Dự án Mipec Long Biên nằm trong danh sách được thanh tra năm 2019 của Bộ Xây dựng ảnh: Như Ý
“Đánh động” doanh nghiệp
Năm 2017, website của Bộ Xây dựng dừng cập nhật kết quả thanh tra, hoặc nếu công bố kết quả thanh tra thì xảy ra hiện tượng, có doanh nghiệp bị công bố kết quả, doanh nghiệp khác thì không. Đến năm 2018, không có một kết quả thanh tra nào được công khai với báo chí.
Còn nhớ, thời điểm công bố danh sách thanh tra năm 2018, hàng loạt các “ông lớn” trong làng bất động sản được điểm danh. Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp bị thanh tra như: Cty CP Xuất Nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco).
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra một số dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh.
Danh sách thanh tra kể trên cũng cho thấy năm 2018, Bộ Xây dựng thanh tra dự án Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort do Cty CP Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư; Khu đô thị The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco...
Ngoài ra, trong danh sách dự phòng thanh tra có dự án của các pháp nhân như: Cty CP Đầu tư địa ốc Hải Đăng, liên danh Constrexim 1 Thái Hà và Bộ Công an, Cty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt. Nội dung của hoạt động thanh tra theo công bố là Thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và thực hiện quy định pháp luật về nhà ở của các tổng công ty, công ty, đơn vị thành viên và các liên danh tại các dự án.
Danh sách doanh nghiệp BĐS bị thanh tra theo như công bố tiếp tục nối dài sang năm 2019. Cụ thể: Cty Cổ phần Tập đoàn Sunshine có các dự án sẽ được thanh tra trong năm 2019 như: Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Sunshine City, quận Bắc Từ Liêm; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở Sunshine Center, quận Nam Từ Liêm; Dự án Nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ thương mại Sunshine Riverside quận Tây Hồ; Dự án Sunshine School, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Tổng Công ty Mbland cũng bị thanh tra về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở tại các dự án Square Filed (Tây Ninh); Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại và khu căn hộ Golden Filed; Dự án Grand Plaza (đều ở Hà Nội). Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang có dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Euro Window Nha Trang (hay còn gọi là Dự án Movenpick Cam Ranh Resort) cũng nằm trong danh sách thanh tra năm 2019.
Ngoài ra, cũng theo danh sách thanh tra trong năm 2019, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) có các dự án bị thanh tra như: Mipec City View (Khu nhà ở Kiến Hưng - Hà Đông); Tổ hợp dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở Mipec Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Công ty Cổ phần đầu tư LDG có các dự án thanh tra gồm: Khu dân cư và dịch vụ Giang Điền, tỉnh Đồng Nai; Khu dân cư Tân Thịnh; Chung cư Marina Tower, tỉnh Bình Dương; Khu chung cư cao tầng tại 69 đường An Dương Vương, phường 16, Quận 8 (West Intela); Khu cao ốc phức hợp, tại đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 (High Intela), TP HCM.
Một doanh nghiệp địa ốc nằm trong danh sách thanh tra chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng tiếp vài đoàn thanh tra từ phường, quận cho đến Bộ, thậm chí nội dung thanh tra của đoàn nào cũng giống như đoàn nào. Tuy nhiên, việc công bố danh sách vào thời điểm cuối năm gây ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp đang bán hàng, vì tâm lý người mua hàng không muốn dính đến doanh nghiệp bị thanh tra”.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, việc công bố danh sách thanh tra được coi như là một động thái “đánh động” doanh nghiệp với báo chí. “Có rất nhiều doanh nghiệp không muốn tên mình xuất hiện trên báo chí rằng bị thanh tra, dù chưa biết kết quả đúng sai thế nào? Cuối năm 2018, khi doanh nghiệp tôi đang bán hàng thì bị nêu tên trong danh sách thanh tra. Thông tin này khiến kết quả bán hàng sụt giảm. Nhiều khách đến vặn vẹo đủ kiểu, vì họ nghĩ đã thanh tra kiểu gì doanh nghiệp cũng sai phạm”, vị này nói.
Còn một phó giám đốc doanh nghiệp địa ốc đang xây dựng dự án ở Hà Nội tỏ ra ngậm ngùi trước chiêu bài “đánh động” của thanh tra. “Chúng tôi nhận được công văn sẽ có đoàn thanh tra vào làm việc nhưng trước đó, các chuyên viên cũng đã gọi lên nhắc nhở sai phạm của doanh nghiệp cộng lại lên tới hàng trăm triệu đồng cho những lỗi nhỏ. Thậm chí khi tôi mang giấy giới thiệu của giám đốc doanh nghiệp đến cơ quan thanh tra làm việc, họ còn dọa rằng, tôi là người không có giấy ủy quyền đến làm việc về vấn đề thanh tra, sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng, vô lý hết sức”, vị này cho hay.
Phá vỡ quy hoạch vì quy định phạt cho tồn tại
Thay vì đưa ra kết luận thanh tra sai phạm của các doanh nghiệp, đơn vị bị thanh tra trong năm, thanh tra Bộ Xây dựng chỉ công khai một cách chung chung kết quả thanh tra như một thành tích của ngành. Cụ thể, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 93 đoàn thanh tra, đạt 108% so với kế hoạch năm. Đến nay, đã ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 927,5 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phê duyệt lại dự toán 707,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 134,8 tỷ đồng; yêu cầu nộp về tài khoản của chủ đầu tư 15,2 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 6,3 tỷ đồng...
Được biết, năm 2014, chính Bộ Xây dựng là tác giả của phạt cho tồn tại những công trình sai phạm khi ban hành Thông tư 02 được ban hành sau khi Chính phủ có Nghị định 121 (ban hành tháng 10/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định do Bộ Xây dựng chấp bút này thể hiện, một số hành vi sai phạm nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Mãi cho đến năm 2018, khi dư luận xôn xao việc phá vỡ quy hoạch các công trình xây vượt tầng…, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 139/2017 có hiệu lực năm 2018 thay thế Nghị định 121 mới bổ sung thêm khái niệm “yêu cầu khắc phục hậu quả”.
Cụ thể, các công trình không phép, sai phép không còn chuyện nộp phạt để được cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng rồi cho tồn tại. Các vi phạm (xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt còn bị buộc phải tháo dỡ phần vi phạm. Trường hợp xây sai phép, không phép đang thực hiện, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản yêu cầu dừng thi côn.
Trong khoảng thời gian 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản) chủ đầu tư phải xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn mà không xuất trình được giấy phép thì phải tháo dỡ phần vi phạm. Đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ bị buộc tháo dỡ ngay.
Tuy nhiên, nghị định mới không “hồi tố” những công trình sai phạm trước đó nên nhiều dự án vẫn vô tư xây “vượt tầng”, phá vỡ quy hoạch…Thậm chí, thanh tra nhiều nhưng sau thanh tra, việc khắc phục của doanh nghiệp sai phạm thế nào cũng là câu hỏi lớn với dư luận?
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Bộ Xây dựng công bố năm 2019 với 90 đoàn hay bao nhiêu đoàn thanh tra, tôi không đánh giá nhiều hay ít bởi tăng cường công tác thanh kiểm tra của Bộ Xây dựng là đúng đắn. Tuy nhiên, thanh tra nhiều như thế mà hàng loạt sai phạm vẫn xảy ra”.
Bên lề cuộc gặp mặt báo chí chiều 19/6, trước kiến nghị của phóng viên Tiền Phong về việc Bộ Xây dựng nên công khai kết luận thanh tra tại Vĩnh Phúc sau khi xảy ra vụ đoàn thanh tra “vòi vĩnh” tiền đơn vị thanh tra cũng như các kết luận thanh tra khác cho báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu và có chỉ đạo.
Dãy biệt thự của The Manor Central Park khi còn xây thô nguồn: Internet
Theo Ngọc Mai/Báo Tiền phong
()