Dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân của Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân gần 10 năm vẫn là khu đất hoang.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân, nằm ở cuối ngõ 207 đường Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Dự án trên có tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là 18.740m2, diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 15.457m2 và được phê duyệt với quy mô 200 giường đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng III. Tổng số vốn đầu tư ước khoảng 270 tỷ đồng.
Các công trình được xây mới trên diện tích đất 15.313m2 gồm: Khu A là khối nhà chính để khám chữa bệnh nội trú (gồm 1 khối 7 tầng, 1 khối 11 tầng), có 1 hầm để xe. Khu B được xây dựng làm khu giải phẫu bệnh lý, nhà xác nhà tang lễ. Khu C là các bệnh truyền nhiễm. Khu D là các công trình phụ trợ khác....
Theo tìm hiểu, vào năm 2009, Liên danh Công ty Cổ phần Y khoa Đức Việt, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Trí Đức đã trúng thầu dự án. Thời gian đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào vận hành khai thác là 34 tháng kể từ ngày được bàn giao đất.
Đến ngày 02/5/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao mốc và biên bản xác định mốc giới. Ngày 03/7/2012, sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân được chuyển giao cho chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân thay thế liên danh cũ.
Lối vào khu đất dự án ngập ngụa trong rác thải, được chất thành đống bốc mùi hôi thối.
Thế nhưng, đến nay, sau gần 10 năm được giao đất, dù được chủ đầu tư “vẽ voi” thì dự án vẫn “nằm trên giấy”, bất chấp những ước nguyện, kỳ vọng về một bệnh viện khang trang, hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương.
Ghi nhận thực tế cho thấy, cả 2 đầu lối vào khu đất dự kiến được xây dựng Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân nằm trong con ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch đều ngập ngụa trong rác thải, được chất thành đống bốc mùi hôi thối.
Nằm lọt thỏm giữa những ô đất nông nghiệp bị chiếm dụng, nếu không có những tấm biển đề tên dự án đã “nhuốm màu thời gian”, xuống cấp, rách nát, bạc màu thì có lẽ không ai còn nhận ra khu đất được đầu tư số tiền hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, dự án này được đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 10 năm trước nhưng bị chậm vì nhiều lý do dù đã được cấp phép xây dựng. Trong đó có việc, đến nay dự án vẫn chưa có đường vào như theo quy hoạch. Đáng lẽ dự án đường 2,5 được Thành phố đầu tư phải làm xong rồi nhưng bị chậm cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án bệnh viện.
Được biết, liên quan tới dự án này, giữa tháng 5/2018, Đoàn Giám sát HĐND Thành phố Hà Nội với quận Thanh Xuân về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, lãnh đạo quận Thanh Xuân kiến nghị UBND thành phố thanh tra thu hồi 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án trong đó có dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân của Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân.
Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân là loại hình công ty cổ phần được thành lập ngày 01/12/2011 có trụ sở chính tại tầng 4, tòa nhà 97-99 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Ánh Vân.
Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân có trụ sở chính tại tầng 4, tòa nhà 97-99 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, người đại diện pháp luật là Nguyễn Ánh Vân.
Thông tin rao bán bệnh viện được ngang nhiên đăng tải trên internet làm dấy lên nghi vấn lợi dụng dự án bệnh viện để nguồn lợi từ đất đai chảy vào túi tư nhân.
Dù để hoang hóa đất đai trong suốt nhiều năm, giữa lùm xùm bị đề nghị thu hồi nhưng trên trang batdongsan.com.vn lại bất ngờ xuất hiện thông tin, có người rao bán dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân với giá 160 tỷ đồng (có thương lượng)…
Điều này đã làm dấy lên nghi vấn, người đứng đằng sau, ôm “đất vàng” dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân thực sự là ai? Có hay không lợi ích nhóm, thất thoát, lãnh phí trong vụ việc này? Vì đâu mà diễn ra nghịch cảnh hạ tầng xã hội dành cho bệnh viện vừa yếu lại rất thiếu thốn nhưng một dự án xây dựng bệnh viện vô cùng thiết thực, sau cả chục năm triển khai vẫn đang “chết lâm sàng”? Có hay không sự buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát dẫn đến hệ lụy đất đai bị hoang hóa, lãnh phí? Tại sao các cấp chính quyền Hà Nội chưa thu hồi, “khai tử” dự án chậm triển khai dù dấu hiệu vi phạm đã rõ ràng?
Trong khi đó, quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội.
Cách đây hơn 1 năm, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Tại Nghị quyết trên, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án ngoài ngân sách dử dụng đất đao chậm, vi phạm luật đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.
HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND thành phố đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.
Việc “ôm” đất “vàng” rồi “bánh vẽ” dự án nhưng thực chất là không triển khai hoặc không có nguồn lực để triển khai rồi để hoang hóa, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Điều này, không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, lãng phí hạ tầng xã hội, quy hoạch đô thị mà dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật, khi các doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình làm vì việc xử lý chỉ “nằm trên giấy”.
Để thực sự “chặn đứng”, xử lý triệt để tình trạng các sai phạm về đất đai của Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân tại dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường… cần có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai tại khu đất nêu trên.
Hai là, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an Thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng, chuyển nhượng đất đai, đầu tư xây dựng đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân dẫn đến tình trạng tình trạng bỏ hoang, lãng phí nguồn lực đất đai… Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự xã hội, về quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm sau này.
Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu, Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích.
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.
(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Phan Anh Tuấn
Nguồn tham khảo:
https://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/tin-nhanh-moi-truong/du-an-benh-vien-da-khoa-thanh-xuan-7-nam-van-la-noi-do-phe-thai-a52938.html