Bỏ tiền lẻ lung tung tại các nơi thờ tự linh thiêng đã thành hủ tục lâu nay. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chưa có tác dụng?
Tại các ban thờ, cho dù có hòm công đức, nhưng các thí chủ tới lễ vẫn cứ “thích” đặt tiền lễ trên ban thờ kèm theo cả bó tiến vàng mã, và chùa nào cũng vẫn phải dành riêng một góc trong khuôn viên để người đi lễ đốt tiền vàng mã.
Ở những chùa chiền, cổ tự đình, đền, miếu, mạo thuộc hàng danh thắng và di sản của Việt Nam nhiều năm nay, tệ “hối lộ” Thần Phật bằng tiền lẻ rải khắp chốn, không chừa chỗ nào, mất hết cả tôn nghiêm nơi thờ tự, thậm chí bất kính với các thần linh. Rồi tệ đốt vàng mã lan tràn, dù đó không phải là tục lệ ở cửa thiền của người Việt.
Thấy rõ đó không phải là những tục lệ có tính văn hóa và văn minh của người Việt, và không phù hợp với giáo lý nhà Phật, nên để chấn chỉnh và cũng là để cho nếp sống văn minh đi vào thực tế cuộc sống, mới đây, thay mặt Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, HT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực - đã ký ban hành công văn 031/CV-HĐTS với nội dung gồm 3 điểm, nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trước thềm Tết Cổ truyền của dân tộc - xuân Mậu Tuất 2018.
Công văn đã được gửi đến các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của GHPGVN, yêu cầu: (1) Các Ban Trị sự hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo; (2) Đề nghị chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam; (3) Chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; Lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.
Lệnh thì nghiêm, nhưng có lẽ việc thay đổi một thói quen đã ăn sâu trong tư duy của đại đa số người dân xem ra vẫn chưa có tác dụng. Chỉ mới bắt đầu những ngày đầu năm mới Tết Mậu Tuất, dạo các chùa lớn của riêng Hà Nội, hình như công văn của GHPGVN chưa có tác dụng...
Ngay cả ở một nơi tưởng như phải rất văn minh, vì thờ các Thánh “chữ” là Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội thì việc cúi người bỏ tiền lễ vào thùng công đức ngay dưới ban thờ có vẻ khó khăn hơn là cứ thẳng lưng thảy tiền vào cái khay đặt ngay trên ban thờ. Một hành vi có thể xem là bất kính với Thánh nhân nhưng xem ra chẳng ai quan tâm điều đó, dù sau đó rất thành kính chắp tay khấn vái cầu xin lợi lộc văn hay chữ tốt đỗ đạt đăng khoa cho mình hay cho con cháu… Chưa kể bên gian thờ Thánh Chu Văn An, còn có một góc ở kế bên gian thờ, bày một bàn đèn nến và một cái thùng để đốt tiền vàng mã… bất kể kiến trúc của toàn bộ khối nhà bằng gỗ.
Làm sao để có thể chấm dứt tình trạng này?
Đầu tiên là vàng mã. Theo đúng tinh thần của Phật giáo, chùa chiền không có tục đốt tiền vàng mã. Cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, mà việc đốt tiền vàng mã trong chùa trở nên “thịnh”. Muốn cấm, ngoài việc giáo dục các thí chủ, Phật tử… còn là vấn đề ai cũng thấy ở các nơi thờ tự đều có bán vàng mã ngoài hương đèn hoa quả bánh kẹo để lễ. Nếu như có thể vận động các chủ hàng không bán vàng mã, cũng như có sự nghiêm minh hơn, xử phạt nếu cố tình bán để mang vào nơi thờ tự? Rối nhà chùa cũng ban lệnh nghiêm cấm đốt tiền vàng mã trong chùa hay xung quanh khuôn viên chùa… Có thể ban đầu sẽ rất khó nhưng không phải không thực hiện được. Điều này các chùa trong miền Nam, đặc biệt chùa Khmer đều tuân thủ tuyệt đối.
Còn tiền lẻ lễ, rõ ràng các nơi thờ tự đều để hòm công đức nhưng xem ra ý thức người đi lễ theo tư duy là phải “nhìn tận mắt, đưa tận tay” nên khi bỏ vào hòm công đức sẽ cảm thấy là không có ai “chứng” cho mình.
Để dẹp tệ này, trước hết những nơi thờ tự nên có một bảng quy tắc nhắc nhở. Ban đầu cho người giám sát, thấy ai bỏ tiền không đúng quy định thì nhắc người ta, từ một người được nhắc, thì các người sau cũng thấy vậy mà theo… dần sẽ thành thói quen văn minh. Thiết nghĩ, các chùa ngoài Bắc nên học các chùa trong Nam, không có hiện tượng rải tiền lẻ trên ban thờ hay tượng Phật.
Việc đốt vàng tiền, vàng mã và rải tiền lẻ ở những nơi thờ tự linh thiêng, nhiều năm nay đều bị nhắc đi nhắc lại mỗi khi tết đến, các mùa lễ hội khai mạc. Nhưng không thể thấy khó mà chùn bước, bắt đầu từ giáo dục tự giác, cho đến xử phạt nghiêm minh khi vi phạm.
Việc tạo nếp văn hóa văn minh, tôn nghiêm chốn thờ tự sẽ được phục hồi, thật sự là nơi để mọi người khi đến là lắng tâm, định thần, chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải cuộc sống, để sống đẹp hơn, chứ không phải biến những nơi đó thành nơi mua thần bán thánh, hối lộ Tiên Phật cầu danh cầu lợi cho mình.
Theo đúng tinh thần của Phật giáo, chùa chiền không có tục đốt tiền vàng mã.
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng có tài liệu đã cho rằng người Việt mỗi năm bỏ ra khoảng 400 tỉ để mua vàng mã rồi… đốt. Đây được cho là một tập tục nhưng cũng có chuyên gia cho rằng đây thực chất là một hủ tục cần loại bỏ vì lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn cháy nổ.
Năm ngoái, tại TPHCM có tới gần 20 người chết và hàng chục nạn nhân bị thương do hỏa hoạn xuất phát từ việc đốt vàng mã dịp đón Tết Cổ truyền.
Năm nay, trong ngày cúng ông Công - ông Táo, 8 căn nhà đã cháy rụi tại TPHCM và mới nhất, tại Lạng Sơn, một vụ cháy lớn ở đền thờ Mẫu cũng do đốt vàng mã.
Theo Việt Văn/Báo Lao động