|
Mật hoa dừa mang lại thu nhập cho người dân
|
Trà Vinh có diện tích trồng dừa đứng thứ hai cả nước (chỉ sau tỉnh Bến Tre.) Hiện tỉnh có diện tích trồng dừa trên 26.000ha với gần 7 triệu cây, sản lượng trên 370.000 tấn, tương đương 444 triệu quả/năm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè.
Trong thời gian qua, nhiều phụ nữ đồng bào DTTS trong tỉnh đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như chị em dân tộc Khmer ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Nhiều năm liền chứng kiến cảnh giá dừa khô liên tục biến động do nhu cầu tiêu thụ và thị trường xuất khẩu không ổn định, người trồng dừa thường xuyên gặp khó khăn. Những vùng quá mặn, cây dừa sẽ bị rụng trái nhưng hoa vẫn cho mật (độ tuổi thu mật hoa dừa từ 3-15 năm). Đây cũng là hướng đi mới cho người trồng dừa, khởi đầu cho hành trình đưa sản phẩm mật hoa dừa ra thị trường, tạo điều kiện ổn định vùng dừa hữu cơ, canh tác theo hướng bền vững bảo vệ môi trường. Đồng thời, nhờ tiếp cận được Chương trình hỗ trợ từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) do Chính phủ Canada tài trợ, tỉnh Trà Vinh thực hiện, chị em đồng bào dân tộc được hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ chăm sóc và chế biến, xây dựng nên thương hiệu mật hoa dừa, thu hút nhiều khách hàng.
Các sản phẩm từ mật hoa dừa có mặt trên thị trường gồm: nước uống, giấm, đường, mật hoa dừa lên men, mật hoa dừa cô đặc... Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và HACCP. Sản phẩm từ mật hoa dừa góp phần “đổi mới”, nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa trên miền quê nghèo và góp phần bảo tồn ngành nghề truyền thống của người Khmer, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào mình.
Nhằm phát triển chuỗi dừa tỉnh Trà Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh, với quy mô khoảng 24.200 ha gắn với các doanh nghiệp ngành dừa tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ổn định. Tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất nhằm gia tăng thu nhập (từ 10 - 15%) và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn (khoảng 1.000 lao động), ngày 31/5/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 977/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành. Mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000 ha với giống có năng suất, chất lượng cao, như: dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp. Phấn đấu, đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000 ha dừa “theo hướng hữu cơ”, trong đó có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chiếm 32% diện tích dừa của tỉnh; có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường; trong đó, có ít nhất 02 doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chiến lược đề ra một số giải pháp như: Thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh, nâng cao số lượng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, ngày 19/7/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1333/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tình Trà Vinh. Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng lên trên 80 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào DTTS 3%, giảm 50% ấp đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và không còn xã ĐBKK, 80% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; phấn đấu đạt trên 85% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; hỗ trợ xây dựng hơn 12 mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề cho 6.575 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở xã, ấp ĐBKK...
Diễm Hồng