Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao các đơn vị giải quyết vướng mắc liên quan đến Dự án chợ dân sinh Hợp Nhất

(Mặt trận) - Trong khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các tiểu thương thuộc Dự án (DA) chợ dân sinh Hợp Nhất thì UBND quận Cầu Giấy lại có công văn khó hiểu gửi tới Sở Công thương Hà Nội. Công văn này đề xuất đưa DA ra khỏi kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo chợ khiến chủ đầu tư và nhiều hộ kinh doanh không khỏi lo lắng.

Một dự án thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương

Ngày 5/12/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định Chủ trương đầu tư số 6666/QĐ-UBND chấp thuận cho Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hoà và Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà làm chủ đầu tư DA chợ dân sinh Hợp Nhất, địa chỉ tại 221 phố Trung Kính, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Mục đích của DA là: “nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại; đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn và khu vực; góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Tổng diện tích DA trên 1.000m2 , diện tích xây dựng khoảng 600m2 và tổng diện tích sàn xây dựng 2.500m2.

Ngay sau Quyết định số 6666/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, phía Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội đã tiến hành cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư.

Về phía UBND quận Cầu Giấy, trong tháng 01 và 02/2018 đã ban hành một loạt quyết định và thông báo liên quan đến DA như: Quyết định số 495/QĐ-UBND: “Phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện DA chợ dân sinh Hợp Nhất…”; Thông báo thu hồi đất số 20/TB-UBND để thực hiện DA chợ dân sinh Hợp Nhất…

Tiếp đó, ngày 28/11/2018, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 2970/QĐ-UBND về việc: “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để thực hiện DA xây dựng chợ dân sinh Hợp Nhất…”.

Hơn ba năm nay các tiểu thương vẫn phải kinh doanh tại chợ tạm. 

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hoà, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Ngay sau khi nhận được các văn bản của thành phố và quận Cầu Giấy phía chủ đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy nhanh tiến độ DA, chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), cam kết với các hộ kinh doanh khi DA xây mới vẫn giữ nguyên trạng chợ dân sinh tại tầng 1.

Cho đến thời điểm này đã có 114 hộ kinh doanh tại 202 gian hàng nhận đền bù hỗ trợ. Cùng với đó chủ đầu tư đã tổ chức xây dựng chợ tạm để phục vụ bà con ổn định cuộc sống, đồng thời làm mặt bằng sạch, quây tôn để quản lý chống lấn chiếm”.

Tuy nhiên, ông Sơn không khỏi lo lắng: “Về GPMB, hiện chỉ còn 1 hộ đang sử dụng diện tích khoảng 30m2 chưa chấp thuận phương án bồi thường hỗ trợ. Chủ đầu tư đã làm việc rất nhiều lần với hộ dân này nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được sự hợp tác”.

Thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, quận đề xuất loại bỏ

Để tháo gỡ khó khăn, sớm đưa DA được xây dựng, tháng 1/2024, Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hòa đã có văn bản số 12/CV-HTX gửi tới Tổ công tác đặc biệt của UBND TP Hà Nội thể hiện nguyện vọng: “Trong khi chưa GPMB được, chủ đầu tư đề nghị được triển khai đầu tư xây dựng chợ trên diện tích đã được cấp phép để đảm bảo quyền lợi của bà con đã ba năm nay phải kinh doanh tại chợ tạm và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”.

 Văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và DA của UBND TP Hà Nội.

Tháng 2/2024, sau khi nhận được văn bản của Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hòa, phía UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1484/VP-TNMT gửi tới UBND quận Cầu Giấy với nội dung: “… đồng chí Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Thành phố, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả của doanh nghiệp, nhà đầu tư, DA đầu tư trên địa bàn Thành phố, có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao UBND quận Cầu Giấy chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hòa tại Văn bản số 12/CV-HTX ngày 29/01/2024 nêu trên; hướng dẫn Hợp tác xã đầu tư xây dựng thương mại Yên Hòa thực hiện theo quy định; tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền; báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 29/02/2024…”.

Trên thực tế, mọi chuyện đã không diễn ra như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Cụ thể, ngày 25/3/2024, ông Ngô Ngọc Phương, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy có công văn số 402/UBND-KT gửi tới Sở Công thương Hà Nội.

Nội dung công văn cho thấy: “… Ngày 13/12/2023, UBND quận Cầu Giấy có Văn bản số 1874/UBND- TCKH về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu đầu tư xây dựng chợ trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy gửi Sở Công thương, trong đó để xuất đưa ra khỏi Chương trình số 03-CTr/TU đối với chợ dân sinh Hợp Nhất do vướng mắc trong công tác GPMB …”.

Với nội dung trong công văn trên của quận Cầu Giấy khiến chủ đầu tư và các tiểu thương không khỏi hụt hẫng. Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại Yên Hoà nói: “Nếu khâu GPMB vướng mắc liên quan đến nhiều hộ dân thì không nói làm gì, đằng này chỉ có duy nhất 1 hộ trên tổng số 115 hộ không bàn giao mặt bằng. 114 hộ kinh doanh đã nhận được tiền hỗ trợ đền bù từ chúng tôi rồi. Hơn 1.000m2 của DA đã GPMB xong, giờ chỉ còn ách tắc ở 30m2 cuối cùng. Việc UBND quận Cầu Giấy đề xuất loại DA ra khỏi danh sách các chợ được đầu tư xây mới chợ giai đoạn 2024-2025 là đang làm khó cho doanh nghiệp và tiểu thương”.

Cần thực hiện đúng với chỉ đạo và các quy định của pháp luật

Ngược dòng thời gian, ngày 26/1/2018, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện GPMB DA xây dựng chợ dân sinh Hợp Nhất. Hội đồng có 13 thành viên do ông Bùi Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận làm Chủ tịch hội đồng.  (Hiện nay ông Bùi Tuấn Anh là Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy).

Ngày 12/2/2018 tại Quyết định số 495/QĐ-UBND, UBND quận Cầu Giấy giao: “Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy có trách nhiệm phối hợp với UBND phường Yên Hòa và các phòng, ban liên quan lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định; Trình Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Báo cáo UBND quận Cầu Giấy phê duyệt theo quy định…”.

Chủ đầu tư đảm bảo đủ kinh phí xây chợ nhưng suốt một thời gian dài toàn bộ DA vẫn phải quây tôn, gây lãng phí đất. 

Viện dẫn như trên để thấy rằng UBND quận Cầu Giấy và các bộ phận khác không thể nói không liên quan trước một DA mà quận đang cho là vướng mắc về GPMB. Bởi Hội đồng thực hiện GPMB DA do chính UBND quận lập ra, còn Chủ tịch Hội đồng là ông Bùi Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận.

Qua tìm hiểu, được biết một DA có 115 hộ liên quan thì có tới 114 hộ đã nhận đền bù, trên 1.000m2 GPMB, giờ chỉ còn duy nhất 30m2 của một hộ dân là chưa hợp tác bàn giao. Như vậy, tiến độ bồi thường hỗ trợ và GPMB gần như hoàn thành nhưng vẫn bị UBND quận Cầu Giấy cho là vướng mắc?

Một DA nhận được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và nhiều sở ngành liệu có dừng bước trước một văn bản đề xuất của UBND quận Cầu Giấy?

Đề xuất này của UBND quận Cầu Giấy liệu có đi ngược chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong việc tháo gỡ gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các tiểu thương thuộc DA chợ dân sinh Hợp Nhất?.

Khắc Hạnh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều