Nhân lên tình yêu biển, đảo của Tổ quốc - Khi niềm tin hóa thành sức mạnh

(Mặt trận) - Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy, những cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa hôm nay luôn nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài vững chãi giữa Biển Đông, mà còn là gia đình của những người lính đảo, nơi trú tránh của ngư dân khi bão tố để can trường ngày đêm bám biển. Họ không chỉ là minh chứng của tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, mà còn thể hiện khát vọng hòa bình cùng những bước chuyển mình của đất nước hôm nay.
Đại diện Đoàn công tác số 3 chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Biển, đảo quê hương là một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam trong suốt hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Vị trí và vai trò kinh tế, chính trị và quốc phòng của biển đảo là vô cùng quan trọng. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận, có tới 10/14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù bắt đầu từ hướng biển. Tuy nhiên, bằng ý chí quật cường và tinh thần yêu nước sâu sắc, khả năng ngoại giao linh hoạt, chúng ta đã đẩy lùi mọi lực lượng ngoại xâm, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Từ đất liền, từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người, mỗi cán bộ, đồng bào luôn hướng về Trường Sa, nơi có các anh đang ngày đêm đứng gác canh giữ biển khơi, ai cũng mong muốn một lần được đến thăm cho thỏa nỗi ước mong. Qua những trang sách, câu chuyện lịch sử, thước phim, bài báo, tấm hình về biển đảo quê hương cũng như về các chiến sỹ hải quân, tình yêu biển đảo trong tôi đã được bồi đắp một cách rất tự nhiên từ thuở thiếu thời. Tháng 4/2022, Đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm quần đảo Trường Sa. Phải đến hành trình đặc biệt này, tôi mới thực sự được sống, được hòa vào và cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, hồi còi tàu, đêm biển đầy sao, ngọn hải đăng, nhà giàn và đặc biệt là tấm lòng cũng như ý chí người lính đảo.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, trong không khí kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện hải trình vượt hơn 1.000 hải lý để đến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Chuyến hành trình đưa chúng tôi đi qua những Sinh Tồn Đông, Len Đao, Núi Le A, Tốc Tan C, An Bang, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây C, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/20,… ở đâu, chúng tôi cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo, nồng hậu, hết sức chân tình của những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tại các điểm đảo mà Đoàn đặt chân đến, các thành viên đã thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Đoàn công tác đã trực tiếp nghe lãnh đạo, chỉ huy các đảo, điểm đảo, nhà giàn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và bày tỏ quyết tâm, niềm tin, tình cảm trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp đối với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Đặc biệt nhất và cũng xúc động nhất là lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Buổi lễ được tổ chức trên vùng biển gần đảo Cô Lin, nơi hơn 30 năm về trước, ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Trong không khí thiêng liêng, xúc động, với tấm lòng thành kính, chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Đại diện Đoàn công tác đã tuyên thệ trước hương hồn của các anh hùng liệt sĩ, nguyện mãi mãi tiếp bước cha anh, xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước.

Đoàn công tác UBTW MTTQ Việt Nam tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Tốc Tan C, Quần đảo Trường Sa.
Đồng chí Trương Thành Trung, Trưởng đoàn công tác UBTW MTTQ Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn đến thăm, tặng quà đại diện UB MTTQ Việt Nam thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Được tiếp xúc, trò chuyện với những chiến sĩ hải quân trong suốt chuyến đi đã giúp các thành viên hiểu thêm những khó khăn gian khổ, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Với mỗi người lính đảo, lòng dũng cảm, dạn dày sương gió không chỉ biểu hiện qua màu da rám nắng, ánh mắt luôn ngời lên sự quyết tâm và tự hào, mà còn đến từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Tại các đảo, điểm đảo, nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã quyết tâm nguyện hết lòng phụng sự sự nghiệp cách mạng, luôn nêu cao cảnh giác, thường xuyên rèn luyện, tập luyện, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, đoàn kết thương yêu nhau, sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra; bám trụ canh gác giữ gìn an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa biển mênh mông từng đợt sóng vỗ, những con tàu đánh cá giương cao lá cờ đỏ sao vàng giữa trùng khơi, ánh hoàng hôn với những tia nắng dát vàng biển phía sau lưng... và đặc biệt là biển về đêm với bầu trời đầy sao... giai điệu bài hát “Nơi đảo xa” vang lên khiến tôi thêm hiểu cảm giác của những người lính biển ra khơi vì tình yêu biển đảo đất nước... “Tháng năm con tàu quen sóng cả quen gió biển/Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép”…

Hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió - mỗi chiến sĩ Trường Sa chính là biểu tượng cho một Việt Nam kiên cường như những cây phong ba, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn xanh tươi, vươn mình trong nắng gió. Giữa nơi trùng khơi, chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương, trọng trách với Tổ quốc, dân tộc mới thực sự là thành lũy vững chắc che chở cho họ. Trong biển cả bao la ấy vẫn luôn có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương, có sự sẻ chia và niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả. Dù cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, nhưng họ không hề nao núng bởi những thiếu thốn của đời sống vật chất và tinh thần giữa đảo xa, giữa mênh mông sóng nước…

 Đoàn công tác UBTW MTTQ Việt Nam thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình đang sinh sống trên đảo Trường Sa.
Phóng viên Tạp chí Mặt trận phỏng vấn chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa.

Đã xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những người chiến sĩ làm nhiệm vụ giữa bốn bề sóng nước luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng có lẽ càng gian khó bao nhiêu thì càng ngời lên những nét tự hào và ý chí quyết tâm càng được tôi luyện. Dù điều kiện sinh hoạt, luyện tập còn gặp những khó khăn nhất định, song vượt lên trên hết, những người lính đảo đã biết sắp xếp thời gian biểu rất khoa học.

"Ở nơi ấy, ngoài đảo xa", mặc dù bao khó khăn, bao phong ba bão tố cũng như trước các âm mưu bành trướng xâm lược của các thế lực ngoại bang, nhưng người chiến sĩ Trường Sa luôn giữ vững lời thề bảo vệ biển, đảo quê hương dù có thể phải đổ máu. Lời thề ấy khắc trong tim họ và khắc vào đá, vào mỗi tấc đất và cả cây cỏ ở Trường Sa.

Đến với Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận hết câu nói của Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, hay cố Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc trong buổi mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988: “… Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.

Nhất Lâm - Ảnh: Quảng Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều