Nhưng có vẻ, đây mới là bước khởi đầu khi mà tình trạng lạm phát cấp phó ở ta không chỉ có ở địa phương với những con số vừa buồn cười vừa vô lý.
Cả nước có tới 81.492 lãnh đạo cấp phó, tính ra, cứ 5 cán bộ công chức lại có một lãnh đạo cấp phó - Con số được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt NQ TƯ6 khóa XII tháng 11 năm ngoái. Chưa kể việc quy định cấp “hàm” bị lạm dụng. Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng.
Có những địa phương mà 46 người trong biên chế một sở chỉ có 2 chuyên viên. 44 người khác đều có chức vụ từ... phó phòng. Các phòng đều có trưởng và 4 đến 5 cấp phó.
Hồi tháng 6 vừa rồi, chính Bộ Nội vụ công bố một “danh sách đen” các địa phương “lạm phát cấp phó”, trong đó có những “kỷ lục” thật sự: Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa có 8 Phó Giám đốc Sở; Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định có 6 Phó Giám đốc Sở, Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên thừa 23 cấp phó...
Vấn đề của chúng ta không phải là thiếu quy định. Các Nghị định 24, Nghị định 37 giới hạn rất rõ: Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (Phó Giám đốc Sở) không quá 3 người; số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện, thị xã (Phó Trưởng phòng) không quá 3 người.
Vấn đề của chúng ta là pháp chế chưa đủ nghiêm khiến luật không thực hiện cũng không thể xử lý. Huống chi gần như mọi trường hợp, quy trình bổ nhiệm đúng luôn được đưa ra để giải thích.
Cũng có một lý do gây “lạm phát cấp phó” là do cái sự họp quá nhiều. Có một con số mang tính chi tiết giờ đã trở thành kinh điển. Một Sở ở TP HCM phải dự tới 2.000 cuộc họp trong 7 tháng đầu năm. Và với 4 người trong ban giám đốc, mỗi lãnh đạo bình quân phải họp 3-4 cuộc một ngày là...bình thường.
Giảm cấp phó, ở tất cả các cơ quan ban ngành đoàn thể giờ không chỉ là một nhiệm vụ nữa mà còn là một yêu cầu cấp thiết. Bởi càng nhiều cấp phó sự phân công phân nhiệm trong chế độ công vụ của nền hành chính càng rối rắm. Nếu cái gì cũng phải họp, phải đầy đủ các sở ban ngành, rồi “cùng vào cuộc” thì nói như nguyên ĐBQH Trần Du Lịch, càng khó quy trách nhiệm, hay nói khác đi “cùng chung trách nhiệm thì không bao giờ có trách nhiệm”.
Theo Anh Đào/Lao động