Tả Phìn: Hiệu quả từ mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -

Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số dân cư đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày nhờ biết tận dụng tiềm năng, lợi thế và những sản phẩm sẵn có, một số Hợp tác xã (HTX) đã phát triển nông nghiệp kết hợp khai thác phát triển du lịch. Từ đó tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Khung cảnh ruộng bậc thang xã Tả Phìn (Ảnh sưu tầm)

Xã Tả Phìn có 3.700 nhân khẩu thuộc 728 hộ dân sinh sống ở 6 thôn bản. Trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 35%, dân tộc Mông chiếm 52,7%, còn lại là các dân tộc khác. Không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ như hang động Tả Phìn có nhiều nhũ đá được hình thành từ lâu đời, tạo nên những hình thù kỳ thú đa dạng về kích thước, bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp từ những thửa ruộng bậc thang vàng óng khi ngày mùa tới, sự cổ kính của Tu viện cổ Tả Phìn với những bức tường rêu phong cũ kỹ đi cùng năm tháng... Nơi đây còn có nền văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị về kiến trúc nhà cửa, cách trang trí nhà cửa, chữ viết, trang phục, trang sức và các phong tục, lễ hội như những nghi lễ cưới, hát giao duyên, lễ cúng làng, lễ cúng giải hạn…, cùng với các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, khảm bạc, rèn đúc... và bài thuốc tắm lá của người Dao đỏ. Người dân vùng cao đôn hậu, nhiệt tình, mến khách và thật thà.

Từ tiềm năng, lợi thế đó, với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng thông qua tham gia các HTX đã giúp nhiều đồng bào DTTS đảm bảo được cuộc sống. Cùng với đó, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương và tạo thêm việc làm cho người dân trong HTX và người dân trên địa bàn có thêm thu nhập với việc tham gia phục vụ khách du lịch. Một số HTX đang hoạt động khá tốt, tạo công ăn việc làm ổn định tại xã Tả Phìn như HTX cộng đồng Dao đỏ, HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn, HTX Tả Phìn Xanh...  

          Trong 10 năm trở lại đây, xã Tả Phìn được biết đến với thế mạnh về phát triển du lịch, cùng các tri thức bản địa đã tạo ra các sản phẩm bản địa liên quan đến thảo dược, chăm sóc sức khỏe, xuất phát từ bài thuốc dân gian tắm lá gia truyền của người Dao đỏ. Điển hình là HTX cộng đồng Dao đỏ do chị Tẩn Tả Mẩy làm Giám đốc, được thành lập năm 2015, tiền thân là kinh tế hộ gia đình nhằm giữ nghề làm thuốc tắm gia truyền, nay HTX đã vượt qua nhiều khó khăn để có chỗ đứng nhất định trên thị trường dược liệu dân tộc.

Đến nay, HTX có 120 thành viên, tạo việc làm cho 400 hộ liên kết cung cấp dược liệu, đa số là phụ nữ người dân tộc Dao đỏ tại địa phương, chuyên pha chế thuốc tắm gia truyền của người Dao đỏ được khai thác từ cây dược liệu quý trong rừng và làm dịch vụ du lịch. Sản phẩm đầu tiên của HTX là nước tắm Dao đỏ được sản xuất cô đặc từ những vị thuốc quý hiếm 100% thiên nhiên của núi rừng Sa Pa như cây ngải cứu rừng, cây đại bi, hương nhu và 12 loại thảo dược của người Dao đỏ.

 Hiện tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt hơn 3 tỷ đồng, các thành viên cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Trong bối cảnh thị trường dược liệu ngày càng cạnh tranh cao, HTX phải áp dụng chung một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO để từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững (đặc biệt chú trọng việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học). HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ trồng. Ngoài ra, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu tại hai xã Tả Phìn và xã Ngũ Chỉ Sơn, với diện tích trồng và chăm sóc, bảo tồn các loại cây thuốc của người Dao đỏ hơn 115 ha.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế từ phát huy giá trị của nghề truyền thống từ các sản phẩm thảo dược, thì phát triển du lịch cũng là một hướng đi mới của xã Tả Phìn. Tiêu biểu về mô hình, hợp tác xã du lịch với cách làm hay, sáng tạo như HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn, những năm gần đây được biết đến là nơi trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đặc sắc của người Dao. HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn do chị Lý Tả Mẩy làm Giám đốc, được thành lập năm 2019. Thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên HTX đã gặp không ít khó khăn, các hội viên đã cùng nhau tìm hướng đi mới để thích ứng với dịch bệnh (nuôi thử nghiệm giống gà thảo dược, nuôi lợn giống, trồng rau ngắn ngày... để cải thiện nguồn thu) và cùng nhau xây dựng mô hình vườn sinh thái nhằm cải tạo cảnh quan homestay, vệ sinh môi trường, sẵn sàng đón khách trở lại ngay sau khi thị trường du lich mở cửa trở lại. Đến nay, HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn có 38 hộ kinh doanh hợp tác (mô hình tất cả thành viên cùng đóng góp vốn), hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp hoạt động và dịch vụ du lịch như cung cấp các dịch vụ lưu trú homestay theo hình thức du lịch cộng đồng (trải nghiệm “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình người dân bản địa); hướng dẫn viên bản địa; tổ chức tuyến tham quan trải nghiệm như đi rừng lấy lá thuốc tắm, học cách sử dụng thảo dược và chuẩn bị thuốc tắm, một trong những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng nhất của người đồng bào dân tộc Dao Đỏ; tham quan và học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc; trực tiếp tìm hiểu và thực hành các quy trình rèn đúc, dệt lanh, làm mẫu in sáp ong lên thổ cẩm của người Mông, ngắm nhìn nghệ nhân căng da trâu làm trống của người Dao, dự lớp học chữ nôm Dao, khắc bạc...  và có thể đón, phục vụ ăn nghỉ, trải nghiệm văn hóa cho 200 du khách cùng lúc. HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn hoạt động quy củ nên lượng khách tham quan cũng như doanh thu từ du lịch đều được cải thiện, người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, mô hình HTX phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP là HTX Tả Phìn Xanh do ông Trần Chí Thành làm Giám đốc. HTX được thành lập năm 2018 với sự tham gia của 10 thành viên, bắt đầu từ mở rộng đầu tư nâng cấp toàn bộ chuỗi sản phẩm du lịch Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn với diện tích trên 12 nghìn mét vuông, được thiết kế, quy hoạch thành những chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch khép kín mà không hề phá vỡ kết cấu cảnh quan tự nhiên sẵn có. Xen giữa những khối đá trải khắp không gian Vườn đá Tả Phìn là những luống rau xanh mướt được gieo trồng và chăm sóc đảm bảo an toàn để phục vụ cho du khách có nhu cầu ăn, nghỉ tại đây. Những cây đào, cây mận, vườn hồng cổ, cẩm tú cầu, thược dược... rực rỡ quanh năm xen kẽ khắp vườn đá. Các khe suối nhỏ được tạo ra từ những mạch nước ngầm mát lạnh phun trào từ các hốc đá vừa cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hệ thống vườn rau, hoa và cây cảnh, vừa để nuôi những loại cá đặc sản nước lạnh như cá hồi, cá hoa, cá tầm... Toàn bộ hệ thống nhà nghỉ homestay, quầy bar, bể bơi, điểm điểm chụp ảnh "check-in", nơi chế biến thức ăn, khu nhà hàng ăn uống, khu trưng bày các vật dụng sinh hoạt của các tộc người bản địa, khu dịch vụ tắm lá thuốc nổi tiếng của người Dao Đỏ cũng được thiết kế quy mô, sắp xếp bài bản. Nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán của đồng bào Mông, Dao đỏ được bảo tồn và lưu giữ 100% tại điểm du lịch Vườn đá Tả Phìn. Các món ăn ở đây dù là món Âu hay Á, hay những món ăn dân tộc mang hương vị Tây Bắc đều vô cùng hấp dẫn. Hàng tuần, đều có đội nghệ nhân biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của các dân tộc người Dao Đỏ, người Mông và có các hoạt động giữ gìn, bảo tồn những bộ sách cổ chữ Nôm Dao.

Năm 2019, khu sinh thái vườn đá Tả Phìn là sản phẩm du lịch đầu tiên của tỉnh đạt sao OCOP cấp tỉnh và cũng là sản phẩm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngày 25/2/2021 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 548/QĐ-UBND công nhận khu sinh thái vườn đá Tả Phìn là điểm du lịch. Việc này tạo động lực để “đánh thức” các HTX trên địa bàn học tập và nhân rộng mô hình sản phẩm du lịch OCOP theo chuỗi để nâng tầm sản phẩm du lịch của xã Tả Phìn nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Đồng thời, việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc bản địa, tạo thêm công ăn việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, để các HTX có điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng thì chính quyền địa phương, MTTQ, các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, người dân làm du lịch cộng đồng phải quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân, thành viên HTX làm dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút con em đồng bào DTTS làm HTX du lịch là rất quan trọng. Đặc biệt, các HTX cần được hỗ trợ về vốn tốt hơn để tạo tiềm lực đầu tư phát triển ổn định, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn với công ty du lịch, đơn vị lữ hành, trong và ngoài tỉnh, quảng bá qua các ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng online trên mạng xã hội Zalo, Facebook,... đến đông đảo khách du lịch, sẽ tạo ra sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đang dạng với nhiều mức giá hợp lý phù hợp với nhu cầu của du khách. Bởi trong chuỗi các điểm du lịch thì mỗi một điểm dừng chân, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị riêng của từng vùng, từng địa điểm dừng chân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến với Tả Phìn.

                                                                                      Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều