Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, với 35,44%; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, dân tộc Hoa chiếm 5,22%, còn lại là dân tộc khác. Đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa luôn đoàn kết, cùng kề vai sát cánh chiến đấu với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm; cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy lãnh đạo hệ thống chính trị các cấp triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Quán triệt tinh thần của các Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định và các kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9/7/2021 “về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”; Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 3/3/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu chủ yếu: nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 267 công trình đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân; giải quyết đất ở cho hơn 1.600 hộ; giải quyết nhà ở cho hơn 1.800 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.200 hộ; bảo tồn 4 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ 2 dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…
|
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tặng quà cho các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer tại buổi họp mặt mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2024. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển) |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, nhất là quan tâm vùng đồng bào Khmer sinh sống tại các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Kế Sách. Trong năm 2024, nhằm thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của Chương trình, tỉnh Sóc Trăng đã xác định phấn đấu thực hiện 12 mục tiêu cụ thể đề ra gồm:
(1) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 01%/năm (trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer 02%/năm);
(2) Giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo (trong đó, đưa 60 người lao động đi học tập, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững;
(3) Đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;
(4) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập;
(5) 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo;
(6) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 12%;
(7) 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế;
(8) Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi đi học đạt 94%;
(9) Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 65%;
(10) 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh;
(11) 85% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet, 94% hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương tiện phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin; (12) 95% người dân biết đến trợ giúp pháp lý, 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu theo đúng pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp các địa phương được thụ hưởng các chương trình, dự án đã tổ chức lồng ghép triển khai thực hiện; phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chương trình đã tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn của tỉnh theo kế hoạch phân bổ vốn của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định giao vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo đúng quy định và hiệu quả, đúng tiến độ với các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt.
Thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như: 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; 77% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đạt 91% kế hoạch; 57% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 88% kế hoạch; trên 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet, đạt 91% kế hoạch; trên 83% hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương tiện phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, đạt 92% kế hoạch.
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay vốn tín dụng ưu đãi cho 846 lượt hộ nghèo, 2.124 hộ cận nghèo và 5.662 hộ mới thoát nghèo, với tổng số tiền gần 346,6 tỷ đồng để phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở. Từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%; Các mặt văn hoá - xã hội trong đồng bào Khmer cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì và tăng thời lượng phát sóng chương trình tiếng Khmer mỗi ngày 2 buổi với thời lượng 60 phút/buổi đối với phát thanh và 30 phút/buổi đối với truyền hình.
Ngoài ra, vào các dịp tết, lễ hội có phát chương trình đặc biệt phục vụ; qua đó, đã giúp đồng bào Khmer kịp thời theo dõi thời sự, nắm bắt thông tin khoa học- kỹ thuật phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống. Công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng phát triển, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt gần 90%; học sinh người Khmer đều được học hai thứ chữ Việt - Khmer. Toàn tỉnh có 4 trường dân tộc nội trú; trong đó có 1 trường cấp tỉnh và 3 trường cấp huyện, với hơn 1 nghìn học sinh đang theo học.
Tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Trường Bổ túc Văn hoá Pali Trung cấp Nam bộ hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định, tạo nguồn bổ sung cán bộ người dân tộc Khmer. Đội ngũ giáo viên người dân tộc Khmer không ngừng tăng lên, hiện toàn tỉnh có hơn 2 nghìn giáo viên là người dân tộc Khmer. Hệ thống y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer được củng cố. Đến nay, toàn tỉnh có 224 y, bác sĩ là người dân tộc Khmer (tuyến xã: 69, tuyến huyện: 105, tuyến tỉnh: 50); có 72/86 trạm y tế xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer có bác sĩ, đạt tỷ lệ 83,72%.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo nói chung, người Khmer nói riêng được các cấp, các ngành quan tâm, đã cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân tộc Khmer nghèo và tổ chức khám và điều trị bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo hằng năm. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng, số đảng viên người dân tộc Khmer chiếm hơn 11 % so với tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác dân tộc và tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh cũng còn những vấn đề đáng quan tâm như: Mặc dù đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh có được cải thiện, nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm chậm; công tác triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; việc lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện Chương trình còn phân tán; một số địa phương chưa bố trí ngân sách đối ứng tối thiểu theo quy định để thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.
Trong việc thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình sản xuất chưa đảm bảo khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm; còn hạn chế trong việc nhân rộng phát triển mô hình, trong triển khai các thủ tục để thực hiện, chưa nhất quán trong việc xét chọn đối tượng đầu tư mô hình. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc để hoạt động chống phá, gây mâu thuẫn, chĩa rẽ sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Trong thời gian tới, Đảng bộ Sóc Trăng tiếp tục chỉ đạo thực hiện có kết quả Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc, Nghị quyết của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Một là, tiếp tục triển khai làm tốt việc quán triệt trong toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, sư sãi và đồng bào Khmer nhận thức đầy đủ vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo sự nhất trí về chính trị tư tưởng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đoàn kết tương trợ 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đẩy mạnh phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Hai là, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các dự án, chương trình mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, liên vùng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào tộc thiểu số như: Giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa...
Ba là, tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo vùng dân tộc Khmer và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với học sinh người Khmer. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, gắn với bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh tại cơ sở y tế. Chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hoá gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đẩy mạnh vận động xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ Khmer nghèo. Vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bốn là, tăng cường bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer. Chủ động nắm và xử lý tốt những tình huống phức tạp, tích cực giải quyết các khiếu kiện, ngăn ngừa và kịp thời chặn đứng những diễn biến xấu, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc. Chống mọi biểu hiện kỳ thị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm là, tiếp tục xây dựng và củng cố cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng dần chất lượng và số lượng cán bộ người Khmer, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Quan tâm phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người dân tộc Khmer. Xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, những người có uy tín trong cộng đồng. Xây dựng, củng cố tổ chức và cán bộ làm công tác dân tộc đủ mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu về các vấn đề dân tộc.
DƯƠNG SÀ KHA - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng