Thêm một vụ tai nạn kinh hoàng trên đường phố Hà Nội mà “tác giả” của nó là một phụ nữ chếnh choáng hơi men. Thêm một vụ nhận tiền trắng trợn của doanh nghiệp mà “tác giả” là một nữ nhà báo (dù chưa có thẻ).
Những vụ vi phạm pháp luật vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ nhưng sao dư luận vẫn thấy nặng lòng khi người phạm tội là những người vợ, người mẹ. Ngay chính những người trong cuộc khi đưa vụ án ra ánh sáng cũng không giấu được sự xót xa khi nói rằng: phía sau họ là những đứa con…
Sự "quá đà" của người phụ nữ để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Tương lai nào đang chờ đợi họ phía trước, viễn cảnh đen tối nào cho những đứa con của họ khi mà mẹ chúng sẽ phải đối diện với bản án nghiêm khắc của pháp luật. Gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, họ đương nhiên phải trả giá, nhưng không phải chỉ mình họ.
Vài năm trước, trong một chuyến công tác tại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), tôi đã không thể cầm lòng khi gặp một người phụ nữ ngoài 70 tuổi, bệnh tật đầy mình. Bà cứ ôm chặt lấy tôi mà khóc: “Cô ơi, cho tôi về với. Tôi không muốn ở đây nữa. Tôi chán nơi này lắm rồi. Tôi muốn về để nấu cho ông nhà bát cháo”. Rồi bà khóc hu hu như một đứa trẻ “Tôi muốn về để được chết ở nhà”…
Cũng ở trại giam đó, có những người mẹ giữa giờ lao động lại về cho con bú. Những đứa trẻ tội nghiệp lớn lên trong tù, quanh quẩn trong tù vì chúng chưa đủ lớn để rời vòng tay mẹ.
Ở một trại giam khác, có những nữ phạm nhân mặc áo sọc trắng mải mê tập văn nghệ. Bỏ lại đằng sau những bặm trợn, bỏ lại những tội lỗi ở ngoài xã hội, họ cầm nón để múa và hát say sưa “Mẹ thương, con có hay chăng. Thương từ khi thai nghén trong lòng…”
Những hình ảnh như thế cứ ám ảnh, cứ nhoi nhói tâm can. Sự ân hận muộn màng của người phụ nữ gần đất xa trời, tình cảnh trớ trêu của những đứa trẻ và sự khắc khoải của những người mẹ khi sa chân, lỡ bước...
Rơi vào vòng lao lý, người phụ nữ đã đánh mất quá nhiều...
Phúc đức tại mẫu, “mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ lót lá mà nằm”… Các cụ đã đúc kết như vậy về vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Nhưng xã hội đang phải chứng kiến không ít người phụ nữ làm cho gia đình khuynh đảo, trượt dốc không phanh, con cái nheo nhóc, khốn khổ, thậm chí sa vào các tệ nạn xã hội cũng bởi lòng tham, sự ích kỷ và sự quá đà.
Xã hội ngày càng phát triển. Người phụ nữ cũng đòi quyền bình đẳng và thực tế, họ đã khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực, ngang bằng, thậm chí còn vượt trội so với nam giới. Nhưng quyền bình đẳng ấy, dứt khoát không phải là sự quá đà. Quá đà vì rượu bia, quá đà cho lòng tham.
Dưới bánh xe của người phụ nữ chếnh choáng là những phận người. Ẩn trong gương mặt của nữ nhà báo (dù chưa có thẻ) là lòng tham vô đáy, muốn đổi đời bằng những đồng tiền nhơ nhớp. Xã hội không chỉ lên án họ mà nhiều người còn cảm thấy xấu hổ vì họ.
Sự “quá đà” của người phụ nữ có thể sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều so với sự “trượt dốc” của người đàn ông bởi, phía sau họ là những đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác….
Theo Hương Giang/VOV.VN