Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11: Cầu nối lan tỏa tinh thần đại đoàn kết

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử quá trình dựng nước, giữ nước.
 Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra từ ngày 5 - 10/9/1955 tại Hà Nội, quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt. Đại hội bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự, đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, ngày 5/9/1955. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí, tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công".

92 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được mở rộng, thực hiện tốt vai trò cầu nối để củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh to lớn góp phần phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Khẳng định vai trò trong việc vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc".

Suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí, hành động, tinh thần, lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng khởi xướng, lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...

Nhân lên sức mạnh toàn dân tộc 

Một trong những dấu ấn đậm nét cho thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, đó là trong đại dịch COVID-19, rất nhiều hoạt động tương thân tương ái, quyên góp ủng hộ đã được Mặt trận phát động, các tổ chức thành viên và các đơn vị cùng chung tay, góp sức.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng". Trong khoảng thời gian ngắn, kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Hàng triệu túi quà Đại đoàn kết, túi quà an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị của đồng bào cả nước và của kiều bào ta ở nước ngoài đã được chở vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để san sẻ yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả của đồng bào ta trong quá trình chống dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, ủng hộ bằng tiền mặt hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những nơi còn khó khăn, trong đó quan trọng nhất là để mua vaccine tiêm phủ trên diện rộng miễn phí cho toàn dân. Người dân tích cực tham gia các phong trào phòng, chống dịch; góp sức tại các chốt phòng, chống dịch hay các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh của mình là tập hợp tinh thần đại đoàn kết của các giai tầng trong xã hội. Trong khó khăn, nhiều hình ảnh và những nghĩa cử cao đẹp đã làm lay động lòng người. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đánh giá về chủ trương phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc từ những hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới gần như không nước nào có một ngày được lấy là Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, được tổ chức đến từng khu phố, khu dân cư như Việt Nam.

Dịp này, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang được tổ chức tại các khu dân cư trên phạm vi cả nước. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn trong cộng đồng dân cư; là dịp để mỗi người dân trong khu dân cư ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là dịp người đi xa được trở về, cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau kiểm điểm lại những công việc đã làm trong năm, những việc triển khai tốt và chưa tốt, từ đó tạo sự đồng thuận, cùng nhau xây dựng những khu dân cư bình yên, phát triển.

Đây cũng là cơ hội để cán bộ đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú với nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chuyển tải những chủ trương, đường lối, những mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với toàn thể nhân dân tới cụ thể từng khu dân cư.

Với ý nghĩa đó, việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày hội Đại đoàn kết đã tiếp tục được đẩy mạnh. “Nếu chúng ta giữ gìn, xây dựng được từng khu phố, tổ dân phố, từng thôn bản, xã, huyện, tỉnh đều đoàn kết, cả dân tộc ta đoàn kết, việc khó mấy chúng ta cũng vượt qua được. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã cho thấy bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Đây là tài sản vô giá”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, với vai trò nòng cốt và trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực động viên, giữ gìn, phát huy, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, từ đó giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách; xây dựng đất nước phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và mọi người, mọi nhà có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều