|
Nền nếp được dạy dỗ và truyền qua nhiều thế hệ làm nên nét thanh lịch của người Hà Nội. (Ảnh: Hànộimới) |
Từ truyền thống trọng văn
Theo PGS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về mặt lý luận, môi trường văn hóa là khái niệm có nhiều cách hiểu rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng nhất, “môi trường văn hóa” gần như được đồng nhất với “môi trường xã hội”. Theo nghĩa hẹp hơn, “môi trường văn hóa” chỉ là một bộ phận hợp thành “môi trường xã hội”, trong đó có nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, lịch sử, tôn giáo... Theo nghĩa hẹp nhất, “môi trường văn hóa” chỉ là một thành tố cấu thành nên văn hóa và chỉ bao gồm các yếu tố văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể.
Theo định nghĩa này, gia đình, nhà trường chính là môi trường văn hóa gần gũi, thân quen nhất với mỗi người, và ngay từ thời phong kiến, các thiết chế văn hóa cùng phong tục, tập quán, chuẩn mực ứng xử của cộng đồng, những phép tắc, nền nếp, gia phong trong gia đình... đã góp phần tạo dựng nên những con người coi trọng “nhân - lễ - nghĩa - trí - tín”. Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy miêu tả nét văn hóa ấy như thế này: “Cái thuần phong mỹ tục” được xây dựng từ người lớn đến trẻ nhỏ... Các thầy đồ dạy học trò “cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người”. Bà cụ dặn cháu: “được lòng ta, xót xa lòng người”. Trẻ con khua trống, bố mẹ bảo “đừng làm điếc tai hàng xóm”. Cái rãnh nước bẩn cho vào cống thấm, chớ không cho chảy ra đường. Trẻ con chơi với nhau, hay cãi nhau, bố dặn: “Khéo không việc trẻ con lại làm mất lòng người lớn!”... Đó chính là nền nếp được truyền qua nhiều thế hệ làm nên nét thanh lịch của người Hà Nội.
Khi đất nước bước sang chế độ mới, ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa. Các nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đều rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh... Những nghị quyết, chủ trương đúng đắn này đã cổ vũ, động viên, tập hợp đông đảo nhân dân tham gia, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Giữ nếp văn minh
Trong bối cảnh Thủ đô đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, thực trạng tư tưởng, đạo đức, lối sống có sự biến chuyển phức tạp, việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh càng trở nên cấp thiết.
Nhận thức được điều này các chủ nhân Thăng Long hôm nay đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn thành phố bằng các chương trình, hành động cụ thể như ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, Luật Thủ đô và đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 với 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 07 nhóm nội dung chuyên đề. Đáng mừng là đến quý I-2023, cơ bản các chỉ tiêu thuộc các nhóm đạt kết quả tốt: Nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có 05 chỉ tiêu (trong đó 04 chỉ tiêu vượt, 01 chỉ tiêu chưa đạt); nhóm chỉ tiêu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có 02 chỉ tiêu (đạt 100%); nhóm về văn hóa nghệ thuật có 03 chỉ tiêu (đạt 90%)... Bên cạnh các chương trình của Thành ủy Hà Nội, nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện các nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý việc xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; hoàn thiện, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao... Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận, huyện: Tây Hồ, Đông Anh, Ba Vì, Mỹ Đức... nghiên cứu các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương nhằm xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao, kết hợp với tổ hợp công trình công cộng đa chức năng và không gian cây xanh, công viên để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân...
Có thể thấy sự chuyển biến tích cực khi đến thăm bất cứ thôn xã nào hiện đang xây dựng theo mô hình “làng văn hóa kiểu mẫu”. Thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng) và thôn Minh Kha (xã Bình Minh) đã “thay da đổi thịt” kể từ khi hai thôn được công nhận “Làng văn hóa kiểu mẫu” của huyện Thanh Oai. 100% đường làng giờ đã được bê tông hóa, trải nhựa hoặc lát gạch khang trang, sạch sẽ, thôn nào cũng có nhà văn hóa, khu thể thao cho thanh, thiếu niên. Dọc con đường chạy quanh thôn là những bức tường bích họa gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, cách ứng xử văn hóa. Còn tại thôn Khánh Tân (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), công tác xây dựng đời sống văn hóa chú trọng vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước, hương ước gắn với những nội dung thiết thực của đời sống như cưới theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; việc tang tổ chức trang nghiêm, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh của từng gia đình, theo quy định của pháp luật...
Huyện Đông Anh những năm gần đây đã triển khai tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi hủ tục. Đến nay, 93,5% số hộ gia đình thực hiện hỏa táng khi người thân mất; một số xã thực hiện sử dụng vòng hoa luân phiên khi thăm viếng. Việc tổ chức ăn uống rườm rà khi "nhà có đám" đã chấm dứt hoàn toàn.
Đó là chưa kể các mô hình Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như “Thôn, tổ dân phố tự quản”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch” được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn thành phố. Các phong trào thi đua như “Phụ nữ Thủ đô tích cực, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc’’; “Nông dân sản xuất và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Công nhân giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”... đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Phát huy vai trò chủ thể văn hóa
Tuy vậy, phải thẳng thắn thừa nhận, công tác xây dựng môi trường văn hóa còn không ít hạn chế. Việc hoàn thiện thể chế văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Môi trường văn hóa còn nhiều mặt chưa thật sự lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa, đạo đức...
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân”; “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”... Đó là những giải pháp căn cơ, cần thiết trước những biến động đến từ nhiều phía đang hằng ngày tác động vào môi trường văn hóa hiện nay.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của môi trường văn hóa. Từ nhận thức đúng, chúng ta mới hình thành các văn bản quy phạm pháp luật để điều tiết các mối quan hệ trong các yếu tố của môi trường văn hóa. Những ví dụ cụ thể, những điển hình tốt cần được phổ biến rộng rãi để công chúng hiểu hơn về lợi ích của việc xây dựng môi trường văn hóa... Có như thế mới tạo nên những môi trường văn hóa lạnh mạnh, công bằng, đoàn kết, khuyến khích các cá nhân có thêm nhiều mô hình hay, việc làm tốt, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Theo Hoàng Lan/Hànộimới