉ bản thân họ mà cả gia đình, anh em họ hàng cũng phải luôn gương mẫu trong cuộc sống, trong quan hệ ở bản làng, trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Do đó, cấp uỷ Đảng, chính quyền phải luôn quan tâm, động viên để họ tích cực đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ sáu, cần cải thiện chính sách đãi ngộ đối với người có uy tín. Hiện nay, mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng người có uy tín không được hưởng lương, phụ cấp mà mỗi năm chỉ được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán hoặc khi ốm đau, gia đình gặp hoạn nạn. Theo quy định có tặng quà ngày Tết của dân tộc thiểu số, nhưng thực tế các dân tộc thiểu số ở Nghệ An không có Tết dân tộc riêng nên việc tặng quà này không thực hiện được. Do đó, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cố định, thiết thực giúp người có uy tín có điều kiện hoạt động hiệu quả.
Chẳng hạn, nên hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại làm công tác tuyên truyền, vận động, hoà giải để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình. Nên tăng thêm 30-50% kinh phí đối với các định mức việc thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khi gia đình gặp khó khăn, tặng quà nhân dịp Tết.
Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách nhằm phát hiện sớm những sai lầm, hạn chế để kịp thời khắc phục.
Thứ bảy, ở 27 xã giáp biên giới thuộc 6 huyện của Nghệ An cần phát huy vai trò của người có uy tín trong việc đấu tranh phòng, chống vận chuyển, buôn bán, sử dụng, tàng trữ ma tuý, chống trồng cây thuốc phiện, chống di dịch cư tự do... Người có uy tín sống cùng với dân, hiểu hoặc cùng ngôn ngữ với đồng bào ở đây nên dễ tiếp xúc, dễ nói chuyện và hiểu khá rõ về những hoạt động ở thôn, bản.
Phát huy vai trò của người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một chủ trương đúng đắn của Đảng đã được chứng minh cả về lý luận và thực tiễn trên pham vi cả nước nói chung, cũng như ở Nghệ An nói riêng.
Vì vậy, trong thời gian tới cần phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho người có uy tín ngày càng khẳng định vai trò của mình, góp phần sớm thực hiện mục tiêu mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn “phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” và Nghị quyết số 39-NQ/TW đã đề ra “Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016. tr. 164.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 170.
3. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 39- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 18/7/2023.
4,6. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2021, ngày 28/5/2021.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Báo cáo Tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019-2021, ngày 25/11 /2021.
5,8. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Báo cáo kết quả phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An năm 2022, ngày 27/3/2023.
Nguyễn Thị Lan - TIến sĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An