Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gặp gỡ bà con kiều bào tại Tổng hội Khmer - Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Ảnh: Quang Vinh.
“Đối ngoại nhân dân” là khái niệm để chỉ các hoạt động đối ngoại không thuộc đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, do các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và các cá nhân thuộc mọi tầng lớp nhân dân thực hiện.
Ở Việt Nam, đối ngoại nhân dân là hoạt động được hình thành, ra đời từ rất sớm. Từ thế kỷ XVII, công tác đối ngoại nhân dân được diễn ra sôi động thông qua các hoạt động giao thương, giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương và người nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và các nước khác ở Đông Nam Á, Trung Đông,...) tại các thương cảng sầm uất, như Phố Hiến (Hưng Yên) và Hội An.
Đầu thế kỷ XX, để tìm đường cứu nước thoát khỏi cảnh đô hộ của thực dân Pháp, các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu (1867-1940) thông qua Phong trào Đông Du (1905-1908) đã tìm đến sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật đưa hàng trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà. Hay thông qua Phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh (1872-1926) đã sang Pháp (năm 1911) với ý định tranh thủ sự giúp đỡ của Hội Nhân quyền để đòi chính quyền thực dân ở Đông Dương cải cách chính trị, tôn trọng dân quyền.
Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy vai trò, nguồn lực quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Từ năm 1911 đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, thành lập các hội đoàn người Việt, cơ sở cách mạng ở Pháp, Trung Quốc, Thái Lan để vận động các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ cho phong trào cách mạng ở Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), công tác đối ngoại nhân dân dần phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng, là một trong ba trụ cột của ngoại giao, là nét đặc sắc, sáng tạo của nghệ thuật đối ngoại Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951), Đảng ta nhấn mạnh: “Mở rộng ngoại giao nhân dân... Phối hợp cuộc kháng chiến của ta với các cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, nhất là của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân Pháp”1.
Sau khi đất nước thống nhất, quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân và chủ trương triển khai đồng bộ ba trụ cột đối ngoại đã tiếp tục được phát triển và hoàn thiện. Từ Đại hội IX đến Đại hội XII, Đảng ta đều yêu cầu mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, làm rõ nội hàm, nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân và sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân... làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Đại hội XIII ( 2021), Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”2. Đây không chỉ là sự kế thừa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một bước phát triển quan trọng đối với vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
Trên cơ sở sơ kết rút kinh nghiệm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, ngày 5/1/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối ngoại nhân dân cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức nhân dân.
Chỉ thị 12 đưa ra 8 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ “Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, phát huy tinh thần yêu nước, nguồn lực to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn kết phong trào, hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài với phong trào, hoạt động của các tổ chức nhân dân ở trong nước; phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước” có ý nghĩa quan trọng để phát huy vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Ban Bí thư, Đảng ta luôn khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Do vậy, việc phát huy vai trò các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới là một nhân tố quan trọng, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong nước, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với hàng nghìn tổ chức và cá nhân trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Thông qua hoạt động hội hữu nghị Việt Nam với các nước, hoạt động kết nghĩa giữa các tỉnh, thành Việt Nam với tỉnh, thành, địa phương các nước; các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; các diễn đàn song phương, đa phương trong khu vực, thế giới trên các lĩnh vực; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với các nước; các hội nghị, các tổ chức quốc tế... kiều bào ta nói chung, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng đã và đang góp phần quan trọng là cầu nối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; thu hút nguồn lực nói chung và kiều bào nói riêng về xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều hội đoàn, kiều bào đã tích cực ngoại giao nhân dân con thoi, vận động các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào quyên góp, gửi về nước ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cùng hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, hàng chục triệu liều thuốc, vaccine... góp phần phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19, được Đảng, Nhà nước và các địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.
Theo thống kê, hiện nay có hơn 5,5 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 1.000 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới, trong đó trên 500 hội đoàn có sự gắn bó mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (hàng chục hiệp hội, hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều hiệp hội, hội đoàn trên các lĩnh vực khác nhau ở các nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp liên kết người Việt Nam ở nước ngoài với nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng cường và phát huy hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân, tạo sự gắn kết, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, lan tỏa niềm tự hào dân tộc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta và các nước, do đó để phát huy vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức thống nhất trong các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối ngoại nhân dân đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải tiếp tục được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng và sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước.
Hai là, phát huy vai trò của các hội đoàn là cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của các hội đoàn đông, có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam cũng như đối với chính quyền nước sở tại; đội ngũ doanh nhân, trí thức, các nhân sĩ, chức sắc tôn giáo kiều bào, nhất là những kiều bào tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phát huy vai trò là cầu nối mở rộng quan hệ, hợp tác với nhiều tổ chức, cá nhân (các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, đảng phái, đến các học giả, chính trị gia và cá nhân) mong muốn quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, góp phần huy động ngày càng nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, cũng như tạo cơ hội để đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu (an ninh năng lượng, an ninh lương thực, xung đột quân sự, vũ trang...).
Ba là, coi trọng công tác xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại chuyên trách cả về trình độ, năng lực, đặc biệt là bản lĩnh chính trị và văn hóa nghề nghiệp, nhạy bén trước những biến động về kinh tế - chính trị - ngoại giao... của khu vực, thế giới.
Đồng thời, đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phải được bồi dưỡng những nội dung cốt lõi về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có lòng yêu nước sâu sắc, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tâm và tầm, nhiệt tình, trách nhiệm, am hiểu văn hóa, sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước sở tại, để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, ngày càng có đóng góp xứng đáng cho nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại” của nước nhà.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các hội đoàn người Việt Nam ở các nước trong xây dựng, tổ chức các chương trình hoạt động để vận động, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy vai trò cầu nối hữu nghị với bạn bè quốc tế, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh, tiêu biểu và là đại sứ thiện chí, là cánh tay nối dài của Việt Nam với bè bạn năm châu.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, đối với sự lớn mạnh của các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Phát huy tốt vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục là vai trò “tiên phong, mở đường”, làm tròn vai trò “trụ cột” của “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác đối ngoại nhân dân. Gắn nội dung này trong sơ kết, tổng kết hoạt động hàng năm của các hội đoàn và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; kịp thời đề nghị các cơ quan chức năng, Đảng và Nhà nước khen thưởng những hội đoàn, người Việt Nam ở nước ngoài có những thành tích tiêu biểu trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần thu hút nhiều nguồn lực về xây dựng và phát triển đất nước.
Như vậy, cùng với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, phát huy vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam trong tình hình mới.
Chú thích:
1. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ii/chinh-cuong-dang-lao-dong-viet-nam-1448.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.162.
Nguyễn Hồng Huệ - Peter Hồng, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.