Trong khi Sở TN&MT TP.HCM “đá bóng” trách nhiệm thì UBND quận Bình Tân chọn cách giữ im lặng bất chấp nguy cơ thiệt hại cho người dân là rất lớn.
Theo đó, ngày 06/02/2020, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ) Trần Bích Ngọc đã ký ban hành văn bản số 833/VPCP-V.I ngày 06/02/2020 gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét, giải quyết phản ánh liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất số thửa 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân của ông/bà Lê Như Nguyên và Nguyễn Kiều Diễm Chi theo đúng quy định của pháp luật.
Khi văn bản của Văn phòng Chính phủ về đến TP.HCM, Văn phòng UBND TP.HCM lại ra văn bản số 1212/VP-ĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu Sở này rà soát, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật đối với việc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân giữ lại Giấy CNQSDĐ của ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi; báo cáo kết quả cho Văn phòng Chính phủ, Tạp chí Mặt trận theo quy định.
Xen giữa các chỉ đạo trên, ngày 10/02/2020, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh đã ký ban hành văn bản số 58/TTr-TDXLĐT gửi Sở TN&MT TP.HCM đề nghị Sở này vào cuộc, kiểm tra, giải quyết đối với vụ việc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân giữ lại và không chịu trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân. Đồng thời, Thanh tra Bộ TN&MT còn đề nghị Sở TN&MT trả lời công dân, cũng như thông tin kết quả giải quyết đến Tạp chí Mặt trận và Bộ TN&MT.
Những tưởng, sau chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Văn phòng UBND Thành phố, Sở TN&MT TP.HCM sẽ nghiêm túc thực hiện, tiến hành rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các kiến nghị của công dân, cũng như trả lời phản ánh của báo chí, thì trái lại, Sở này lại “đá” trách nhiệm xuống cấp dưới bất chấp những bức xúc của dư luận.
Mới đây nhất, bà Bùi Thị Bích Tuyến - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố (thuộc Sở TN&MT TP.HCM) thông tin cho PV được biết, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân là đơn vị trực tiếp xử lý hồ sơ cấp sổ đỏ, đề nghị Ban Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân sắp xếp buổi làm việc theo đề nghị.
Vậy thử xem, trước đó các cán bộ “mẫn cán” là cấp dưới của bà Bùi Thị Bích Tuyến đã trả lời những gì xung quanh vụ việc lùm xùm suốt nhiều tháng qua này.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân.
Tại buổi làm việc với PV sáng ngày 20/2/2020, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm một số thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc. Thành phần buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cùng một số cán bộ của Văn phòng và cán bộ địa chính phường An Lạc.
Theo đó, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm Thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn” của Tòa án nhân dân quận Bình Tân số 524/TB-TLVA ngày 29/7/2019 giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phi Long, bị đơn là ông Nguyễn Văn Chung, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi. Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân đóng dấu công văn đến ngày 18/02/2020.
Ngoài Thông báo thụ lý vụ án nêu trên, liên quan đến vụ việc, đại diện Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân khẳng định đến nay chưa nhận được Quyết định ngăn chặn của Tòa án hay Kết luận của cơ quan công an đối với thửa đất của ông Nguyên và bà Diễm.
Khi được hỏi tại sao giữ lại sổ đỏ của người dân mà không trả lại theo thời hạn quy định, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cho rằng, chúng tôi không giữ lại giấy mà hồ sơ đang trong quá trình giải quyết, cập nhập thay đổi về nghĩa vụ tài chính, nhưng UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo ngừng tất cả mọi giao dịch thay đổi hiện trạng cho nên hồ sơ không thể thay đổi nghĩa vụ tài chính nên chúng tôi tạm giữ để chuyển cho cơ quan điều tra. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ giải quyết theo quy định. Do có dấu hiệu sai phạm nên chúng tôi buộc phải giữ lại và cung cấp cho cơ quan điều tra.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình cũng không lý giải rõ ràng được căn cứ nào theo quy định của pháp luật để Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân thực hiện việc tạm giữ sổ đỏ của người dân? Tại sao UBND quận chỉ đạo việc ngăn chặn mọi giao dịch thì Văn phòng Đăng kí đất đai lại đi tạm giữ sổ đỏ, không trả cho người dân? Việc ngăn chặn giao dịch và tạm giữ sổ đỏ gốc khác nhau như thế nào?
Bên cạnh đó, hàng loạt dấu hỏi xung quanh vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi đáp: Tại sao tất cả mới chỉ ở dấu hiệu chưa có kết luận hay phán quyết cuối cùng nhưng UBND quận Bình Tân và Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân đã “đóng băng” sổ đỏ của người dân? Có hay không hành vi lạm quyền của các cơ quan công quyền quận Bình Tân? Khi người dân phát sinh thiệt hại từ những quyết định hành chính sai lầm của các cấp chính quận Bình Tân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vì sao trong thời gian niêm yết tại trụ sở UBND phường An Lạc thì không phát sinh tranh chấp, ngay khi người dân hoàn thành thủ tục nộp hơn 9,3 tỷ đồng thì UBND phường An Lạc lại ban hành văn bản nói thửa đất đang có tranh chấp?...
Như vậy, với hàng loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ như trên, tại sao Sở TN&MT TP.HCM vẫn tiếp tục “đá bóng” xuống cấp dưới? Tại sao Văn phòng UBND TP.HCM yêu cầu một đằng, Sở TN&MT TP.HCM thực hiện một nẻo? Đối với vụ việc trên, Sở TN&MT TP.HCM đã rà soát, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, theo đúng chỉ đạo hay chưa?
Có thể thấy, trong vụ việc này, Sở TN&MT TP.HCM là đơn vị chuyên môn cao nhất thuộc UBND thành phố, có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường cũng phản ứng rất chậm chạp, thiếu quyết liệt trong quản lý, điều hành.
Thậm chí, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đích danh, đề nghị Sở này vào cuộc, kiểm tra, giải quyết, trả lời công dân và cơ quan báo chí nhưng các chỉ đạo từ các cơ quan Trung ương vẫn “đứng chựng”, chỉ đạo trên giấy, vụ việc không hề nhúc nhích, suy chuyển.
Nhìn cung cách làm việc, phối hợp của các sở, ban, ngành TP.HCM thì ông Nguyễn Thành Phòng - Chủ tịch UBND TP.HCM không bức xúc như tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ngày 22/02/2020 mới lạ chuyện lạ.
Một vụ việc xin cấp lại sổ đỏ mất cả nửa năm không giải quyết, xử lý xong, Tòa án nhân dân cấp quận thụ lý vụ án nhưng các cơ quan khác, bao gồm UBND quận và cơ quan chuyên trách về đất đai lại không hề hay biết, không cập nhật thông tin. Điều này cho thấy việc chỉ đạo giữa các cấp, các ngành quận Bình Tân rất rời rạc, không tập trung, không có sự kết nối.
Đến nay, chưa bàn đến đúng sai trong vụ việc nhưng số tiền hơn 9,3 tỷ mà người dân đầu tư để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trông thấy đó mà không khỏi xót xa, buốt ruột. Liệu chính quyền quận Bình Tân có từng đặt địa vị mình vào vị trí người dân mà đếm thời gian đủng đỉnh trôi qua từng ngày khi cuốn sổ đỏ bị giữ lại?
Để loại bỏ “con virus trì trệ”, giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với vụ việc nêu trên, một lần nữa, đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có chỉ đạo trực tiếp thanh tra, kiểm tra công vụ để làm rõ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc nêu trên theo quy định, cũng như làm rõ động cơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc chây ỳ, gây khó khi cấp sổ đỏ cho người dân…
(Mặt trận) - Trong khi ngành Tài nguyên và Môi trường đang quyết liệt, nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ,...
Phan Anh Tuấn