Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết T.Ư 6 khoá XII, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Qua những số liệu được ông đưa ra, rất nhiều người lo ngại cho hệ thống chính trị của đất nước hiện đang có những dấu hiệu bất ổn về bộ máy Đảng, chính quyền và đoàn thể bởi quá cồng kềng, hoạt động không hiệu quả. Nếu chúng ta không kiên quyết thiết lập lại thì quả là một mối nguy lớn.
Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã đổi mới kinh tế đi đôi với hệ thống chính trị. Việc đổi mới hài hoà các yếu tố góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu...
Một chi tiết tôi cho là khá thú vị và qua đó gián tiếp cho thấy công tác báo cáo về vấn đề tổ chức bộ máy và cán bộ của một số bộ, ban,ngành chưa được trung thực.
Phải chăng vì họ "ngượng" (lời ông Trưởng ban) đã không báo cáo thật trước thượng cấp để rồi khi Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính tra cứu danh bạ của mỗi đơn vị mà đã lòi ra biết bao ví dụ, bao câu chuyện kiểu như một vụ mà có đến 19 vị lãnh đạo mang "hàm vụ phó"? Rồi cũng có vụ có đến 6 vị "hàm vụ trưởng" và 7 vị "hàm vụ phó"...
Nhiều đầu mối và tăng quá nhanh là mâu thuẫn lớn so với hiệu quả công việc đang là điều rất đáng lo ngại.
Cả nước hiện có 42 tổng cục (tăng 2 lần so với 2011); 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7%; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ ,tăng 13%( so với 201)1. Số liệu này chưa kể Quân đội, Công an.
Tỷ lệ cán bộ công chức phục vụ hiện nay rất lớn, như ở T.Ư, tại các cơ quan Đảng chiếm 27%; các tổ chức chính trị - xã hội 30%.
Về tư tưởng ham muốn được quản lý nhiều mảng việc cũng là câu chuyện đáng bàn.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính thông tin: Có Vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có Vụ có 19 hàm phó vụ trưởng. Ảnh: QH
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng chỉ rõ, một số cơ quan tham mưu của Đảng như Ban Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan Nội vụ, Thanh tra, Thông tin Truyền thông của Nhà nước.
Một số bộ như GTVT với Xây dựng; KH- ĐT với một số bộ khác cũng trong tình trạng tương tự.
Số bộ ngành thuộc Chính phủ còn đến 30 đầu mối, trong khi Nhật Bản con số này là 11, Singapore 15, Trung Quốc 20… So với các nước châu Âu, Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước hiện có khoảng 4 triệu người, chưa tính Quân đội và Công an.
Ông Phạm Minh Chính cũng nêu khó khăn đối với các trường hợp thuộc diện “hợp đồng khác” khi bộ máy đang có đến 239.000 người, chiếm 6% tổng số người ngân sách đang nuôi phải xử lý thế nào ?
Như vậy, phải chăng bộ máy tổ chức của chúng ta có thể xem là loại cồng kềnh nhất thế giới cũng nên?
Về chuyện chúng ta đang lạm phát cấp phó quả cũng là điều không thể coi nhẹ. Tôi thấy mừng khi Đảng đã chỉ ra những bất cập hiện tại, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay ở trong hệ thống Đảng, nhà nước và các đoàn thể nói chung.
Việc Quảng Ninh đi đầu trong việc xây dựng mô hình nhất thể hoá đã và đang cho thấy rõ tính hiệu quả xét ở nhiều góc độ. Công việc cho thấy đã hanh thông hơn, bộ máy gọn gàng hơn, giảm bớt chi ngân sách.
Chúng ta có thể nhân rộng mô hình trên nhanh hơn và mạnh tay hơn nữa. Tôi tin rằng ông Trưởng ban Tổ chức T.Ư, với tư cách nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, người từng đi tiên phong cho các tỉnh thành cách đây gần 5 năm sẽ có nhiều kinh nghiệm hay để nhân rộng ra.
Bên cạnh đó, nên chăng cần tinh gọn bộ máy sao cho gọn nhẹ hơn nữa. Chúng ta có thể căn cứ vào dân số mẫu nào đó của cấp xã, cấp huyện để thực thi.
Tình trạng dư thừa công chức xảy ra nhiều nơi.
Không có lý gì một xã có 5-6.000 với một xã có đến trên 20.000 dân đều có bộ máy như nhau ( ý tôi là so sánh nó có cùng một địa hình, địa bàn tương tự). Chỉ có cách này, ngân sách nhà nước mới có thể bớt nặng gánh.
Từ đó mới có khả năng cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức. Cũng từ cách làm nói trên, ngân sách thu được sẽ có điều kiện để đầu tư cho phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho mọi người dân.
Việc gần đây chúng ta hay làm kiểu như "con có khóc mẹ mới cho bú", đó là cho hưởng phụ cấp đối với những công chức, viên chức làm công tác đảng và đoàn thể trong khi mặt bằng chung của mọi công chức viên chức khác không tăng thì liệu đã đúng chưa?
Nếu duy trì khoản phụ cấp này thì có khác nào cho rằng những người làm bên chính quyền sướng hơn vì đã có khoản này khoản nọ ngoài lương bù vào hay sao?
Ngay như chế độ thăng cấp bậc quân hàm trong các lực lượng vũ trang như bây giờ liệu đã thật đúng chưa hay có gì đó chưa ổn lắm?
Một Trưởng khoa của một Học viện Quân sự, một phó Cục trưởng một cục ... mà cũng được mang quân hàm tướng thì có cần thiết không khi mà trong chiến tranh, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Quân đội ta rất khó được thăng hàm tướng, thì nay, số tướng lĩnh của thời bình tăng gấp nhiều lần liệu có nên khuyến khích?
Tôi không tán đồng với phát biểu của vị Bộ trưởng Quốc phòng cách đây vài năm mà ông bày tỏ trên nghị trường Quốc hội khi bàn đến Luật Sỹ quan rằng nếu Quốc hội không thông qua và không thăng hàm tướng cho 450 cán bộ trong quân đội thì “anh em sẽ rất nhiều tâm tư”.
Điều này càng không ổn nếu chúng ta biết rằng nguồn thu ngân sách hiện còn vô cùng hạn hẹp, nợ công thì đã tăng gần kịch trần.
Rồi thì tuổi nghỉ chế độ của người tham gia lực lượng vũ trang xem ra cũng chưa ổn khi họ về nghỉ quá sớm, còn rất sung sức, còn có thể đóng góp được rất nhiều cho đất nước...Đã đến lúc và không thể chậm trễ thêm nữa khi quyết liệt triển khai tinh giản bộ máy. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 6 khoá XII chắc chắn sẽ mang lại luồng sinh khí tích cực cho xã hội.
Theo Quốc Phong/Báo Dân Việt