Thí điểm du lịch cộng đồng tại Làng Chè, Hà Tĩnh

(Mặt trận) - Làng Chè thuộc xã miền núi Sơn Kim 2 là vùng chuyên canh sản xuất chè công nghiệp, mới đây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là giải pháp để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây.
Cảnh đẹp quyến rũ của Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh (Nguồn internet)

Mô hình phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp

Sơn Kim 2 là xã miền núi biên giới, gần cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, giáp với nước bạn Lào. Sơn Kim 2 có diện tích đất tự nhiên hơn 20.000 ha với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng. Đồng bào dân tộc thiểu số là 128 hộ với 308 nhân khẩu, chủ yếu là hai dân tộc Mán, Thanh, sinh sống trên địa bàn 7/8 thôn của xã.

Vùng biên viễn này đặc biệt có thế mạnh về sản xuất chè công nghiệp với diện tích rộng gần 400 ha, bao phủ hầu hết diện tích cây trồng của thôn. So với nhiều loại cây trồng khác, cây chè dễ trồng và tăng trưởng nhanh, chịu được mưa lũ, sinh trưởng trên đa dạng địa hình.

Việc sản xuất chè công nghiệp tại Làng Chè đã sớm được các cấp lãnh đạo quan tâm, xây dựng thành quy trình hoàn chỉnh từ nuôi trồng, thu mua đến chế biến, đóng gói. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có nhà máy thu mua và sơ chế chè Tây Sơn, sau đó nhập về Công ty chè Hà Tĩnh chế biến, nguyên liệu chè không đủ cung cấp cho nhà máy sản xuất. Sản phẩm chè của Sơn Kim 2 đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện đang tiếp tục xây dựng theo tiêu chuẩn RA.

Không chỉ nổi tiếng bởi sản phẩm chè, Sơn Kim 2 còn được sở hữu hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng với tổng diện tích lên đến 19.000 ha, trong đó có 7.400 ha rừng đặc dụng có hệ sinh thái, động thực vật quý hiếm. Đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các tour trải nghiệm, nghiên cứu lâm nghiệp, sinh học hoặc du lịch leo núi....

 

Cánh đồng chè xanh mướt trải dài (Nguồn internet)

Với những tiềm năng lợi thế đó, mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững nhằm từng bước xây dựng thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 thành khu du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch miền núi Hương Sơn.

Hiện tại thôn Làng Chè xây dựng các tour tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm, các dịch vụ vui chơi giải trí tại vùng nguyên liệu chè, chụp hình tại đồng chè Tiền Phong. Cùng với đó, dịch vụ homestay kết hợp trải nghiệm trồng, thu hái chè búp tươi, vườn chè bậc thang, câu cá, nuôi gà, tắm nước nóng.

Những tiềm năng lợi thế của sản vật và cảnh sắc của Làng Chè đã thu hút du khách trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, từ đó đã hình thành lên các khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ homestay. Mô hình liên kết giữa cộng đồng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó người dân, cộng đồng là chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch, mang lại những giá trị phát triển bền vững.

Thông qua mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đã phát huy  những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương. Từ đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ và chính quyền địa phương, đặc biệt là các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm. Tại Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cũng đã xác định du lịch là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm.

Và gần đây là Kế hoạch số 130/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2023-2025, tỉnh xác định mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Kế hoạch đã lựa chọn xã Sơn Kim 2 là điểm để đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh.

Do đó, việc phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp tại thôn Làng Chè, xã Kim Sơn 2, huyện Hương Sơn là một trong những bước đi trên hành trình để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều