|
Đồng bào Sài Gòn tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25/8/1945, hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
“Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Tác phẩm không chỉ thể hiện xuyên suốt tư tưởng Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mà còn được coi là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày “Dân vận” của cả nước để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những chỉ dẫn của Người về công tác dân vận.
Công tác dân vận luôn được xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
92 năm trước, ngay sau khi được thành lập, Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, sẵn sàng hy sinh để thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, tiến hành “ba cùng” với nhân dân; tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Chỉ với vài ngàn đảng viên, Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.
Tiếp đó, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng của Bác: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...”. Trong những năm tháng trường kỳ, gian lao đó, các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thành sức mạnh to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
|
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài tặng quà tết cho hộ gia đình chính sách tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN |
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nghị quyết 08B-NQ/HNTW là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tư tưởng này tiếp tục được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ, Đảng đã ban hành một hệ thống văn bản liên quan đến công tác dân vận: về vận động các giới, các giai tầng xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân... Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nghị quyết chỉ rõ: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.
Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, đã hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Nghị quyết cũng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Quy chế quy định rõ trách nhiệm, cơ chế, phương thức công tác dân vận của tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo 5 phương thức lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận của Đảng; bổ sung, cụ thể hóa quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; nêu rõ trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
|
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Ngượt. Ảnh: Lê Thuý Hằng/TTXVN |
Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIII) đã có chủ trương, ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công tác dân vận, như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; về công đoàn, công nhân; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; người Việt Nam ở nước ngoài; công tác giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng, miền... Có thể nói, đây là hệ thống những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan trọng đối với công tác dân vận trong tiến trình cách mạng, làm giàu thêm kho tàng lý luận của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước. Đó cũng chính là nền tảng để công tác dân vận ngày càng phát huy vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với tinh thần tăng cường và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, cả hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, đến phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, hài hòa lợi ích, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; động viên, phát huy vai trò làm chủ, chủ thể của nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, thời gian qua, công tác dân vận bằng nhiều hình thức sáng tạo, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo an sinh xã hội; phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động từ năm 2009, là một trong những dấu ấn đổi mới công tác dân vận, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” với hàng vạn mô hình, điển hình được nhân rộng đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp, các ngành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
|
Các đảng viên Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai cùng chi bộ thôn, làng đến tận nhà tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân. Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN |
Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Đảng được ghi nhận, khẳng định, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đó cũng chính là những nội dung cốt lõi trong tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy bề dày truyền thống và những thành quả đạt được, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong bối cảnh mới; phát huy hơn nữa sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận như sau:
Một là, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của nhân dân, dân vận và công tác dân vận. Tập trung quán triệt sâu sắc tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới ban hành liên quan đến công tác dân vận.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập phong cách dân vận của Người: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong công tác và cuộc sống hàng ngày, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp.
Hai là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biên giới, hải đảo, địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động nhân dân nhận thức đúng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
|
Bộ đội biên phòng Cát Bà (Hải Phòng) phổ biến chính sách cho người dân tham gia mô hình tổ tàu thuyền đoàn kết trên vịnh Cái Bèo. Ảnh (tư liệu): Lâm Khánh/TTXVN |
Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân
Nâng cao hiệu quả vận động nhân dân thông qua thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng bằng chính sách, pháp luật hợp lòng dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; làm nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tốt, đa dạng hóa các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước trong lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đời sống nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; khuyến khích, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, gắn với động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; hưởng ứng và thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong công tác dân vận nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, phát huy tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân, đóng góp cho xã hội, cho phát triển đất nước.
Sáu là, Ban Dân vận Trung ương và Ban Dân vận cấp ủy các cấp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về các chủ trương, chính sách và giải pháp lớn về công tác dân vận cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về công tác dân vận; trọng tâm là chủ trì tham mưu tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; tham mưu chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc một số tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ chế phối hợp thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Phối hợp tham mưu việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân vận các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình, làm nòng cốt tham mưu và thực hiện công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị thường xuyên học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm, niềm tự hào và khí thế mới, công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nhân dân xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới”.
TTXVN/Báo Tin tức