|
Tỉnh Đồng Nai phấn đấu mỗi năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS
|
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; Giải quyết 90% nhu cầu tối thiểu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, giáo dục, chuyển đổi nghề và đào tạo nghề giải quyết việc làm của các hộ DTTS, hộ nghèo, cận nghèo; xóa nhà tạm cho trên 70% số hộ DTTS nghèo; Trên 99% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 95% ấp có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; Trên 90% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; Trên 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; Trên 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;100% đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và điện thoại liên lạc; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; Tỷ lệ sinh viên người DTTS đạt 150 sinh viên trên một vạn dân; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; Trên 98% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ và sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 15%...
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
(1)Nguyên tắc thực hiện Chương trình: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ có khó khăn đặc thù; ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.
(2)Huy động vốn, lồng ghép nguồn lực: Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, có giải pháp huy động hợp lý các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài; bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.
(3)Cơ chế quản lý, thực hiện: Thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho cấp huyện, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình; áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn, đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng; UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trung hạn giai đoạn 2023-2025 và hàng năm.
(4)Công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo, cận nghèo.
Hồng Nhung