Viện Xạ hiếm tọa lạc trên địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, sở hữu 2 mặt tiền chạy dài cả trăm mét trên các tuyến phố đắc địa gồm Láng Hạ và Vũ Ngọc Phan.
Viện Xạ hiếm là tổ chức sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ trong lĩnh vực xử lý, chế biến các loại khoáng sản có hoạt tính phóng xạ, các loại khoáng sản quý, hiếm, chế tạo các loại vật liệu kim loại phục vụ ngành hạt nhân cũng như các ngành kinh tế kỹ thuật khác.
Với chức năng nhiệm vụ được quy định rõ ràng như vậy; tuy nhiên, từ hàng chục năm qua, khoảng đất chạy dọc hai mặt tiền của Viện lại bị “xẻ thịt” vô tội vạ để làm nhà hàng, quán phở, quán nhậu, cà phê, nước giải khát, showroom trưng bày ô tô NISSAN…
Showroom ô tô Nissan ngang nhiên tồn tại trên đất do Viện Xạ hiếm quản lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khoảng đất mặt phố số 48 Láng Hạ của Viện, mọc lên một showroom ô tô với diện tích khoảng hơn 100m2 đã hoạt động từ nhiều năm nay. Tương tự, tại mặt tiền phố Vũ Ngọc Phan, tồn tại la liệt các ki ốt được tận dụng làm quán phở, quán nhậu, dịch vụ nước giải khát.
Bà Nguyễn Thu H., người dân sinh sống gần đó cho biết, khu đất mặt tiền 48 Láng Hạ của Viện đã được sử dụng cho thuê showroom trưng bày ô tô cũng khoảng gần 20 năm nay rồi. Trước là các hãng xe khác, nhiều lắm, tôi không nhớ hết được, giờ mới đến NISSAN sử dụng. Hằng ngày, xe ô tô, xe máy của showroom NISSAN dừng đỗ tràn lan trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, mà chẳng thấy lực lượng công an hay đô thị phường đến nhắc nhở xử lý gì cả.
“Viện Xạ hiếm là viện nghiên cứu, được nhà nước giao mảnh đất to đẹp như vậy sao không biết giữ gìn, phát huy, sử dụng cho mục đích khoa học, ấy vậy, tôi không hiểu sao người quản lý lại để nhà hàng, quán bia, phở mọc lên ngay bên hông tòa nhà. Viện nghiên cứu mà biến thành nhà hàng, quán nhậu thì rất phản cảm, lộn xộn, mất mỹ quan, đúng là chẳng ra đâu vào đâu”, bà H. chia sẻ.
Dù phần vỉa hè đã được kẻ vạch sơn rõ ràng, nhưng showroom NISSAN vẫn ngang nhiên để ô tô dừng đỗ tràn lan, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhuận (khi đó còn là Phó Viện trưởng Viện Xạ hiếm, nay ông Nhuận hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện Xạ hiếm). Ông Hoàng Nhuận cho biết, 18 ki ốt ở phố Vũ Ngọc Phan đã được xây dựng và khai thác từ năm 1993, việc xây dựng được sự cho phép của các cấp chính quyền Hà Nội, lãnh đạo Viện hồi đó (giờ các anh đã nghỉ hưu từ lâu rồi), huy động tiền cá nhân và tập thể dựng nên dãy ki ốt đó. Vì lý do là thiếu diện tích làm việc và cần để bảo vệ, thời đó chúng tôi không có kinh phí xây tường rào để bảo vệ mốc giới của Viện. Về sau, kể từ 2004 trở đi khi có những quy định chặt chẽ hơn, trước đây là cho phép nhưng giờ bị cấm, không được sử dụng đất công sở vào mục đích khác.
Theo ông Hoàng Nhuận, kể từ năm 2006, Viện đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với 18 hộ sử dụng ki ốt. Thực hiện chỉ đạo cấp trên là Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam yêu cầu giải quyết, thu hồi lại 18 ki ốt trên phố Vũ Ngọc Phan. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, đa phần các hiện là do các cán bộ trong viện quản lý và các cán bộ lãnh đạo Viện trưởng, Viện phó trước đây đều có đóng góp. Với chức năng nhiệm vụ của Viện Xạ hiếm, chúng tôi chỉ có thể vận động, thuyết phục và báo cáo lên cấp trên, được sự chỉ đạo và chấp thuận của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Xạ hiếm đã thực hiện nhiều biện pháp hành chính để giải tỏa 18 ki ốt này và đã thu được một chiếc đóng cửa rồi.
“Biện pháp hành chính mà viện sử dụng là đề nghị UBND, Công an phường sở tại, công ty cấp điện, cấp nước không cấp điện, không cấp nước cho ki ốt đó. Chúng tôi đã làm rất kiên quyết. Sau đó, đồng loạt nguyên Bí thư, nguyên Viện trưởng làm đơn kiện Viện lên Bộ Khoa học và Công nghệ. Về quan điểm của những người đó cho rằng, đó không phải là đất của Viện và Viện không đủ giấy tờ, không có “sổ đỏ”, đơn kiện vẫn nằm lại từ 2015 và chưa có chỉ đạo gì để làm tiếp hết cả. Chúng tôi buộc phải dừng” - Ông Nhuận trần tình.
Cũng theo ông Hoàng Nhuận, việc NISSAN mở showroom ô tô xuất phát từ hợp đồng hợp tác của Viện với Công ty Sao Việt. Ban đầu, đơn thuần là khách hàng muốn đặt hàng Viện có một số vật liệu đất hiếm có thể làm chất xúc để xử lý và hạn chế khí thải của ô tô; tuy nhiên, từ việc nghiên cứu làm vài cái ống, vài vật liệu cho ra được sản phẩm mà hãng người ta chấp nhận sử dụng là cả một quá trình dài. Do hoạt động không hiệu quả, cấp vốn cho nhà khoa học thì không cấp, trong hợp đồng chúng tôi không có chữ nào về ô tô cả, chỉ có trưng bày sản phẩm thôi. Thế nhưng, không đầy 2 năm, vào năm 2014, Viện đã thanh lý hợp đồng, nhưng bắt đầu từ đấy nhiều chuyện phát sinh, người ta không đi, không trả lời văn bản của Viện. Vì Viện là cơ quan hành chính, chỉ có cách gửi văn bản, cùng lắm là cử tổ công tác liên ngành ra làm việc với họ để đấu tranh.
Biện minh cho biện pháp xử lý, thu hồi phần diện tích đất do NISSAN sử dụng không mang lại hiệu quả, ông Hoàng Nhuận cho rằng, công trình này có từ khoảng năm 1999, ngày trước nó là một quán bia của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đứng ra làm. Khoảng năm 2003, 2004, thì chuyển sang chủ khác cho thuê, sau đó một số công ty vào mượn văn phòng. “Đến giai đoạn này, NISSAN lánh mặt, chúng tôi buộc phải nhờ UBND và Công an phường can thiệp, nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra hỗ trợ. Vì họ coi đó là việc dân sự, khi mà Viện giải quyết hậu quả của những người tiền nhiệm đã ký và đã làm. Bới lại không được, Viện chỉ có “nhắm mắt” mà giải quyết thì cấp trên yêu cầu phải giải quyết triệt để còn làm như thế nào thì Viện đã làm hết cách rồi, cũng cắt điện, cắt nước NISSAN. Rồi NISSAN cũng “chạy” lên Bộ khiếu nại rồi đi đến các cơ quan khác. Họ còn mời cả phóng viên vào, gọi cơ quan chức năng vào điều tra Viện về hành vi phá hoại tài sản, nói chung là rất căng thẳng” - Ông Hoàng Nhuận vin vào nhiều lý do dẫn đến việc chậm trễ thu hồi phần đất công có dấu hiệu sử dụng sai mục đích.
Trả lời về vấn đề nguồn lợi tài chính thu từ việc sử dụng đất như trên được hạch toán ra sao và sử dụng vào mục đích gì? Ông Hoàng Nhuận tiếp tục lập luận theo kiểu “đánh bùn sang ao”. Tôi nghĩ dạng treo như thế này thí dụ nhiều chỗ không có xu nào hoặc là thu từ lâu rồi ta tính làm gì. Bây giờ bới lại chỗ đấy giá tiền cũng chẳng đâu vào đâu, chẳng còn cái gì hết cả. Tôi nói giả dụ, nhưng tôi nói thẳng, tình trạng chưa giải quyết được dứt điểm là tạm thu, tạm chi không có cái gì hết, không biết quỹ nào quản lý - Ông Hoàng Nhuận nói.
Có nhiều cách làm hay được một số địa phương áp dụng và đã đem lợi hiệu quả tích cực nhằm thu hồi phần diện tích mà các cơ quan, đơn vị sử dụng sai mục đích, sai quy định như: xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; “thẳng tay” cắt giảm “bầu sữa” ngân sách cấp cho những đơn vị kiểu này vì đã có các khoản thu ngoài luồng; thậm chí, có sự tham gia của các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, thực hiện các biện pháp ngăn chặn để thu hồi phần diện tích đất được các đơn vị bên ngoài thuê mướn, sử dụng sai mục đích, nhưng chây ỳ, không chịu trả lại phần đất công đã chiếm dụng.
Đất đai, tài sản của Viện Xạ hiếm trên mặt phố Vũ Ngọc Phan bị “xẻ thịt”, xé lẻ thành 18 ki ốt cho thuê kinh doanh quán bia, quán nhậu, cà phê giải khát trước sự bất lực của đơn vị được giao quản lý, cũng như các cơ quan chủ quản.
Trong khi tài sản công, đang từng ngày, từng giờ bị “chảy máu”, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, tiền của nhân dân, vậy nhưng, có những nhân sự chủ chốt tại Viện Xạ hiếm lại được cất nhắc, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Thêm vào đó, câu trả lời của vị đại diện lãnh đạo Viện Xạ hiếm lại càng khiến cho dư luận thêm hoang mang, bởi nguồn lợi thu được từ những hoạt động cho thuê, mượn nhà, đất trụ sở Viện Xạ hiếm đang chảy vào túi ai? Trách nhiệm các cấp quản lý, người đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Xạ hiếm đến đâu trong việc này?
Đã đến lúc, Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (cơ quan cấp trên của Viện Xạ hiếm) cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc, có hình thức xử lý những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước (nếu có); đồng thời có biện pháp giải quyết và thu hồi diện tích đất công bị sử dụng có dấu hiệu sai mục đích như đề cập ở trên.
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Khởi Nguyên