Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Khơi dậy tinh thần đoàn kết và truyền thống thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân

(Mặt trận) - 19 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng là dịp nhân dân cả nước tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn, bản, ấp, khu phố, tổ dân phố... (khu dân cư). Thông qua Ngày hội, vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng được củng cố trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội; cơ sở chính trị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hiệu quả hoạt động của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên từng địa bàn dân cư, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của mỗi địa phương. Đưa việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội tại mỗi địa phương; diễn đàn dân chủ của Nhân dân; dịp gắn kết cộng đồng, trao truyền những giá trị văn hóa, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Thông qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm, hiệu quả của các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên. Tăng cường đồng thuận xã hội, mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân góp phần tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Vai trò, ý nghĩa của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui Ngày hội
Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư ba xã: Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn, tại huyện
Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. ẢNH: THỐNG NHẤT
Để tăng cường mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2003), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/2003 về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và lần đầu tiên sau hơn 10 năm tổ chức, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được thể chế hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Qua đó khẳng định giá trị thực tiễn và cơ sở pháp lý đưa “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với những giá trị cả về chính trị, xã hội, văn hóa và đã trở thành "cầu nối" giữa tổ chức đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự gắn bó giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp với Nhân dân. Trong nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua việc hướng dẫn các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã định hướng để người dân phải thực sự là chủ thể của hoạt động có ý nghĩa này. Thông qua việc cùng nhau đánh giá kết quả một năm Nhân dân đã đóng góp công sức, thời gian phát triển quê hương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có những thành tích xuất sắc trong đóng góp xây dựng cộng đồng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các địa phương, quyết định những biện pháp khu dân cư thực hiện thời gian tới để đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người, mọi nhà; góp ý với lãnh đạo các cấp, trong đó trực tiếp là lãnh đạo xã, đại diện khu dân cư... Có thể nói, Ngày hội là nơi quyền làm chủ của mỗi người dân được thể hiện một cách đầy đủ, thực chất. Kết quả lớn nhất của Ngày hội không những để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn giúp các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Qua 19 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thể hiện được giá trị thiết thực trong đời sống xã hội; từ các địa phương miền núi, hải đảo đến địa phương đồng bằng, trên địa bàn nông thôn đến địa bàn đô thị... đều mang những sắc thái riêng gắn với truyền thống văn hóa, phù hợp với đời sống chính trị và yêu cầu của Nhân dân. Nét đặc trưng chung trong tổ chức Ngày hội là nơi trao truyền tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng trong mọi tầng lớp Nhân dân; diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong địa bàn dân cư về việc xây dựng tình đoàn kết, củng cố nghĩa đồng bào; hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững; chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp. Ghi nhận, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động. Tổ chức bình bầu, xét công nhận các danh hiệu “Thôn, xóm, tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hóa”... Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng nhau tổ chức bữa cơm "Đại đoàn kết" gắn với các hoạt động thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà "Đại đoàn kết" động viên cho các hộ nghèo, hộ khó khăn; bảo tồn giá trị văn hóa dân gian của mỗi cộng đồng, từng dân tộc...

Với những hoạt động thiết thực, cùng các nội dung phong phú, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã khẳng định được vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, về yêu cầu đại đoàn kết trong tình hình mới, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như trên cả nước.

Bên cạnh đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; thể hiện trách nhiệm, vai trò là cầu nối mật thiết của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với Nhân dân. Ngày hội chính là phương thức quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn trong thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả 20 năm thực hiện và ý nghĩa, giá trị thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định số 314-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa X về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các đoàn thể với tập thể lãnh đạo và đảng ủy cơ quan, các Đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng và các tỉnh ủy, thành uỷ... ban hành Nghị quyết và các văn bản quy định trách nhiệm của hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với việc lãnh đạo và đảm bảo các điều kiện để Nhân dân cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dịp Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đất nước và vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, Đoàn Chủ tịch cần giao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các hoạt động nghiên cứu xây dựng Đề án để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18 tháng 11) hàng năm là ngày nghỉ Lễ "Đại đoàn kết toàn dân tộc" để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chung vui Ngày hội. Từng bước đưa Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương tham mưu giúp cấp ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung và hình thức tổ chức Ngày hội ở địa phương. Hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên, nhất là 5 tổ chức chính trị - xã hội xây dựng Chương trình phối hợp trong tổ chức Ngày hội; đề cao trách nhiệm của mỗi tổ chức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả. Phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính đảm bảo kinh phí cho tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thứ tư, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; trang bị cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc, về yêu cầu không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.

Thứ năm, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Giám sát của Mặt trận với cấp uỷ, chính quyền về chủ trương, chính sách liên quan đến dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Kiểm tra Mặt trận cấp dưới trong xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của Nhân dân vào các phong trào thi đua yêu nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ đảm bảo để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khẳng định ý nghĩa chính trị - xã hội trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia. Đây là nhân tố quyết định cho việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và đất nước; cơ sở quan trọng góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều