Bài 1: Bị phê bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM vẫn là “Chiến sĩ thi đua”: Bài học “xương máu”, đắt giá về đạo đức, công minh, liêm chính trong công tác cán bộ
Ngược đời hơn, Quyết định về việc tặng bằng khen do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký ngày 10/3/2021 thì chỉ sau đó có 20 ngày, ngày 30/3/2021 cũng chính ông Hoan lại ký quyết định phê bình rút kinh nghiệm đối với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Ông Lê Minh Tấn (trái) tươi cười, rạng rỡ khi đón nhận Bằng khen của UBND TP.HCM từ ông Võ Sĩ, Phó Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (phải) sáng ngày 20/4/2021.
Theo đó, ngày 20/4, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2020 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020”. Tại hội nghị, ban tổ chức đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM cho 194 cá nhân thuộc sở này, do đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2019, 2020), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TP.HCM. Trong đó có ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, ông Lê Minh Tấn đã để xảy ra sai phạm trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến việc UBND TP.HCM ban hành văn bản số 886/UBND-VX ngày 30/3/2021 phê bình rút kinh nghiệm.
Trước đó, UBND Thành phố cũng đã có Kết luận tố cáo số 4474-UBND ngày 25/11/2020 và Thanh tra Thành phố cũng đã ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 46/TB-TTTP-P2 ngày 08/5/2020 về các nội dung tố cáo liên quan đến Sở LĐ-TB&XH và một số đơn vị trực thuộc, chỉ ra các tồn tại, thiếu sót thuộc trách nhiệm của Giám đốc, Ban Thường vụ Đảng ủy của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.
Thế nhưng, ông Lê Minh Tấn vẫn tự ký quyết định công nhận mình nằm trong đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” năm 2020 của đơn vị.
Quyết định tặng bằng khen do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký và 1 phần danh sách kèm theo về việc tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân thuộc Sở LĐ-TB&XH, trong đó có tên ông Lê Minh Tấn.
Để ông Lê Minh Tấn được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố, ngày 10/3/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký Quyết định số 795/QĐ-UBND về việc tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân thuộc Sở LĐ-TB&XH.
Theo quyết định này UBND TP.HCM tặng bằng khen cho 17 tập thể và 194 cá nhân thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có thành tích “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2019-2020), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của Thành phố”. Trong danh sách 194 cá nhân được bằng khen nói trên, có ông Lê Minh Tấn.
Văn bản phê bình, kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM theo Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố.
Đến ngày 30/3/2021, cũng chính Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký tiếp văn bản số 886/UBND-VX về việc kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn, theo Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP.HCM.
Theo đó, văn bản này cho biết xét Báo cáo số 599/BC-SNV ngày 24/2/2021 của Sở Nội vụ TP.HCM về việc kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ -TBXH, theo Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP.HCM.
UBND TP.HCM có ý kiến như sau: “Phê bình rút kinh nghiệm đối với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, có thiếu sót theo kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP.HCM. Giao ông Lê Minh Tấn căn cứ vào các quy định hiện hành triển khai các biện pháo khắc phục và báo cáo kết quả về UBND TP.HCM (thông qua Sở Nội vụ TP.HCM)".
Sự bất nhất trong công tác khen thưởng của UBND TP.HCM khi tặng bằng khen cho một con người có vấn đề, khen trước phê sau khiến dư luận đặt câu hỏi, việc khen thưởng có đúng người, đúng việc, đúng thành tích chưa hay khen thưởng theo kiểu “chia phần”, khen vì “bên dưới” đề xuất lên còn “bên trên” không hề hay biết?
Trong thực tế, công tác thi đua khen thưởng suốt những năm qua đã góp phần đáng kể vào việc khơi dậy tinh thần dám nghĩ dám làm, dốc lòng vì việc chung. Từ việc bình xét thi đua khen thương, công lao, đóng góp của nhiều tập thể, cá nhân đã được ghi nhận; từ đó vừa có tác dụng nêu gương, vừa có sức lan tỏa.
Thế nhưng, cũng chính từ bình xét đó cũng “lộ” ra nhiều cá nhân trơ trẽn, không dám nhìn thằng vào sự thật, thiếu tinh thần phê và tự phê, không tự giác nhận khuyết điểm từ chối những danh hiệu không xứng đáng thuộc về bản thân.
Và càng đau xót hơn, nhiều tập thể thiếu đi sự công tâm, hay nể nang, né tránh, ngại va chạm, “mũ ni che tai”, thậm chí còn có tình trạng a dua, xu nịnh, thổi phồng, tâng bốc trong bình bầu, bình xét thi đua, rồi cán bộ, đảng viên nào cũng hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đề xuất khen thưởng.
Sâu xa hơn, nếu khen thưởng không đúng người, không đúng việc, không đúng thành tích, công trạng còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết giả tạo, đoàn kết trên báo cáo, nảy sinh nhiều khiếu kiện, nạn cục bộ, bè phái, kèn cựa, tranh giành quyền lợi…
Mặc dù đã nhận ra sự thật, tính nguy hại của biểu hiện như đã nói ở trên nhưng điều đáng buồn là tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn mắc phải, đi theo “vết xe đổ” đối với vấn đề này.
Thực trạng “mũ ni che tai” ở nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở trước những vấn đề ngang tai trái mắt, làm sai quy định pháp luật và thẩm quyền hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng được xem là một trong những nguyên nhân giảm đi sức mạnh đoàn kết. Dường như tư tưởng “im lặng là vàng”, an phận với vị trí hiện tại để có cơ hội “vớt vát lộc trời” đã làm lu mờ tinh thần đấu tranh của không ít cán bộ, đảng viên.
Trụ sở Sở LĐ-TB&XH tại số 159 Đường Pasteur, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ TP.HCM để làm rõ các về đề này, thực trạng quản lý và sử dụng xe công tại đơn vị, cũng như làm rõ các thông tin phản ánh về sự bất thường trong các văn bằng, chứng chỉ của ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các cơ quan đơn vị này.
Chúng ta đã có quá nhiều “bài học đau xót” về những cán bộ, đảng viên, những tập thể từng được khen thưởng, tôn vinh, sau đó lại bị phê phán, thậm chí bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý.
Vì vậy, để tránh tình trạng cá nhân, tập thể được tôn vinh “nhầm”, “tác dụng nêu gương ngược”, không có sức lan tỏa, gây hậu quả tiêu cực khi tạo ra bức xúc, triệt tiêu tinh thần phấn đấu của những tập thể, cá nhân khác, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, cá nhân lãnh đạo thì công tác thi đua cần phải được tiến hành cho đúng, thật sự khách quan. Những cá nhân, tập thể được tôn vinh phải thực sự tiêu biểu.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của tổ chức Đảng cấp trên, nhất là chủ động phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong cán bộ, đảng viên, trong cơ quan, đơn vị cấp dưới. Cùng với đó là thường xuyên tăng cường mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị và tổ chức Đảng, đẩy mạnh chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội để tăng cường sự đoàn kết thống nhất.
Ba là, để trả lại giá trị, vinh dự đích thực và ý nghĩa cao quý của công tác thi đua, khen thưởng theo đúng tinh thần “thi đua ái quốc”, dư luận đang trông chờ Thành ủy, UBND TP.HCM, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng, công tâm cho việc có tiến hành thu hồi, huỷ bỏ bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở đối với cán bộ mắc sai phạm, khuyến điểm hay không?
Bốn là, nếu không nêu gương, chính bản thân cán bộ, đảng viên đã tự mình không còn chân chính, cách mạng. Ví dụ cụ thể đối với diện cán bộ thuộc quản lý của Thành ủy TP.HCM như trường hợp của ông Lê Minh Tấn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thì Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Thành ủy, UBND TP, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần khẩn trương vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh nội dung các cơ quan báo chí thông tin, phản ảnh. Nếu phát hiện ra sai phạm thì cần kết luận, trong kết luận phải rõ sai phạm, khuyết điểm đến đâu; những sai phạm, khuyết điểm đó gây tác hại thế nào, tính chất ra sao, ảnh hưởng như thế nào, rồi nguyên nhân chủ quan, khách quan của những sai phạm đó như thế nào, từ đó mới kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, thích đáng để tạo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những bài viết tiếp theo.
(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
(Mặt trận) - Thi đua, khen thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt. Tuy nhiên,...
Phan Anh Tuấn