Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc: Biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm

(Mặt trận) - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền tổ chức nền nếp. Việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, trao tặng nhà Đại đoàn kết, tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong dịp diễn ra Ngày hội đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
Nghị quyết về tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư"

Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1994), với chủ trương: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư, đưa công tác Mặt trận về với từng gia đình, từng người dân. Hội nghị lần thứ hai Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IV) tháng 2/1995 đã quyết định mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” với 5 nội dung: Đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xoá hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng số hộ giàu và khá giả; đoàn kết thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống; đoàn kết phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đoàn kết chăm lo xây dựng đời sống văn hoá, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Thực hiện cưới, tang, lễ hội theo nếp sống mới; đoàn kết chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường, thực hiện dân số kế hoạch hoá gia đình. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bổ sung nội dung thứ 6: Đoàn kết chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Hướng dẫn số 337/MTTW, ngày 6/10/1997 hướng dẫn Mặt trận các địa phương về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mục đích của "Ngày hội đoàn kết toàn dân" là ôn lại truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đây là tiền đề cho việc ra đời "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư" sau này. Vào dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận cũng đã quan tâm về với các khu dân cư để dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân cùng các tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, chủ trương tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” ở khu dân cư ra đời là một ý tưởng mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đổi mới trong sinh hoạt và công tác tuyên truyền vận động của Đảng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Từ chủ trương trên, việc kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 18/11 hàng năm không chỉ là sinh hoạt nhỏ lẻ, chỉ với một số cán bộ hoặc tập hợp những người tích cực hoạt động xã hội, mà còn là “Ngày hội” của toàn dân với nhiều nội dung và hình thức phong phú, có phần lễ, phần hội, có các hoạt động trước, trong và sau Ngày hội phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu dân cư.

Sau Đại hội V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1999), việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” ở khu dân cư ngày càng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương quan tâm hơn. Càng ở vùng nông thôn, vùng miền núi, Ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo nhân dân tham gia.

Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới cũng như để tiến hành đồng đều và nâng cao hiệu quả của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.

Những thành tựu đạt được của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư" trong 15 năm qua đã cho thấy vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, về yêu cầu đại đoàn kết trong tình hình mới, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và các mục tiêu kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trên cả nước.

Một số đánh giá sau 15 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú, thích hợp với từng địa phương, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự đã trở thành ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những kết quả đạt được, một mặt đã thể hiện rõ ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của Ngày hội; mặt khác, qua thực tiễn cho thấy chủ trương đề ra và chỉ đạo thực hiện Ngày hội là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Ngày hội đã trở thành một nội dung quan trọng của công tác Mặt trận và ngày càng thể hiện sức sống bền vững trong đông đảo quần chúng nhân dân.

Sau khi có sự chỉ đạo và hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện Ngày hội ở các khu dân cư. Từ những kết quả đạt được cho thấy, nội dung, hình thức của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, do đó Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia1.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc ta, khơi dậy phong trào thi đua ái quốc, góp phần tăng cường và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân lao động, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

Truyền thống đoàn kết đã được dân tộc ta đúc kết trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Với truyền thống đoàn kết, muôn người như một, đồng sức đồng lòng, dân tộc ta đã giành được những chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và những thành tựu bước đầu trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặt ra yêu cầu phải tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết và truyền thống thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có tác dụng khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, mỗi cộng đồng khu dân cư phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở để tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ để đưa đất nước ta phát triển vươn lên, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.

Gắn liền với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là tiền đề quy tụ, thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, tất cả hướng về cơ sở, khu dân cư, đến mỗi gia đình, mỗi người dân, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngày hội đã khơi dậy những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, như: tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; văn hoá làng với những yếu tố nhân văn có cội nguồn từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà không sức mạnh nào có thể thắng nổi. Với những nội dung thiết thực, Ngày hội đã đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha và chính đáng của nhân dân, qua đó động viên, quy tụ toàn dân tham gia các phong trào thi đua ái quốc.

Với phương châm "lấy sức dân để tổ chức đời sống cho dân", Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Theo phương châm này, cuộc vận động đã kết hợp hài hoà được nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Nhân dân được hưởng những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, đã khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn đân tộc ở khu dân cư góp phần động viên các tầng lớp nhân dân ở cơ sở phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương

Ngày hội đã khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc cùng với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh việc xã hội hoá các cuộc vận động. Kể từ ngày phát động, Ngày hội đã góp phần động viên nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, như: giúp nhau chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sản xuất… Ở hầu hết các địa phương, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã có mối liên hệ chặt chẽ với các cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", xây dựng "Quỹ vì người nghèo", giải quyết có kết quả vấn đề xoá đói giảm nghèo… Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn… từ diện đói nghèo đã vươn lên thành hộ khá, không ít hộ thành giàu có. Số hộ đói nghèo đang từng bước thu hẹp dần.

Cùng với việc tổng kết cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ngày hội đã góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hoá giáo dục, quan hệ ứng xử lành mạnh giữa con người với nhau trong khu dân cư, trong từng gia đình. Những tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, ma tuý…) ở nhiều nơi đã giảm hẳn. Mâu thuẫn trong gia đình, trong khu dân cư ở nhiều nơi được giải quyết thông qua hoà giải, nhiều khu dân cư đã xoá bỏ những tập tục lạc hậu, đấu tranh chống mê tín, dị đoan, xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ. Ở nhiều địa phương, trong Ngày hội đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, như: phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "xây dựng gia đình văn hoá", "khu dân cư văn hoá"…

Những hoạt động cụ thể của Ngày hội Đại đoàn kết toàn đân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân được cải thiện, lối sống được lành mạnh hoá. Qua đó, Ngày hội đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân ở cơ sở tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc nhất và những yêu cầu thiết yếu của khu dân cư.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản

Ngày hội đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân. Tại Ngày hội, nhân dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, dân chủ đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hoá, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng, như: điện, nước, ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan khu dân cư… trên khắp mọi miền đất nước theo phương châm "nhân dân tự lo, tự làm" và "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trên thực tế, các tầng lớp nhân dân đã tham gia thảo luận và đóng góp hàng vạn ý kiến, nhiều ý kiến đã được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và sử dụng nhằm xây dựng, đổi mới, bổ sung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày hội đã thực sự khơi dậy được bầu không khí dân chủ, cởi mở ngay từ mỗi khu dân cư. Mặt khác, thông qua Ngày hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến tận khu dân cư để nhân dân biết, trên cơ sở đó mà dân được bàn bạc, tham gia trực tiếp.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là kênh thông tin phong phú, chính xác nhất từ các cộng đồng dân cư trong cả nước, đó là cơ sở để Đảng và Nhà nước ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước là phải bắt đầu xây dựng ngay chế độ dân chủ từ cơ sở và phải dựa vào sáng kiến của chính quần chúng, với sự tham gia của quần chúng vào mọi công việc của đời sống xã hội. Về thực chất, đây là một bước thể chế hoá và thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Xuất phát từ những phong trào được phát động ở Ngày hội, ở hầu khắp các cộng đồng dân cư nhân dân đã chủ động, tự giác tham gia vào các hoạt động tự quản góp phần hỗ trợ đáng kể cho công tác quản lý của Nhà nước. Điển hình là việc nhân dân xây dựng các quy ước, hương ước giúp cho công tác quản lý trong từng cộng đồng thôn xóm, bản làng, khóm ấp, khu phố đi vào nề nếp.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là dịp nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương

Ngày hội còn thúc đẩy mạnh mẽ và rộng khắp hơn các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với các gia đình có công với nước, gia đình thương binh liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những cán bộ lão thành cách mạng. Tại Ngày hội, các khu dân cư đều rất chú ý đến các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, những người chịu hậu quả do chiến tranh. Những hoạt động đó không chỉ trở thành thông lệ trong mỗi dịp tổ chức Ngày hội, mà dần trở thành nếp sống tự giác tốt đẹp của nhân dân. Qua đó, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái trong từng cộng đồng khu dân cư, vừa giúp nhau giải quyết khó khăn trong đời sống hàng ngày, vừa có tác dụng đấu tranh chống lối sống cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường.

Thông qua Ngày hội, quần chúng nhân dân ở hầu khắp các khu dân cư đều tích cực tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, các mô hình văn hoá như khu dân cư văn hoá, làng văn hoá, nhà văn hoá, gia đình văn hoá; thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ trong mọi sinh hoạt cộng đồng (việc cưới, việc tang, lễ hội, văn nghệ, thể dục thể thao…). Hàng năm, số hộ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến và khu dân cư văn hoá ngày càng tăng.

Ngày hội ngày càng thể hiện rõ tính thiết thực đối với đời sống của cộng đồng dân cư và của toàn xã hội, không chỉ góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nâng cao nhận thức, tình cảm, hướng dư luận xã hội biểu dương, ủng hộ cái mới, cái đúng, cái hay, cái tốt, cái thiện, cái tiến bộ mà còn góp phần đẩy lùi, bài trừ ra khỏi đời sống xã hội cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, cái ác, cái lạc hậu từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn biết dựa vào dân, từ nhân dân để tự đổi mới. Ngày hội đã tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi để góp phần giúp Đảng gắn bó, gần gũi với nhân dân, lãnh đạo và chăm lo cho cuộc sống nhân dân. Đồng thời, thông qua Ngày hội, nhân dân thể hiện lòng tin đối với Đảng, chia sẻ công việc cùng với Đảng, phản ánh với Đảng những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Ngày hội cũng là nơi góp phần giúp Đảng kiểm nghiệm phương thức lãnh đạo, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối. Trên thực tế, các cấp uỷ, chi bộ đã lấy nội dung của Ngày hội làm nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng; coi việc đảng viên tham gia Ngày hội là trách nhiệm, là tiêu chí để đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên.

Qua 15 năm triển khai Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân (18/11) hằng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy, được nâng cao về hình thức tổ chức và nội dung Ngày hội. Với tất cả những kết quả và kinh nghiệm quý báu đã có được trong quá trình vận động, tổ chức tập hợp nhân dân để tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, Ngày hội ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng và phát triển của công tác Mặt trận ở cơ sở.

Lê Mậu Nhiệm

TS. Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Năm 2017, mặc dù nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, song toàn quốc đã có 95% khu dân cư tổ chức được Ngày hội Đại đoàn kết với không khí đầm ấm, vui tươi (trong đó trên 60% khu dân cư tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết). Nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, đông đảo cán bộ, đảng viên đã về chung vui với các khu dân cư trong cả nước.

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều