Bài học từ việc “vỡ trận” HSMT Dự án Khu dân cư Hưng Đạo, Chí Linh: Cần truy đến cùng trách nhiệm của bên mời thầu

(Mặt trận) - Bị Cục Quản lý đấu thầu chỉ ra nhiều sai sót “khủng” đối với hồ sơ mời thầu Dự án Khu dân cư Hưng Đạo, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, vậy bên mời thầu là UBND Thành phố Chí Linh và Công ty Cổ phần Sơn Thành – đơn vị tư vấn lập HSMT sẽ phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này?
Cục Quản lý đấu thầu chỉ ra sai sót “khủng” tại Dự án
 

 

 

 

 
Văn bản số 135/QLĐT-PPP ngày 13/02/2020 do Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu Vũ Quỳnh Lê ký ban hành.

Liên quan việc sai sót số liệu đất ở trong hồ sơ mời thầu dự án Khu dân cư mới Hưng Đạo (phường Sao Đỏ, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Cục Quản lý đấu thầu Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 135/QLĐT-PPP ngày 13/02/2020 gửi UBND thành phố Chí Linh và Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương.

Theo đó, Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, ngày 10/1/2020, Cục nhận được văn bản số 12/UBND – BQLDA của UBND Thành phố Chí Linh về việc đề nghị hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án Xây dựng khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ. Đồng thời Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị HUD6 cũng gửi 3 văn bản số 18, số 31 và số 32 tới Cục Quản lý Đầu thầu.

Cục Quản lý Đấu thầu khi cho ý kiến về sự khác nhau trong xác định loại đất, diện tích đất ở và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đất ở tương ứng cho biết, theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 57 và khoản 2 điều 60, Nghị định 30/2015/NĐ-CP, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 là một trong các căn cứ để lập, phát hành hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên, theo hồ sơ mời thầu và các văn bản pháp lý kèm theo, thông tin về diện tích đất ở và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án KDC Hưng Đạo lại chưa căn cứ vào quy hoạch 1/500 cũng như có sự chênh lệch thiếu rất lớn (hơn 11 lần).

Cụ thể, số liệu diện tích, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMP - PV) trong hồ sơ mời thầu chỉ căn cứ theo quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư (diện tích đất ở phải bồi thường là 200 m2, chi phí bồi thường đất ở được xác định 2 tỷ đồng) mà không căn cứ theo bản đồ đánh giá hiện trạng sử dụng đất của quy hoạch chi tiết điều chỉnh (diện tích đất thổ cư là 1687 m2).

Trong khi đó, số liệu được UBND Thành phố Chí Linh phản ánh tại văn bản số 12 ngày 8/1 chỉ căn cứ theo mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 (diện tích đất ở là 2398 m2), từ đó, chi phí bồi thường cho đất ở dự kiến tăng lên 23,9 tỷ đồng.

Như vậy, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu có sự sai sót khi để xảy ra sự không thống nhất giữa các căn cứ thực hiện (có 3 số liệu khác nhau) và tính thiếu diện tích đất ở, chi phí bồi thường, GPMB.

Trách nhiệm thuộc về các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu. Đồng thời, phần diện tích tính thiếu có được coi là diện tích đất ở không và diện tích, chi phí bồi thường, GPMB chính xác là bao nhiêu cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án (trường hợp này là UBND tỉnh Hải Dương) xác định trên cơ sở ý kiến tham mưu của cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng.

Để xảy ra sai sót nghiêm trọng, cần tính đến phương án hủy thầu

Khu đất triển khai Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh. Ảnh: TL

Cũng tại văn bản trên, Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ, theo quy định tại khoản 4, Điều 67, Nghị định 30/2015/NĐ-CP, một trong những nguyên tắc xét duyệt trúng thầu là nhà đầu tư đề xuất tổng giá trị M2 (chi phí bồi thường, GPMB nhà đầu tư đề xuất) và M3 (số tiền nhà đầu tư phải nộp không điều kiện) lớn nhất.

Do vậy, việc sai lệch về diện tích nêu trên dẫn đến giá trị M2 trong HSMT có chênh lệch lớn nên việc xét duyệt trên cơ sở giá trị M2 mà các nhà đầu tư đã chào không phản ánh được yêu cầu của cuộc thầu.

Trường hợp việc xử lý tình huống không làm thay đổi giá trị M3 và các nội dung đề xuất về thực hiện dự án mà các nhà đầu tư đã chào thì việc xem xét hướng dẫn đối với trường hợp này có thể căn cứ vào thông số liên quan đến tiêu chí chi phí bồi thường, GPMB được xác định lại.

Bên cạnh đó, hiện trạng của dự án không thay đổi nên trường hợp mời thầu lại có thể dẫn đến lãng phí về thời gian, chi phí. Việc đề xuất hủy thầu theo quy định tại khoản 3, điều 17 Luật Đấu thầu của UBND TP Chí Linh tại văn bản số 12 cần được xem xét một cách tổng thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu, căn cứ quy định tại điều 87 Nghị định 30, các bên liên quan có thể nghiên cứu, xử lý theo hướng tiếp tục quá trình đấu thầu, nhà đầu tư nào đề xuất giá trị M3 lớn nhất thì được xem xét trúng thầu, mời vào đàm phán hợp đồng để xác định giá trị M2 trên cơ sở thông số chi phí bồi thường, GPMB đã được chuẩn xác.

Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện phương án này là: Chi phí thực hiện dự án (M1) và đề xuất nộp ngân sách nhà nước (M3) mà các nhà đầu tư đã chào trong hồ sơ dự thầu không thay đổi; thông số liên quan đến chi phí M2 được xác định lại trên cơ sở diện tích đất ở, chi phí bồi thường, GPMB đã được chuẩn xác; nhà đầu tư đề xuất chi phí bồi thường, GPMB không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư dự kiến phải nộp, đảm bảo cơ chế bù trừ nằm trong khả năng cân đối nguồn lực địa phương, tránh thất thu ngân sách nhà nước; nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng đối với cả yêu cầu về năng lực tài chính tương ứng với phần chi phí bồi thường, GPMB tăng thêm; Việc xử lý tình huống phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, thỏa mãn các yêu cầu tại điều 86 Luật Đấu thầu.

Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ, trường hợp một trong các điều kiện trên không đáp ứng thì việc tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư sẽ không còn ý nghĩa, không đạt được mục tiêu của đấu thầu thì người có thẩm quyền xem xét hủy thầu theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, nếu việc thực hiện phương án được hướng dẫn tại mục 2 là khả thi đối với dự án thì cần lưu ý về trách nhiệm của các bên.

Cụ thể, đối với UBND Thành phố Chí Linh, báo cáo cấp có thẩm quyền đầy đủ, trung thực toàn bộ thông tin về quá trình chuẩn bị, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư của dự án bao gồm nguyên nhân để xảy ra sai sót cũng như đề xuất phương án xử lý.

Trong mọi trường hợp, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu hoặc quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 4, 8, điều 73 Luật Đấu thầu và chịu hoàn toàn về quyết định của mình.

Đối với Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương, đề nghị phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm rõ, tham mưu cấp có thẩm quyền các nội dung như xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan dẫn đến sai sót, làm rõ phương án xử lý. Đồng thời giao các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, giao cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương chịu trách nhiệm giám sát quá trình triển khai nếu lựa chọn thực hiện phương án nêu tại mục 2, không để lặp lại sai sót như đã diễn ra.

Cần truy đến cùng trách nhiệm của UBND TP Chí Linh và đơn vị tư vấn

Hồ sơ mời thầu Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh do ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh ký ban hành. Ảnh: TL

Trước đó, ngày 06/5/2019, UBND Thành phố Chí Linh phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 08/3/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt kế hoạch chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu dân cư mới tại khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu của dự án bỗng dưng xuất hiện yếu tố bất thường đó là diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tại HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chưa phù hợp với diện tích được thể hiện tại trích lục bản đồ địa chính của khu đất quy hoạch để thực hiện Dự án.

Cụ thể, theo trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12/2018 ngày 08/10/2018 của Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất thành phố Chí Linh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương phê duyệt thì phần đất ở đô thị (ODT) phải bồi thường, GPMB của dự án là 2.398,3 m2.

Tuy nhiên, theo thông tin tại HSMT, diện tích đất ở ODT phải GPMB là 200m2, kinh phí bồi thường cho đất ở khoảng 2 tỷ đồng. Do đó, HSMT đang mời thiếu 2.198,3 m2 đất ở so với thực tế, con số này gấp gần 12 lần so với số liệu HSMT và tổng số tiền phải đền bù chênh lệch xấp xỉ 22 tỷ đồng so với hạng mục này trong HSMT.

Từ những sai số nói trên dẫn đến việc giá trị bồi thường GPMB do nhà đầu tư đề xuất sẽ không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lập hồ sơ đề xuất tài chính của nhà đầu tư.

Đối chiếu với các số liệu trong hồ sơ mời thầu cho thấy sự sai lệch với thực tế quá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, làm sai lệch giá trị bỏ thầu và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ không chính xác. Không những thế, việc HSMT đề xuất thiếu một số lượng lớn diện tích GPMB sẽ dẫn đến giá sàn của Dự án tại HSMT bị sai lệch, thấp hơn so với mực thực tế mà Nhà nước sẽ thu được, ảnh hưởng đến hiệu quả của thực hiện dự án.

Đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đã ký văn bản số 12/UBND-BQLDA ngày 08/01/2020 gửi Cục Quản lý đầu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỏi về tình huống “trớ trêu” mà cả hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương gặp phải khi mở túi đề xuất tài chính của các nhà thầu.

Tại văn bản, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đã phải tính đến phương án hủy thầu khi thừa nhận nếu tiếp tục thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có thể nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án. Cụ thể là không đáp ứng được về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Như vậy, trách nhiệm của Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh - người đã ký ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác đấu thầu trong vụ việc này là gì? Quá trình lập, thẩm định, phát hành HSMT, đánh giá HSDT của UBND thành phố Chí Linh và đơn vị tư vấn lập HSMST là Công ty Cổ phần Sơn Thành diễn ra như thế nào? Tại sao những thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải được bảo mật nhưng HUD6 lại có nhiều văn bản gửi Cục Quản lý đầu thầu đến như vậy? Có hay không mối quan hệ “bất thường” giữa UBND Thành phố Chí Linh và HUD6 trong quá trình dự thầu? Việc bảo mật thông tin liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư có được UBND thành phố Chí Linh giữa an toàn tuyệt đối? Có hay không việc để xảy ra tình trạng “sân sau, sân trước” , “quân xanh, quân đỏ” tại Dự án KDC Hưng Đạo, Thành phố Chí Linh?

Phải chăng đối với vụ việc này, với những sai sót nghiêm trọng trong quản lý, điều hành xảy ra đối với HSMT, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh đang đẩy lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương?

Vì vậy, trước các dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới tại Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước như đã nêu ở trên rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan Trung ương, tỉnh Hải Dương để tiếp tục xem xét, làm rõ các dấu hiệu sai phạm một cách khách quan, minh bạch nhất. Cụ thể:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương và các tổ chức thành viên cần tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc công khai kết quả thanh tra, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, phát huy vai trò của báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ha là, đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hải Dương cần vào cuộc, tập trung kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên của UBND Thành phố Chí Linh trong việc thực hiện nhiệm vụ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Ba là, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường… vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xem xét, làm rõ việc xác định diện tích đất, các loại đất, giá đất.. tại dự án đã được báo chí và dư luận nêu ra có dấu hiệu tiêu cực, thông thầu, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Nếu phát hiện sai phạm, đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Bộ Công an làm cơ sở để tiếp tục đấu tranh, khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ các vi phạm.

Bốn là, Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), UBND tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời làm rõ có hay không hành vi thông thầu, “ưu ái” nhà thầu quen tại dự án; công khai, minh bạch hình thức xử lý để đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều