Ngày 22/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định hơn 98 năm qua, nền báo chí nước ta có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp.

Hiện nay, cả nước có hơn 24.000 hội viên, nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí.

Báo chí Việt Nam là dòng thông tin chính thống đáp ứng tốt nhu cầu thông tin-giao tiếp đại chúng, là phương tiện-phương thức liên kết các lực lượng trên toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hành vi sửa chữa của các cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc có liên quan.

Báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra thể hiện rõ nhất chức năng “liên kết và can thiệp xã hội," thông qua lớp màng mỏng nhất của ý thức xã hội là dư luận xã hội, hàng ngày hàng giờ tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên đất nước ta.

Theo ông Lê Quốc Minh, thực tiễn báo chí Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí và các nhà báo.

 

Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Ngày 12/1/2023, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 23, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới."

Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng, thời lượng tin bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn.

Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của lãnh đạo bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam.

Các bài tham luận tiếp cận dưới nhiều góc nhìn và chủ đề khác nhau, nhưng tập trung xoay quanh nội dung chủ đạo là làm rõ thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, tác động của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; phân tích thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu cũng đưa ra dự báo về những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đối với việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặt trong điều kiện, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; đề xuất phương hướng, giải pháp và đưa ra các khuyến nghị nhằm phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian tới...

Kết quả của Hội thảo là cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích cho việc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, cũng như hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo V.Đ (TTXVN/Vietnam+)