Vai trò của nghệ nhân và người có uy tín trong bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La

(Mặt trận) - Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của 11 dân tộc thiểu số anh em. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp và ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều nghệ nhân, người có uy tín tích cực truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 3 nghệ nhân đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật; 2 Nghệ nhân nhân dân; 35 Nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Để đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Họ là những người cao tuổi sinh ra và lớn lên gắn bó lâu năm với bà con dân làng, là người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, được bà con dòng họ, dân bản suy tôn.

Như vậy, họ có vị thế rất lớn đối với các dân tộc, cũng là những người nắm giữ và trao truyền di sản văn hóa trực tiếp trong cộng đồng dân tộc. Trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, họ là lực lượng nòng cốt trong việc cùng cộng đồng sáng tạo những giá trị mới về văn hóa trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa dân tộc khác một cách phù hợp để làm giàu cho văn hóa từng dân tộc. Hơn nữa, với những hiểu biết phong phú, nhất là những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Những nghệ nhân tỉnh Sơn La có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.   ẢNH: PV

Cụ thể, về loại hình tiếng nói, chữ viết: Các nghệ nhân, người có uy tín là chủ thể văn hóa, người lưu giữ, bảo tồn vốn ngôn ngữ và chữ viết của chính dân tộc mình. Những năm qua, các nghệ nhân, người uy tín đã chung tay cùng với các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, lưu giữ tiếng nói, chữ viết bằng cách tổ chức các lớp truyền dạy, khuyến khích người dân trong bản sử dụng tiếng nói của dân tộc mình... Tiêu biểu như ông Bàn Văn Đức, dân tộc Dao Tiền (ở bản Sao Đỏ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ), là người uy tín có tiếng nói trong thôn, bản, ông đã có công sưu tầm, lưu giữ sách chữ Nôm Dao cổ; thực hành và truyền dạy chữ Dao. Tính đến nay, ông đã giảng dạy trên 100 lớp học tiếng Dao, chữ Nôm Dao tại các bản, làng có người Dao Tiền sinh sống. Ông được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân ưu tú năm 2018.

Về loại hình phong tục, tập quán: Các nghệ nhân đã cao tuổi mà không có thế hệ kế cận. Do đó, việc bảo tồn các nghi lễ, lễ hội truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số nghệ nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Họ luôn tích cực đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm.

Điển hình như Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh là nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ khi ông đã có công sưu tầm, lưu giữ thực hành và truyền dạy lễ nghi của chính dân tộc mình.

Hay như Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, là người đã nghiên cứu, lưu giữ, thực hành, truyền dạy dân ca và nhạc cụ tính tảu của dân tộc Thái, ông là người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương, ông đã vận động người thân trong gia đình và bà con dân bản tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện và tỉnh, giới thiệu không gian văn hóa truyền thống dân tộc, biểu diễn dân ca, dân nhạc dân vũ truyền thống. Đồng thời, ông cũng tích cực trong truyền dạy cho các thế hệ trẻ về các làn điệu dân ca và cách hát sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ông được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân ưu tú năm 2018.

Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có rất nhiều nghệ nhân, người có uy tín có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn văn hóa, họ có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư; tiếng nói, hành động của họ có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hóa ứng xử của cả cộng đồng nơi họ sinh sống. Đây là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội.

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đội ngũ nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng là những người trước hết đã và đang thay mặt từng gia tộc, dòng họ, từng thôn, bản, bằng sự truyền đạt phổ biến mọi kiến thức, hiểu biết đến với bà con. Họ là những người gắn bó, hiểu biết cụ thể hơn ai hết những người dân trong bản, trong gia đình, họ tộc của mình bằng các ngôn ngữ riêng của từng dân tộc. Truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu và tiếp thu nhanh nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Họ còn là những người luôn nắm bắt được tường tận những khó khăn, vướng mắc, cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị, đề xuất của bà con dân tộc để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Đây là những việc làm rất thực tế có hiệu quả của đội ngũ nghệ nhân tỉnh Sơn La trong những năm qua. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, đội ngũ những người có uy tín, các nghệ nhân đã cùng với Mặt trận, chính quyền, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động mọi người “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, góp phần và phát triển kinh tế địa phương. Gương mẫu và tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tích cực tuyên truyền phổ biến nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Có thể nói, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Có nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện. Tiêu biểu như:

“Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”... Qua đó, đánh giá thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu; 1 di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc như nhạc cụ truyền thống, dân cư, dân vũ; nghề thủ công và các nghi lễ truyền thống...

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống bằng sự đầu tư của Nhà nước, Sơn La tiếp tục đầu tư sáng tạo để nâng cao và làm phong phú thêm vốn văn hóa cổ truyền của các dân tộc, xây dựng những giá trị mới phù hợp với xu thế vận động và phát triển trong mạch chảy liên tục của văn hóa trong tỉnh.

Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp cùng các sở, ban, ngành, cơ sở địa phương tổ chức các ngày Hội văn hóa các dân tộc, đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Tây Bắc, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật... góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của tỉnh; quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La với các vùng, miền trong cả nước và các quốc gia trong khu vực.

Để phát huy vai trò tích cực của các nghệ nhân và những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, động viên các nghệ nhân, những người có uy tín, già làng, trưởng bản vào công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, cần ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hai là, cần tạo được sự thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể về vai trò, vị trí của nghệ nhân, người có uy tín trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, khơi nguồn văn hóa dân gian, phát huy tính chủ động, tính cộng đồng của các dân tộc để đồng bào các dân tộc tự giác tham gia gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.

Ba là, tranh thủ người có uy tín và các nghệ nhân thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trao truyền trực tiếp di sản văn hóa lại cho các thế hệ kế cận trong cộng đồng dân tộc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu, tích cực thực hiện vận động các thế hệ kế cận tham gia học tập, nhận trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bốn là, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, giữa vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với vùng thuận lợi.

Năm là, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tổ chức phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi, văn học, nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, tổ chức cho nghệ nhân, người có uy tín trao đổi học tập kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó tạo điều kiện cho các già làng, trưởng bản có dịp để phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ở từng bản. Trên cơ sở đó giúp cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể hiểu và nắm sâu hơn về tình hình ở cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp.

Cao Thị Ngọc Thủy - Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều