Tình cảm đạo đức - Cơ sở cho sự phát triển nhân cách con người

(Mặt trận) - Giáo dục đạo đức, trong đó giáo dục tình cảm đạo đức giữ một vai trò hết sức quan trọng, hình thành thái độ, niềm tin, tình cảm đạo đức cho con người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Những tư tưởng, những quan điểm cơ bản về đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh  là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Việc trang bị những tri thức lý luận có tính khoa học và cách mạng sẽ làm phát triển khả năng nhận thức và lựa chọn giá trị, khả năng xác lập một cách đúng đắn các quan hệ đạo đức cho con người.

 Giáo dục con người luôn luôn được coi trọng nhằm tạo ra những con người có trí tuệ, có đạo đức, có sức khỏe để phục vụ đất nước

Tình cảm đạo đức cho mọi người bao gồm tình yêu quê hương đất nước, thái độ đối với lao động, tình yêu thương con người. Chính tình cảm đạo đức “sẽ làm sâu sắc thêm mối tương giao giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên”1. Sự sâu sắc và tinh tế trong mối tương giao này là một trong những động lực làm tăng thêm sự phong phú, sâu sắc và mạnh mẽ của thế giới nội tâm, thúc đẩy con người vươn lên trong cuộc sống.

Tình cảm đạo đức là hình thái biểu hiện cơ bản của ý thức đạo đức ở cấp độ cảm tính. Là phương thức phản ánh độc đáo thực tiễn, trong tình cảm đạo đức không có sự tách biệt giữa nội dung khách quan xuất phát từ ngoại giới với trạng thái tâm lý bên trong của chủ thể đạo đức. Vì vậy, tình cảm đạo đức biểu hiện ra vừa như là sự nhận thức - đánh giá các hiện tượng đạo đức, vừa như là sự biểu hiện thái độ chủ quan của chủ thể đối với các hiện tượng đó. Sự nhận thức và biểu hiện thái độ của chủ thể được thực hiện bằng thông qua cảm xúc. Chẳng hạn, trước cái thiện, người ta cảm động, đồng tình, phấn chấn; trước cái ác, người ta phẫn nộ, căm giận kẻ gây ra cái ác, xót thương và cảm thông đối với nạn nhân của cái ác. Những cung bậc cảm xúc ấy là sự thống nhất giữa những tác động từ bên ngoài và sự biểu hiện thái độ từ nội tâm của chủ thể đạo đức. Đây chính là nội dung và biểu hiện của tình cảm đạo đức. Nhờ tình cảm đạo đức con người không chỉ biết nhận thức, đánh giá các hiện tượng đạo đức, mà cùng với sự đánh giá ấy, con người còn có nhu cầu thực hiện hành vi đạo đức. Như thế, tình cảm đạo đức không chỉ biểu hiện trạng thái tình cảm, trạng thái xúc động của con người trước các hiện tượng đạo đức mà còn thể hiện như là năng lực và động lực thực hiện hành vi đạo đức của con người. Những kẻ thờ ơ hay vô cảm trước cái thiện, cái ác, không chỉ kém phát triển về tình cảm đạo đức mà còn là những kẻ kém năng lực nhận thức và hành động đạo đức, thậm chí, còn là những kẻ vô đạo đức. Sự phát triển tình cảm đạo đức là cơ sở tâm lý của việc xác lập quan hệ đạo đức giữa con người với con người, góp phần kích thích sự quan tâm, đồng cảm chia sẻ của con người đối với niềm vui, nỗi buồn, các cảnh ngộ của người khác. Sự phát triển tình cảm đạo đức, do vậy, là một trong những chỉ bảo xác nhận đức hạnh, trình độ phát triển đạo đức và nhân cách con người.

Người Việt Nam vốn có truyền thống duy tình, nghĩa là có sự phát triển tình cảm nói chung và tình cảm đạo đức nói riêng. Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, tình yêu con người và thiên nhiên, chân - thiện - mỹ là những biểu hiện của tình cảm đạo đức của con người Việt Nam. Chân - thiện - mỹ  được hình thành và phát triển xuyên suốt lịch sử dân tộc, là cội nguồn và động lực của sự cố kết dân tộc, của quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, xác lập bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính nhờ sự phát triển tình cảm đạo đức mà con người Việt Nam đã xác lập được một truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “tắt lửa tối đèn có nhau”, một truyền thống ngoan cường chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, đất nước.

Tình cảm đạo đức của con người có liên quan chặt chẽ đến các phạm trù Thiện và ác, Lương tâm, Hạnh phúc, Lẽ sống. Cái thiện là những cái gắn liền với những điều tốt đẹp, những thứ mang lại lợi ích cho con người. Tình cảm đạo đức của mỗi người đòi hỏi người ta phải hướng theo cái thiện, làm điều thiện mà tránh xa cái ác, bài trừ cái ác để cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tình cảm đạo đức gắn liền với phạm trù lương tâm, vì “Lương tâm chính là cảm giác hay ý thức trách nhiệm đạo đức của con người đối với hành vi của mình trong mối quan hệ với người khác, với xã hội đồng thời nó là sự tự phán xử về các hoạt động, hành vi của mình”2.

Việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao là một nhiệm vụ chiến lược của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X,  đã  khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”3. Như vậy là công tác giáo dục con người luôn luôn được coi trọng nhằm tạo ra những con người có trí tuệ, có đạo đức, có sức khỏe để phục vụ đất nước. Song, có thể khẳng định giáo dục đạo đức cho con người vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi những biểu hiện tiêu cực của cơ chế mới, sự du nhập lối sống phương Tây thực dụng ngày càng gia tăng trong đời sống con người, nhất là đối với giới trẻ thì việc giáo dục đạo đức nói chung, tình cảm đạo đức nói riêng cần được coi trọng hơn nữa.

Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển tình cảm đạo đức của con người Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ quá trình đổi mới đất nước. Sự phát triển về kinh tế, những tiến bộ về công nghệ đã tạo ra những điều kiện về vật chất để con người mở rộng các quan hệ xã hội, qua đó làm phát triển tình cảm đạo đức. Hơn thế, những nghĩa cử, như: sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, việc cứu giúp những người gặp hoạn nạn, hành động từ thiện…, là biểu hiện thực tế của tình cảm đạo đức của con người và tình cảm đạo đức ấy sẽ tiếp tục được phát huy khi con người nhờ sự phát triển kinh tế thị trường, có được những điều kiện vật chất, những khả năng kinh tế tốt hơn.

Trên bình diện giáo dục, thì qua quá trình giáo dục thường xuyên, liên tục, tình cảm đạo đức sẽ có vai trò to lớn đối với việc làm lành mạnh hóa, nhân đạo hóa các quan hệ giữa kinh tế thị trường - làm cho giữa con người với kinh tế không đối lập mà song hành. Hơn thế, khi tình cảm đạo đức nhờ giáo dục mà được phát triển thì nó sẽ trở thành động lực cho hoạt động kinh tế một cách lương thiện và cho chính những hoạt động nhằm thực hiện bổn phận đạo đức của con người. Giáo dục tình cảm đạo đức còn có thể khắc phục thói lãnh cảm về mặt xã hội mà cơ chế thị trường đang gây ra hiện nay, tạo điều kiện tâm lý cho con người kế thừa và phát huy những tình cảm truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, giáo dục tình cảm đạo đức sẽ góp phần tạo ra cơ chế tâm lý thuận lợi để con người đề kháng các phản giá trị về mặt văn hóa, đạo đức đang được du nhập vào nước ta thông qua hội nhập, giao lưu văn hóa.

Tri thức đạo đức là kết quả của nhận thức đạo đức cũng như tri thức nói chung, tri thức đạo đức tồn tại dưới hai dạng: dạng kinh nghiệm và dạng lý luận. Tri thức đạo đức kinh nghiệm là tri thức thông thường về cái thiện, cái ác, về đức hạnh và thói xấu, về cách thức ứng xử đáp ứng các yêu cầu thông thường của đạo đức. Tri thức đạo đức kinh nghiệm là điều kiện không thể thiếu được đối với tất cả mọi người để họ gia nhập vào đời sống đạo đức của xã hội. Tri thức này đáp ứng yêu cầu điều chỉnh đạo đức của các quan hệ giữa người và người trong cuộc sống thường nhật.

Trong điều kiện hiện nay ở nước ta các quan điểm, quan niệm khoa học về đạo đức có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển đạo đức con người. Những biến chuyển về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa đang đòi hỏi những nhận thức mới, trong đó có nhận thức đạo đức. Chẳng hạn, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải hiểu như thế nào là bóc lột; người đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không; trong trường hợp nào thì hành vi kinh tế tư nhân là hành vi bóc lột và là hành vi ác về mặt đạo đức; trong trường hợp nào thì không? Tính phức tạp trong sự chuyển biến của các giá trị đạo đức đòi hỏi mỗi con người, mỗi cá nhân phải có quan điểm, lập trường khoa học làm cơ sở lý luận cho việc nhận thức và đánh giá các hiện tượng, các quan hệ, các giá trị đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa.

Chính sự biến động đó đòi hỏi và làm gia tăng vai trò của giáo dục tri thức đạo đức, đặc biệt là tri thức đạo đức ở tầm lý luận cho con người.

Ngày nay, các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là cơ sở lý luận khoa học cho việc xây dựng nền đạo đức mới của xã hội Việt Nam. Vì thế, giáo dục đạo đức có nhiệm vụ trang bị cho con người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, những tư tưởng, những quan điểm cơ bản về đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức như là sự vận dụng và phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc trang bị những tri thức lý luận có tính khoa học và cách mạng như vậy sẽ làm phát triển khả năng nhận thức và lựa chọn giá trị, khả năng xác lập một cách đúng đắn các quan hệ đạo đức cho con người trong điều kiện hiện nay.

Chuẩn mực đạo đức, xét về bản chất, cũng là một loại tri thức đạo đức; cụ thể hơn, nó là tri thức về chuẩn mực, nghĩa là tri thức về các yêu cầu đạo đức đặt ra từ phía xã hội đối với con người. Yêu cầu của xã hội đối với hành vi đạo đức của con người là nội dung khách quan của chuẩn mực đạo đức. Nhờ sự điều chỉnh của chuẩn mực đạo đức mà hành vi của con người được thực hiện theo những khuôn mẫu xác định và những phương hướng thống nhất. Những yêu cầu của xã hội thể hiện trong chuẩn mực đạo đức có hai hình thức cơ bản: ngăn cấm và khuyến khích. Hai hình thức đó, cũng đồng thời là hai loại chuẩn mực vừa vạch ra giới hạn được phép và không được phép của  hành vi đạo đức của con người, vừa định hướng cho con người thực hiện hành vi đạo đức. Chẳng hạn: không biển thủ công quỹ là một chuẩn mực có tính ngăn cấm đối với những người có hoạt động liên quan đến công quỹ; hãy bảo vệ của công cũng là một chuẩn mực có tính khuyến khích đối với tất cả mọi người. Người có đạo đức là người hành động trong giới hạn được phép. Người vô đạo đức là người hành động vượt quá giới hạn được phép của xã hội.

Chuẩn mực đạo đức là căn cứ để con người nhận thức, đánh giá và thực hiện hành vi đạo đức. Đạo đức thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi con người thông qua các chuẩn mực. Mỗi con người cụ thể tức là mỗi cá nhân phải nắm vững được cái chuẩn mực đạo đức của xã hội mới có thể gia nhập vào đời sống đạo đức xã hội và thực hiện được hành vi đạo đức. Mức độ nắm vững các chuẩn mực đạo đức xã hội, biến các chuẩn mực ấy thành sự thôi thúc bên trong, nghĩa là thành động cơ và thực hiện hành vi theo những yêu cầu của các chuẩn mực đạo đức chính là sự khẳng định trình độ phát triển đạo đức của con người. Giáo dục đạo đức, do vậy, có nhiệm vụ trang bị cho con người những chuẩn mực đạo đức của xã hội để họ có căn cứ khi tham gia vào đời sống đạo đức của xã hội.

Vì là sự phản ánh các yêu cầu của xã hội đối với con người, nên các chuẩn mực đạo đức tồn tại dưới dạng các chuẩn mực chung (còn gọi là các nguyên tắc đạo đức) và các chuẩn mực cụ thể (còn gọi là các chuẩn mực hành vi). Các nguyên tắc đạo đức điều chỉnh đạo đức của con người trên phạm vi toàn xã hội. Chúng được cụ thể hóa trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau và trong các cương vị xã hội khác nhau của con người. Các chuẩn mực hành vi là sự cụ thể hóa các nguyên tắc đạo đức để điều chỉnh hoạt động của con người phù hợp với vị thế xã hội và lĩnh vực hoạt động của họ. Vì thế, giáo dục đạo đức có nhiệm vụ xác định các chuẩn mực đạo đức cho từng vị thế xã hội của con người để từ đó trang bị cho con người những chuẩn mực đạo đức phù hợp với lĩnh vực hoạt động và vị thế xã hội của họ.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, hiện đại hóa xã hội, các lĩnh vực hoạt động của con người ngày càng đa dạng, phân công lao động ngày càng sâu sắc. Điều đó dẫn đến sự mở rộng, sự đa dạng hóa các hoạt động nghề nghiệp của con người. Hoạt động nghề nghiệp là hình thức kiếm sống chủ yếu của con người, là nơi thực hiện lợi ích chủ yếu của họ. Cho nên, điều chỉnh đạo đức với tính cách là sự điều chỉnh lợi ích của con người một cách tự giác và tự nguyện giữ vai trò nổi bật trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của con người. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là hình thức biểu hiện cụ thể, là sự cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức phổ quát của xã hội trong hoạt động nghề nghiệp. Chúng là cơ sở để điều chỉnh và đánh giá đạo đức trong các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Việc nắm vững và tự nguyện thực hiện thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là động lực thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả, đồng thời khẳng định sự phát triển đạo đức của con người.

Lý tưởng đạo đức là một loại tri thức chuẩn mực, là quan niệm về sự hoàn thiện đạo đức của xã hội và con người. Nếu những yêu cầu xã hội được thể hiện trong chuẩn mực đạo đức là những yêu cầu ở mức thông thường đối với tất cả các thành viên của xã hội, thì những yêu cầu trong lý tưởng đạo đức có mức độ cao hơn. Nếu các chuẩn mực đạo đức phản ánh trạng thái hiện tại của xã hội, thì lý tưởng đạo đức vừa phản ánh hiện tại vừa phản ánh xu thế phát triển của xã hội, phản ánh cái có thể có, cái cần phải có, phản ánh khát vọng của con người về mặt xã hội tốt đẹp với những nhân cách đạo đức cao thượng.

Vì là sự phản ánh khát vọng của con người, nên trên thực tế, có những lý tưởng đạo đức không tưởng và có những lý tưởng đạo đức thực tế. Khi xuất phát từ những khả năng trừu tượng, không dựa trên các điều kiện khách quan thì sẽ nảy sinh lý tưởng không tưởng. Chẳng hạn, lý tưởng xã hội - đạo đức ở những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng. Lý tưởng đạo đức cộng sản là sự phản ánh sứ mệnh lịch sử khách quan của giai cấp vô sản, phản ánh xu thế vận động tất yếu của xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản - đó là lý tưởng thực tế.

Với tư cách là sự phản ánh những yêu cầu lý tưởng của xã hội, lý tưởng đạo đức giữ vai trò động cơ chủ đạo, mục đích tối cao của hoạt động con người trong thời đại lịch sử nhất định. Đồng thời, lý tưởng đạo đức cũng giữ vai trò là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hành vi và nhân cách đạo đức.

Vì vậy, đẩy mạnh giáo dục lý tưởng đạo đức cộng sản, lấy lại niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội cho con người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược xây dựng con người trong điều kiện hiện nay.

----------------------------

1. Nguyễn Văn Phúc, (1996) “Về vai trò của giáo dục đạo đức đối với sự phát triển nhân cách trong cơ chế thị trường”,

Tạp chí Triết học, tr. 15.

2. Học viện Quản lý giáo dục (2007), Tập bài giảng Giáo dục học đại học, tr. 129.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. tr. 94, 95.

Ths. Nguyễn Thị Khuyên

Học viện Hành chính Quốc gia

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều