|
Lễ Pang Phoóng của người Kháng ở xã Rạng Đông đang được tái hiện lại
|
Dân tộc Kháng ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng, khi nói về lễ hội là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, mang nhiều đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, tôn giáo trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Thông qua các nghi thức lễ hội khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, các nghi thức, nghi lễ dân gian, thể hiện rõ nhận thức của họ về thế giới nhân sinh quan hiện thực gắn liền với tâm linh. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về tổ tiên, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Dân tộc Kháng cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc Việt Nam, có dân số 16.180 người. Trong đó ở tỉnh Sơn La có 9.830 người, Điện Biên là 5.224 người, tỉnh Lai Châu có 822 người, số ít còn lại cư trú rải rác ở các tỉnh thành trong cả nước.
Tại Điện Biên, dân tộc Kháng cư trú tại một số huyện như: Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ và huyện Tuần Giáo. Đời sống kinh tế của dân tộc Kháng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như làm nương rãy và một số ít là ruộng nước. Dân tộc Kháng gồm có các dòng họ như: Lò, Lường, Vì, Quàng, Cà... Mỗi dòng họ đều có vật tổ, thường là cỏ cây thiêng hoặc các con thú là hiện thân của tổ tiên mình. Trong ba dòng họ Lò: Lò Khul, Lò Lặc và Lò Ngứn chỉ duy nhất có dòng họ Lò Khul của người Kháng còn gìn giữ, phát huy lễ hội Pang Phoóng - thông điệp kết nối quá khứ với hiên tại, là sợi dây tạo nên sự gắn kết cộng đồng, thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân tộc Kháng. Ngày 30/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành Quyết định số 2742/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Phang Phoóng (Tạ Ơn) của người Kháng xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích kể về chuyện tình dang dở, đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và cô gái vượn của đồng bào dân tộc Kháng, dòng họ Lò Khul. Câu chuyện được lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Kháng nhằm hướng thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.
Lễ Pang Phoóng của dân tộc Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khun được diễn ra một năm một lần (hoặc ba năm một lần). Thường được tổ chức trong 2 ngày, vào các tháng 10, 11, 12 âm lịch (sau khi thu hoạch xong vụ mùa ở trên nương), các ngày đó không trùng với ngày mất của ông, bà, bố mẹ, và thường là ngày rằm vì ngày rằm có trăng sáng, đồng bào có thể tham gia các hoạt động lễ hội kéo dài cả ngày lẫn đêm. Thầy cúng - người chủ trì hành lễ phải là người trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul và là người am hiểu về nguồn gốc, lịch sử dòng họ mình (thường là trưởng họ của dòng họ Lò Khul). Nghi lễ diễn ra trong phạm vi một dòng họ và được tổ chức tại gia đình trưởng họ, có sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ. Lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu, bò, lợn, gà... nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình và cũng là dịp để gia đình tự nhìn nhận lại hoạt động lao động, sản xuất trong một năm qua về những thuận lợi, khó khăn và cách giải quyết đối với khó khăn như thế nào, bài học kinh nghiệm đuợc rút ra cho những năm tiếp theo.
Phần lễ thường được tiến hành từ sáng sớm, những đồ lễ đã được chuẩn bị từ mấy hôm trước được trưởng họ sắp sếp tại gian thờ tổ tiên (được trang trí thật đẹp từ cây sung rừng, hoa mào gà, cây mía rừng, ống nứa…), thắp hương xin phép tổ tiên được làm lễ Pang Phóong cho dòng họ. Trước khi cúng, người chủ lễ mở một tấm ván trong gian thờ để mời tổ tiên vào nhà. Trong gian thờ, ngoài chủ lễ, thầy cúng còn có một người con gái là con của chủ lễ có nhiệm vụ rót rượu cúng trong suốt quá trình làm lễ. Theo quan niệm về tổ tiên của người Kháng gồm có 4 đời: cha, ông, cụ, kỵ. Do đó, đồ lễ trong các nghi lễ cúng, bao giờ cũng được bày 4 suất để cho 4 thế hệ tổ tiên cùng hưởng lễ. Mâm lễ gồm có thịt gà, cá, thịt lợn,... tất cả đều được làm chín. Trong mâm cúng Pang Phóong theo quan niệm của dòng Lò Khul tổ tiên của dòng họ là mẹ Vượn nên không thể thiếu khoai lang, khoai sọ, bí đỏ, bí đao, chuối, hoa chuối, bắp ngô, bó rơm, quả đu đủ, cơm nếp, cốm, chiêng, chum rượu cần, cần để uống rượu. Đây là thành quả lao động sản xuất của dòng họ Lò Khul dâng lên tổ tiên. Khi đã bày mâm cúng xong, thầy cúng làm lễ báo tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt…
Người Kháng thường múa điệu Tăng bu (Xék pang) trong ngày làm lễ Pang Phoóng. Theo quan niệm dân gian của đồng bào, điệu múa này tạo nên những âm thanh lớn, có thể ảnh hưởng đến thần đất và ma bản. Vì vậy phải khấn để trình báo và xin phép thần đất và ma bản cho phép dòng họ và dân bản được múa điệu “Xék pang”. Mâm lễ cúng gồm có gà, cá, khoai lang, xôi cốm và xôi cẩm, một ít bí đỏ, một chai rượu và hai cái chén. Khi cúng, thầy cúng, trưởng họ gõ chiêng đánh thức thần đất dậy và mời gọi ma bản về dự, thầy khấn báo, dâng lễ vật và cầu xin phù hộ cho mọi người múa điệu “Xék Pang” được suôn sẻ, vui vẻ. Vừa khấn, thầy cúng vừa hất hai chén rượu và mỗi thứ lễ vật một ít ra xung quanh ngụ ý mời thần đất và ma bản về nhận lễ.
Sau khi đã hoàn tất các nghi thức cúng tổ tiên, ma nhà (cúng trong nhà); thần đất, ma bản (cúng ngoài sân) thì con cháu trong dòng họ Lò Khul và bà con dân bản cùng nhau dọn cơm, thưởng thức rượu mừng lễ Pang Phóong diễn ra thuận lợi, thành công với những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. Tiếp đến, họ vui vẻ đắm mình vào các điệu múa dân gian như: múa Tăng bu, tăm đao, múa sạp, múa xòe, hát dân ca và tham gia những trò chơi truyền thống của đồng bào gồm: đẩy gậy, tung còn, đánh cầu lông gà, kéo co. Đây là dịp để mọi người giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn kinh tế, sinh hoạt cộng đồng, lấy cội nguồn tổ tiên làm nền tảng để rèn dưỡng tâm đức...
Bên cạnh lễ Pang Phóong, dân tộc Kháng còn có nghi lễ Xé Pang Á - lễ hội có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, tính nhân văn, đáp ứng đời sống tâm linh của phần lớn bộ phận dân cư trong cộng đồng người Kháng, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 470/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi lễ Xé Pang Á (Cầu An) của người Kháng huyện Quỳnh Nhai, huyện Mường La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 06/3/2023.
Nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng là một tín ngưỡng không thể thiếu đối với những người làm nghề mo chang, những người bị bệnh, bà con dân bản và thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày vào khoảng tháng 12 âm lịch, hoặc vào mùa xuân (tháng 3, 4 dương lịch), khi hoa ban, hoa mận nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, báo hiệu mùa lễ hội tạ ơn, cầu mong sức khỏe đã đến. Thành phần tham dự lễ hội có thầy cúng (người tổ chức), người trong gia đình, người dân bản làng, xã hay huyện mà có thể ở các huyện khác trong tỉnh, đôi khi còn có cả ở các tỉnh khác về tham dự, không chỉ là người Kháng mà còn có các dân tộc khác như: Thái, Mông, Kinh và du khách. Nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng ở tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm (hoặc hai đến ba năm một lần). Quy mô tổ chức lễ hội lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng các con nuôi đã được cứu chữa vì theo quan niệm người Kháng, con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật vì vậy phải nhờ thầy cúng, vì thầy cúng còn là người giỏi bốc thuốc nam để chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Để cảm tạ công ơn người đã có công cứu sống, chữa khỏi bệnh cho mình, những người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Thông qua lễ, các con nuôi gửi tới thần linh, thầy cúng lời tạ ơn và thời hạn của con nuôi theo quan niệm của người Kháng, thông thường có thời gian từ 1-3 năm đối với người bệnh nhẹ (Quân Liệng), còn người bệnh nặng thì nhận làm con nuôi vĩnh viễn (Quân Mướng). Sau khi hết hạn làm con nuôi nếu ai có điều kiện thì về thăm cha nuôi hàng năm, ai không có điều kiện thì thôi.
Để chuẩn bị cho nghi lễ, trước ngày tổ chức (khoảng 2 đến 3 ngày), đồng bào chuẩn bị cây hoa “Xặng Bók”. Để làm cây Xặng Bók, người Kháng lấy cây móc và chuối rừng, chọn cây tốt không được sâu lá và ngọn. Màu sắc trang trí trên cây hoa Xặng bók có nhiều màu, nhưng ba màu chủ đạo là màu xanh, đỏ, đen và các dải hoa vải, những sợi chỉ màu, quả còn bằng vải, ve sầu, hoa mạ, hoa ban tươi, cùng với dế mèn được đan bằng lạt tre, chim cu gáy làm bằng gỗ, cày và bừa nhỏ bằng gỗ. Ngoài ra còn có các đạo cụ gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của người Kháng được dùng để làm đạo cụ múa là: Bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, hình nộm dương vật, âm vật, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre. Khi ngày lành, tháng tốt, giờ thiêng đã đến, thầy cúng làm lễ xin phép tổ tiên, thần linh dựng cây Xặng Bók (giữa nhà làm trung tâm mọi hoạt động trong lễ hội) để khai hội. Thầy lễ tay cầm quạt giấy, đầu đội khăn và thắt lưng màu đỏ, tay đeo vòng bạc thắp sáng ngọn nến làm bằng sáp ong đọc lời cúng có đệm sáo “Pí một Lao”, xin phép tổ tiên, thần rừng, thần núi làm nghi lễ Xé Pang Á.
Nghi lễ Xé Pang Á thực hiện theo 3 phần chính: Lễ cúng báo tổ tiên, lễ cúng hồn chủ nhà, cúng mời thần linh xuống dự lễ. Tiến hành song nghi thức cúng mời tổ tiên, thầy cúng bắt đầu nghi lễ gội đầu Pang cho các con nuôi. Thầy vừa cúng vừa lấy cành cây vẩy nước vào từng người. Đây là nghi lễ quan trọng nhằm giữ linh hồn con nuôi, vì theo quan niệm của người Kháng nếu không thực hiện nghi lễ này người con nuôi sẽ đi theo cây Xặng Pók về trời với thần linh. Trong phần thầy cúng cho con nuôi, thầy rót rượu đặt lên kiếm cho con nuôi uống. Họ lần lượt uống từng chén cho đến khi chén rơi xuống sàn. Khi tất cả các chén ngửa hết, úp hết, nghiêng hết hoặc theo cặp là coi như thần linh phù hộ cho sự may mắn. Mỗi nội dung trong phần lễ, thầy cúng đều cúng khấn mong muốn các vị thần linh chuyên trị các loại bệnh về hưởng lễ con nuôi dâng để chữa khỏi các loại bệnh cho con người, hạn chế nạn hữu sinh vô dưỡng, dạy cho con người hướng thiện, giáo dục những điều tốt đẹp, dạy cho con người cách làm nông nghiệp, chăm chỉ chịu khó thì mùa màng mới bội thu, dạy cho con người biết bảo vệ thiên nhiên, thú rừng đồng thời răn đe các con vật không được phá hoại mùa màng. Xung quanh cây hoa Xặng Bók người tham gia hành lễ bắt đầu múa, gõ tăng bu, đánh trống, rồi lần lượt các con nuôi vào dâng lễ vật thầy cúng (không quy định bắt buộc, tùy tâm và điều kiện hoàn cảnh gia đình mà dâng lễ, không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy) như bánh chưng, gà, cá, măng, rau đặc sản núi rừng, khăn múa, rượu cần… Sau khi hoàn thành lễ cúng, vợ chồng thầy cúng cùng các con nuôi sẽ thi uống rượu cần.
Trong quá trình hành lễ, phần lễ và phần hội luôn đan xen, hòa quyện nhau, mà không tách bạch nhau như nhiều lễ hội khác. Đây là sự khác biệt của lễ hội Xé Pang Á so với các lễ hội khác. Cùng với nghi lễ cúng các thần linh, thầy cúng cùng các con nuôi còn diễn một số trò diễn như: Hút thuốc, người bị điếc, người mù, người què, đi hái quả, trọc lỗ tra hạt, ném còn, khỉ đánh trống; con rùa đi ăn mộc nhĩ, con ve sầu uống rượu, con gà rừng tìm ăn thóc, con gấu ăn cây chuối, con rắn hổ mang ăn rau rừng, khỉ ăn hoa chuối, thuồng luồng xuống uống nước... để mô phỏng cách chữa các loại bệnh tật, các thao tác về sản xuất nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, bảo vệ mùa màng, bảo vệ thiên nhiên và nhắc nhở các con nuôi về việc nhớ ơn người chữa bệnh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tạo ra sự vui vẻ cho cộng đồng tham gia lễ hội, tạo sự gần gũi và xua tan những mệt nhọc thường ngày. Ngoài ra các điệu múa trình diễn trong lễ hội rất phong phú, đặc sắc, ẩn chứa và phô diễn nhiều tầng lớp văn hóa, tiêu biểu như: Múa Từn bu, múa khăn mừng nàng Han, múa Lếch kéc, múa chọc lỗ tra hạt, múa khăn, múa khâu cằm, múa quạt, múa mẹt, múa lấy củi, hái rau, múa phồn thực... nhằm tạo không khí vui vẻ cho những người tham gia nghi lễ. Đồng thời phản ánh nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của cộng đồng người Kháng. Lễ cúng tiễn thần linh về trời kết thúc lễ hội Xé Pang Á, cầu cho mưa thuận gió hoá, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui đoàn kết.
Lễ Pang Phoóng, nghi lễ Xé Pang Á là các lễ hội dân gian tiêu biểu phản ánh sinh động đời sống, tín ngưỡng của người dân tộc Kháng vùng Tây Bắc, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Do đó, muốn bảo tồn bền vững, phải bắt đầu từ cộng đồng nhưng không thể thiếu được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần đưa việc giáo dục di sản văn hóa vào trường học, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng, phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa cho cộng đồng kết hợp với thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương về công tác dân tộc, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Chỉ có vậy, lễ Pang Phoóng và nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng mới được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cho những thế hệ kế tiếp.
Diễm Hồng