Thương lắm, miền trung!

Trung Trung Bộ, suốt hơn 10 ngày qua, mưa tiếp mưa, lũ chồng lũ, làm hàng chục nghìn nhà dân bị ngập, nhiều người chết và mất tích. Giữa lũ dữ, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã huy động lực lượng giúp người dân nơi đây vượt lên đau thương, mất mát...
Mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Ảnh chụp ngày 18-10). 
Tình người Quảng Bình giữa lũ dữ lịch sử

Quảng Bình đang trải qua trận lũ lịch sử kể từ năm 1979. Hiện mưa vẫn rất to, cả tỉnh bị nước ngập sâu trên diện rộng với mức độ nguy hiểm tăng cao. Khoảng 8 giờ sáng 18-10, Công an xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn nhận được điện thoại của người thân chị Đinh Thị Tương (SN 1989, ở thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc) báo tin sản phụ này đang chuyển dạ, cần được chuyển gấp lên Bệnh viện đa khoa bắc Quảng Bình. Lúc này mưa rất to; tuyến đường từ trung tâm xã đến thị xã Ba Đồn bị lũ nhấn chìm. Thiếu tá Nguyễn Hồng Cổn, Trưởng Công an xã Quảng Lộc quyết định dùng chiếc thuyền phao đẩy sản phụ men theo tuyến đường liên xã đi hơn một km trong nước lũ để ra tới điểm cao cầu Quảng Hải 2. Ở đó, được sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông thị xã đang ứng trực, sản phụ được chuyển lên xe của công an, đến bệnh viện an toàn.
 
Còn ở xã Cam Thủy, sáng sớm 18-10, điện thoại của Đại úy Hồ Viết Nam, Trưởng Công an xã Cam Thủy réo vang. Đầu dây bên kia là một giọng phụ nữ kêu cứu khẩn cấp, vì nước ngập quá sâu, rất nguy hiểm. Không quản ngại mưa to gió lớn, Đại úy Nam và các đồng chí công an xã dùng thuyền nhôm cơ động đến thôn Hào Tân và thôn Mỹ Duyệt để kịp thời sơ tán hai hộ ông Lê Công Bun và ông Nguyễn Văn Sâm bị mắc kẹt trong ngôi nhà ngập nước. Đại úy Hồ Viết Nam cho biết, lũ lớn cô lập toàn xã, nước dâng cao khiến hàng trăm nhà dân bị ngập lụt. Ban Công an xã ứng trực 24 giờ trong ngày để sẵn sàng ứng cứu người dân. Chiều 18-10, các anh cứu thành công hai người bị chìm thuyền tại cầu Sao Vàng, xã Cam Thủy.
 
Đây là hai trong số hàng trăm trường hợp người dân được lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng và công an ở Quảng Bình ứng cứu trong đêm 17 và sáng 18-10 khi nước lũ lên nhanh và dâng cao, vượt quá mốc lũ lịch sử cách đây 41 năm. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Bình cho biết, nước lũ tại các sông, suối Quảng Bình vẫn đang tiếp tục lên nhanh. Lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng đã làm hơn 35 nghìn nhà dân bị ngập sâu, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Trong đêm 18-10, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình di dời gần 500 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều hộ dân ở các vùng thấp trũng phải gọi điện, cầu cứu qua mạng xã hội. Lực lượng tại chỗ ở các xã phải dùng thuyền nhỏ, soi đèn để sơ tán người dân ra khỏi các ngôi nhà ngập sâu. Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy Lê Vĩnh Thế cho biết, trong đêm 17-10 và rạng sáng 18-10, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân nhà bị ngập sâu gần tới nóc về nơi an toàn. Hiện công tác ứng cứu người dân nằm trong vùng bị ngập sâu được thực hiện rất khẩn trương. Huyện Quảng Ninh có 10.448 nhà dân bị ngập với mức độ sâu hơn và nguy hiểm hơn do sóng gió to, nước chảy xiết. Chủ tịch xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho biết, trong đêm, người dân ở các thôn Quảng Xá, Hòa Bình, Thế Lộc gọi điện cầu cứu sơ tán khi lũ đang lên nhanh.
 
Tại “rốn lũ” Tân Hóa, Chủ tịch UBND xã Trương Thanh Duẫn cho biết, nước lũ hiện đang dâng lên rất nhanh khiến hơn 600 ngôi nhà ngập sâu trong lũ từ 1 đến 4m nước. Trời tiếp tục mưa to, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về, nước lũ ở Tân Hóa đang chạm mốc “đại hồng thủy” năm 2010. Theo ông Duẫn, nếu trời tiếp tục mưa lớn, nước lũ dâng cao, vượt các cột định vị của nhà phao thì sẽ rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương động viên nhân dân tìm dây thừng chắc để neo nhà phao lại cho chắc chắn. Điều lo ngại nhất là bà con đang thiếu lương thực do đã sử dụng gần hết trong đợt lũ trước.
 
Quảng Trị gồng mình vượt đau thương
 
Đêm 17-10, Quảng Trị mênh mông giữa cơn hồng thủy. Tiếng nước réo sôi át tiếng người tuyệt vọng kêu cứu từ những mái nhà, cành cây khi nước ngày một dâng cao. Giữa ràn rạt mưa và nước dâng bốn bề thành phố Đông Hà, suốt từ 19 giờ ngày 17 đến 5 giờ sáng 18-10, Trung tá Nguyễn Đức Trung, trợ lý công binh, phòng Tham mưu Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị mướt mải dầm mưa, lội nước cõng người già và trẻ em đến nơi an toàn.
 
Tảng sáng, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, anh cùng 139 đồng đội lại nhận lệnh lên đường ra biên giới Hướng Hóa để tìm kiếm, cứu hộ 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị mất tích do sạt lở núi. Sau giấc ngủ chập chờn trên chuyến xe dã chiến, vượt qua chặng đường dài cheo leo ngập ngụa bùn đất, những người lính biên phòng ngay lập tức vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và tình cảm đồng chí, đồng đội.
 
Hiện trường vụ sạt lở ước tính rộng khoảng sáu héc-ta, với hơn hai triệu mét khối đất, đá đổ xuống tạo thành lớp bùn đất dày nhiều mét, gây khó khăn cho hàng trăm người tham gia tìm kiếm nạn nhân. Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cho biết, 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp, gồm có ba sĩ quan, tám quân nhân chuyên nghiệp, 11 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Sau vụ việc đêm qua, khu vực Hướng Lập, Hướng Phùng và Hướng Việt vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi nước vẫn tràn về và hệ thống các ngọn đồi đất đỏ chung quang hiện trường có dấu hiệu thấm nước nghiêm trọng và chân đế lỏng dần, rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra lũ ống và lũ quét. Các đơn vị đã chủ động cắt cử người cảnh giới tại các khu vực cao để quan sát, đánh kẻng cảnh báo.
 
Có mặt tại khu vực sạt lở từ rất sớm, Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ: “Chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng phương tiện, khắc phục mọi khó khăn để sớm tìm được đồng đội. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang nén nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ”. Còn Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, chỉ huy trực tiếp đoàn tìm kiếm, cứu nạn của BĐBP cho biết: “Khi nhận mệnh lệnh từ cấp trên, BĐBP Quảng Trị ngay lập tức thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại huyện Hướng Hóa, khẩn trương cơ động đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi cùng các đơn vị khác đang quyết tâm cao nhất sớm tìm được đồng đội”.
 
Khi những chiếc xe chuyên dụng hoàn thành công đoạn gạt bỏ lớp đất đá dày gần 1m tại khu vực trọng điểm thì cũng là lúc sáu chú chó nghiệp vụ được đưa vào giám biệt nguồn hơi để tìm người. Khẩn trương nhưng cũng đầy thận trọng, những chiến sĩ công binh của BĐBP và Quân khu 4 đào thăm dò những vị trí đã được xác định trước đó. Trong tiếng ầm ì của động cơ, người và chó dò dẫm sục sâu trong bùn nhão và đất đồi đỏ quạch, có những đoạn ngập đến đùi chiến sĩ, còn các chú chó thì liêu xiêu như làm xiếc trên bùn… Tất cả đều chạy đua cùng thời gian, chạy đua cùng thời tiết đang rình rập đưa lũ về thêm lần nữa.
 
Khi những chú chó nghiệp vụ xác định được dấu vết nghi ngờ, các chiến sĩ công binh bỏ lại xẻng, cuốc, chỉ dùng dao nhỏ và tay không để đào bới, vớt từng lượt bùn đất để tìm người. Nấc nghẹn chạm vào thi thể đầu tiên của đồng đội khi bàn tay đã trầy xước đến ứa máu, Trung tá Nguyễn Đức Trung rưng rưng chia sẻ, các anh em đã chịu đau đớn và lạnh lẽo suốt nhiều giờ đồng hồ, không thể để các anh chịu đau thêm một chút nào nữa nên chúng tôi dù có phải chịu tổn thương nhiều hơn nữa cũng vẫn sẵn sàng.
 
Đêm nay, những người lính sẽ có thêm một đêm không ngủ dưới làn mưa xiên trắng rừng để tiếp tục tìm đồng đội. Mầu áo xanh bện đất đỏ mà trở nên sậm mầu, những gương mặt đã nhiều đêm không ngủ, dầm mưa lạnh hốc hác và xạm tái, những đôi mắt trũng sâu nhìn xoáy vào đất đỏ. Các anh sẽ còn thức cho đến khi bàn tay chạm được người đồng đội thứ 22 đang nằm đâu đó dưới tầng tầng đất đỏ lạnh căm kia.
 
Ngay gần ba giờ sáng 18-10, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp khẩn tìm phương án cứu hộ các chiến sĩ và người dân vùng lũ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến nhận nhiệm vụ dẫn đoàn lên km 15 đường Hồ Chí Minh (nhánh tây tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) lập Sở chỉ huy tiền phương, trực tiếp chỉ đạo ứng cứu lũ lụt và cứu nạn. Từ ngã ba thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa, để ra được điểm sạt lở núi phải đi qua nhánh tây đường Hồ Chí Minh đang bị lũ ống và sạt lở đất bao vây, rất nguy hiểm. Các xe múc và san ủi giải phóng đường, tạo mặt bằng nền để đoàn và các phương tiện cơ giới sớm vào hiện trường cứu hộ.
 
Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, Thiếu tướng Trần Khắc Bang cho biết, vụ sạt lở núi tại địa bàn thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa xảy ra vào hồi một giờ ngày 18-10; đất, đá ập vào khu nhà ăn, nhà nghỉ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337) thuộc Quân khu 4 khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Sau khi sự cố xảy ra, công tác tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân được Quân khu 4 và tỉnh Quảng Trị triển khai khẩn trương, tốc lực. Tuy nhiên, do mưa lũ lớn, khối lượng đất đá từ núi cao đổ xuống nhiều nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Suốt ngày 18-10, công tác thông đường tại các điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh vào xã Hướng Phùng chưa hoàn thành nên xe cơ giới khó vào hiện trường. Việc cứu hộ chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ. Lực lượng cứu hộ làm việc hết tốc độ nhưng kỹ lưỡng. Bà Lê Thị Khuyên, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ có mặt từ sáng sớm để tìm con trai cứ đứng ngồi không yên, hướng ánh mắt vào phía hiện trường. Con trai bà là chiến sĩ hậu cần, bị mất tích trong vụ sạt lở núi. Bà vừa khóc vừa kể, biết hôm qua nước lũ ở nhà lên nhanh, con trai gọi điện về hỏi thăm mẹ và gia đình, dặn dò mọi người chống lũ, còn mình ở đơn vị vẫn an toàn.
 
Đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương, chỉ đạo đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân. Trong điều kiện thời tiết khu vực này rất xấu, có mưa to nên phải bảo đảm an toàn lực lượng cứu hộ. Trung tướng Nguyễn Tân Cương đã lệnh hai trực thăng sẵn sàng ở Đà Nẵng, chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Phùng đang bị cô lập, chuyển lương thực và thuốc men cho người dân và lực lượng cứu hộ. Đồng thời yêu cầu cắt cử người trên khu vực cao quan sát, đánh kẻng cảnh báo nếu phát hiện sạt lở. Chính quyền tỉnh Quảng Trị quyết định tổ chức tang lễ cho các nạn nhân tại TP Đông Hà. Các nạn nhân sau khi đưa ra khỏi hiện trường được chuyển lên xe chuyên dụng đưa về địa điểm tập kết tại TP Đông Hà.
 
Từ 15 giờ chiều 18-10, khu vực này xuất hiện mưa lớn, việc cứu hộ lại thêm khó khăn. Đến cuối ngày 18-10, chó nghiệp vụ và máy xúc được tiếp tục điều động thêm tới hiện trường để đẩy nhanh việc tìm kiếm các nạn nhân. Lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được 13 trong số 22 người mất tích.

Trong một diễn biến khác, đồng chí Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, trưa 18-10, sau 14 tiếng nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng của xã Húc và huyện đã tìm sáu thi thể của gia đình anh Hồ Văn Phơi, ở thôn Tà Rùng, xã Húc. Chiều 17-10, ngôi nhà của anh Hồ Văn Phơi gồm có sáu người đang sinh sống bị đất đá từ núi cao sạt lở đè lên. Đến cuối ngày 18-10, bảy người dân của xã Hướng Việt, trong lúc đi rừng bị mất tích. Đoàn công tác của xã Hướng Việt tổ chức đi cứu nạn, không may khi băng rừng đã gặp tai nạn, một công an xã bị chết; Phó Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị gãy chân. Mọi thông tin liên lạc ở vùng này bị cắt đứt hoàn toàn nên việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
 
 Lũ đặc biệt lớn từ ngày 6 đến 18-10 đã gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân Quảng Trị. Hiện có 80 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt. Có gần 53 nghìn ngôi nhà ngập sâu. Các lực lượng chức năng của tỉnh kịp thời sơ tán hơn 11 nghìn hộ đến nơi an toàn. Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở gây tắc đường. Các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã và đang gồng dậy trong đau thương, tập trung di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chi viện nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ở vùng bị cô lập.
 
Ấm lòng người dân Huế
 
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong vòng một tuần, lượng mưa trên địa bàn tỉnh bình quân 2.000 mm, có điểm gần 3.000 mm, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Công tác cứu trợ cho bà con vùng lũ đang được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai với quyết tâm “không để bất cứ người dân nào thiếu đói trong lũ”.
 
Ba xã vùng thấp Phong Hòa, Phong Bình và Phong Chương (huyện Phong Điền) có địa thế thấp trũng. Nhà cửa, đường sá, các công trình gần như đều bị nhấn chìm trong biển nước. Bà Nguyễn Thị Thuyến, ở thôn Lương Mai (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) cho biết, khi lũ dâng, bà chỉ kịp cứu được cặp lợn nái, còn đàn lợn thịt, mấy đàn gà đều bị cuốn trôi, mấy tạ lúa thu mua để xay gạo bán bị ngâm nước. Anh Nguyễn Đức Trung, cán bộ UBND xã Phong Chương (huyện Phong Điền) vừa đi vận động các nhà hảo tâm được hơn một tấn gạo. Anh kêu gọi, huy động thanh niên, anh em, bạn bè làng Đại Phú chèo ghe đi phân phát, hỗ trợ cho các gia đình bị ngập lụt.
 
Nhiều địa phương ở các vùng thấp trũng đều chìm trong biển nước, mất điện hoàn toàn. Mọi việc đi lại chủ yếu bằng thuyền.
 
Huyện Quảng Điền là một trong những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề trong những ngày qua. Các đợt lũ lớn làm 16.228 ngôi nhà ngập sâu trong nước. Một số vùng ven đầm phá ở các xã Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, thị trấn Sịa... bị chia cắt, cô lập. Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Trần Quốc Thắng cho biết đến nay, huyện đã tiếp nhận hơn 10 nghìn thùng mì ăn liền, 100 thùng bánh gạo; Công an tỉnh hỗ trợ 400 thùng mì ăn liền, 60 thùng nước suối; thành phố Huế hỗ trợ 500 suất ăn nhanh... Tất cả số hàng cứu trợ trên đã chuyển đến các xã, thị trấn, cấp phát kịp thời cho người dân. Riêng nguồn do các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ với gần 18.500 suất quà, tổng giá trị gần 2,5 tỷ đồng được phân bổ đến các xã, thị trấn.
 
Tại TP Huế, chính quyền huy động các lực lượng, tổ chức đóng gói, vận chuyển hơn 3.000 suất quà, gồm: bánh mì, xúc xích, sữa, nước uống đóng chai, kịp thời trao cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu. Công an TP Huế đã thành lập Trung đội phản ứng nhanh, phối hợp lực lượng chức năng, chính quyền địa phương di dời 320 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu đến nơi an toàn; đồng thời, tổ chức hỗ trợ cho người dân hơn 1.000 thùng mì ăn liền và nhu yếu phẩm. Trực tiếp đi trao mì ăn liền cho người dân vùng thấp trũng tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền và xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh sẽ không để người dân nào bị đói trong mưa lũ.
 
Cập nhật của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến cuối ngày 18-10 cho biết, mưa bão đã làm 27 người chết, 15 người mất tích, 13 người bị thương. Hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85 nghìn nhà dân bị ngập. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ, ước tính đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cấp khoảng ba tấn gạo và hơn 12 nghìn thùng mì ăn liền từ nguồn dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân vùng ngập lụt. UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ; hai tấn lương khô; 10.000 thùng mì ăn liền; 20 tấn hóa chất benkocid để tiêu độc khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 200 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn ngân sách trung ương để sớm khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí khoảng 738 tỷ đồng.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều