Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong những năm gần đây
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc. Đặc biệt, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là khung pháp lý quan trọng, bao gồm 12 nhóm chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 được ban hành và nhiều Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc đến năm 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó dành Điều 5 hiến định về công tác dân tộc: “… Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt… Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Quốc hội đã ban hành 62 luật với 196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến công tác dân tộc và chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…”.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Bộ Chính trị xác định các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong tình hình mới nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó khẳng định những thành tựu khá toàn diện của công tác dân tộc trên các lĩnh vực, và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, tình trạng di cư tự phát còn diễn biến phức tạp, an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…
Đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững”. Đây là một bước đổi mới tư duy xác định rõ định hướng chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Ảnh minh họa - Người dân Pà Thẻn, huyện Quang Bình giữ nghề dệt truyền thống |
Ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, nhiệm vụ trọng tâm là Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở Đề án do Chính phủ trình, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, thông qua Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; với giải pháp trọng tâm là xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình mục tiêu đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Đến ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025…
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng “lõi nghèo” của cả nước. Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...”…
Kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến hết ngày 30/6/2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương của các địa phương đạt khoảng 7.142.753 triệu đồng (đạt 17%); trong đó đầu tư phát triển là 5.638.831 triệu đồng (đạt 22%), vốn sự nghiệp là 1.503.922 triệu đồng (đạt 9%). Kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đối với từng dự án như sau:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Số vốn giao: 3.867.124 triệu đồng. Kết quả giải ngân 596.367 triệu đồng, đạt bình quân 15% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 478.017 triệu đồng, đạt 18%; vốn sự nghiệp khoảng 118.351 triệu đồng, đạt 10%).
Tính đến ngày 30/6/2023, các địa phương đã hỗ trợ được khoảng 489 hộ về đất ở; hỗ trợ cho khoảng 14.760 hộ thiếu đất sản xuất (trong đó hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 641 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 14.119 hộ); ước đến 31/12/2023 hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho khoảng 89.642 hộ. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023, hiện nay các địa phương cơ bản đã phê duyệt xong đối tượng thụ hưởng.
Dự án 2: Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư.
Số vốn giao: 2.631.367 triệu đồng.
Theo báo cáo của các địa phương đến 30/6/2023 đã khởi công được 116 dự án hỗ trợ ổn định dân cư, trong đó đã có khoảng 29 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do các dự án bố trí ổn định dân cư cần thời gian để thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công nên tỷ lệ giải ngân còn thấp; các địa phương cơ bản đã xong các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư.
Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Số vốn giao: 6.358.317 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 439.119 triệu đồng, đạt bình quân 7% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 14.690 triệu đồng, đạt 5%; vốn sự nghiệp khoảng 424.429 triệu đồng, đạt 7%).
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai thực hiện xây dựng 6 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với 139 hộ là hội viên nông dân người dân tộc thiểu số nghèo được hưởng dự án tại các tỉnh: Yên Bái, Nghệ An, Lào Cai, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hòa Bình. Các mô hình triển khai tuân thủ đầy đủ các bước theo quy định gồm: Khảo sát, thẩm định, lựa chọn hộ tham gia dự án và tổ chức hội nghị triển khai dự án; Tập huấn nâng cao kiến thức quản lý, thực hiện dự án, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Xây dựng, nhân rộng mô hình; Nghiệm thu, tổng kết mô hình.
Các địa phương đã triển khai được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 52 sự kiện kết nối tiêu thụ, các phiên chợ văn hóa, các lễ hội gắn thương mại với du lịch, các sự kiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm. Tổ chức 35 hội nghị tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại (kỹ năng thương mại, kinh doanh, bán hàng…) với sự tham gia của trên 1.400 người.
Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế - xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đã triển khai thực hiện 80 mô hình (63 mô hình chăn nuôi, 17 mô hình trồng trọt); Hỗ trợ 5.448 hộ dân thụ hưởng dự án (gồm 4.495 hộ nghèo, 781 hộ cận nghèo, 172 hộ mới thoát nghèo), tỷ lệ hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia dự án, mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt là 98%.
Về nội dung “Cán bộ chiến sỹ Quân đội nâng bước em tới trường” đã hỗ trợ 5.837 em học sinh dân tộc thiểu số (từ lớp 1 đến lớp 12) có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập. Trong đó, năm 2022 hỗ trợ 3.654 em (nhận nuôi 400 em với mức hỗ trợ 9,2 triệu đồng/em/năm và hỗ trợ 3.254 em với mức hỗ trợ 4,4 triệu đồng/em/năm); năm 2023 hỗ trợ 5.837 em (nhận nuôi 400 em với mức hỗ trợ 23,9 triệu đồng/em/năm và hỗ trợ 5.437 em với mức hỗ trợ 7,4 triệu đồng/em/năm).
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Số vốn giao: 13.794.799 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 4.029.060 triệu đồng, đạt bình quân 29% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 3.839.947 triệu đồng, đạt 30%; vốn sự nghiệp khoảng 189.114 triệu đồng, đạt 23%).
Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo tổng hợp báo cáo từ địa phương đến 30/6/2023, các địa phương đã triển khai thực hiện khoảng 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, 163 công trình đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới 47, sửa chữa 67 công trình chợ; 1.717 công trình đường giao thông thôn, bản; 37 công trình cầu giao thông nông thôn; xây dựng 3 nhà hỏa táng; 302 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng thôn, bản; xây mới 23, sửa chữa 21 trạm y tế; 34 công trình nước sinh hoạt…; duy tu, bảo dưỡng trên 200 công trình.
Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Ngày 9/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg về việc sửa đổi Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó chuyển các trường chuyên biệt về trực thuộc Ủy ban Dân tộc gồm Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.
Ngày 1/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc đã tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án phân bổ vốn đầu tư còn lại đối với 2 trường Hữu nghị T78 và trường Hữu nghị 80 theo quy định.
Căn cứ Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã giao bổ sung 444,407 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2023 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để đầu tư 2 trường Hữu nghị T78 và trường Hữu nghị 80. Ngày 25/9/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2765/QĐ-BGDĐT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo trường Hữu nghị T78”.
Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Số vốn được giao: 7.703.452 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 1.073.200 triệu đồng đạt 14% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 703.861 triệu đồng, đạt 21%; vốn sự nghiệp khoảng 369.339 triệu đồng, đạt 8%).
Dự án 6: Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Số vốn được giao: 1.226.800 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 184.447 triệu đồng, đạt bình quân 15% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 116.197 triệu đồng, đạt 14%; vốn sự nghiệp khoảng 68.250 triệu đồng, đạt 16%.
Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Số vốn được giao: 753.555 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 116.694 triệu đồng, đạt bình quân 15% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 57.427 triệu đồng, đạt 16%; vốn sự nghiệp khoảng 59.167 triệu đồng, đạt 15%).
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Số vốn được giao: 823.836 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 91.092 triệu đồng, đạt 11%. Tính đến ngày 30/6/2023, các địa phương đã thành lập được 3.535/9.000 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 39% chỉ tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025); thành lập, củng cố 477/1.000 địa chỉ tin cậy (đạt 48%) với sự tham gia của 5.685 thành viên, tư vấn cho trên 1.100 phụ nữ, trẻ em trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thành lập 550/1800 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (đạt 31%); tổ chức 68/600 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho trên 4.400 cán bộ các cấp (đạt 11%); tổ chức 239/480 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã (đạt 50%), 377/1600 cuộc tập huấn cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng (đạt 24%); tổ chức 106/400 cuộc đối thoại chính sách ở cấp thôn bản (đạt 2%) với sự tham gia của 8.420 người.
Dự án 9: Đầu tư nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn. Số vốn được giao: 2.469.455 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 230.606 triệu đồng, đạt bình quân 9% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 142.172 triệu đồng, đạt 17%; vốn sự nghiệp khoảng 88.433 triệu đồng, đạt 5%).
Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình. Số vốn được giao: 967.464 triệu đồng.
Kết quả giải ngân khoảng 153.691 triệu đồng, đạt bình quân 16% (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 61.875 triệu đồng, đạt 19%; vốn sự nghiệp khoảng 91.817 triệu đồng, đạt 14%.
Có thể nói, các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách thuộc Chương trình đã xây dựng theo đúng quan điểm, mục tiêu, phạm vi, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế quản lý, điều hành quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, tập trung vào các giải pháp cụ thể đảm bảo việc ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư giải quyết các vấn đề cấp thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045, các cấp, các ngành, các địa phương cần kiên định, kiên trì, với quyết tâm chính trị cao, thực hiện hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo số 4123/BC-BKHĐT ngày 1/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 5 tháng năm 2023.
2. Quyết định số 35/QĐ-TCTCMTQGDTTS ngày 5/8/2022 về việc ban hành Kế hoạch giám sát, đánh giá của Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.
3. Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc DA1 và TDA1, DA 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
4. Báo cáo số 511/BC-CP ngày 4/10/2023 của Chính phủ về Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
* Hoàng Đức Thành - Thạc sĩ, Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
** Hà Thị Giang - Thạc sĩ, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc