Tham dự hội nghị có ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ủy Ban Dân tộc; ông Trần Hoàng Nhỏ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau và 250 đại biểu là công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện; lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã; Trưởng ấp; Người có uy tín; các chức sắc, chức việc tôn giáo; tuyên truyền viên pháp luật; hòa giải viên ở cơ sở... các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho rằng, Hội nghị sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi thông tin với nhau; cán bộ làm công tác dân tộc các cấp có điều kiện trao đổi trực tiếp với báo cáo viên những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề liên quan .
Ông nhấn mạnh: “Hội nghị tập huấn là cụ thể hóa thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nghiên cứu, nắm vững nhiều nội dung mới trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, phổ biến, giáo dục pháp luật cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Cần đa dạng về hình thức, phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng, miền. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước ta hiện nay; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống”.
250 đại biểu thuộc 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang tham dự hội nghị tập huấn
Trong 3 ngày Hội nghị ,các đại biểu được truyền đạt các kỹ năng về tuyên truyền miệng về pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động cộng đồng; lễ hội truyền thống; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chất; Phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch của các thế lực phản động; Thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động truyền thông cơ sở; và Kỹ năng Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác trợ giúp pháp lý ở vùng dân tộc thiểu số.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu được tăng cường kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên được cập nhật, tiếp cận toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.
Hội nghị tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân vùng dân tộc thiểu số; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.
Hồng Nhung