>> Báo động an toàn lao động tại các dự án xây dựng cao tầng
>> Hết Thanh tra mời người chết lên làm việc, Sở Xây dựng còn dội thêm “đại bác” vào quá khứ
>> Thiếu tướng Đoàn Duy Khương trả lời về việc xử lý các sai phạm của Mường Thanh
Trụ sở Viện Công nghệ xạ hiếm tại địa chỉ 48 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện CNXH) được thành lập theo Quyết định số 18/CT ngày 21/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Hiện nay, Viện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tọa lạc tại địa chỉ số 48 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, Viện CNXH sở hữu vị trí đắc địa với hai mặt tiền nằm trên các con phố Láng Hạ và Vũ Ngọc Phan - đây là đều là các tuyến phố đông đúc và sầm uất tại Hà Nội.
Tuy nhiên, thay vì thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ mà cấp trên giao thì từ hàng chục năm trở về đây, phần lớn diện tích đất nằm trong khuôn viên Viện CNXH bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc.
Ngay tại mặt tiền trên phố Láng Hạ, nằm “chình ình” bên phải cổng chính của Viện là showroom rộng cả trăm m2 dùng để trưng bày các sản phẩm ô tô mang nhãn hiệu Nissan.
Showroom ô tô Nissan ngang nhiên tồn tại trên đất do Viện CNXH quản lý.
Bất chấp văn bản yêu cầu chấm dứt cho thuê/mượn đất của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (cơ quan cấp trên của Viện CNXH), đến nay, showroom ô tô Nissan vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn gốc hình thành showroom ô tô Nissan bắt đầu từ năm 2011, lúc đó Viện CNXH đã ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần Kinh doanh Sao Việt (Công ty Sao Việt) có nội dung hợp tác nghiên cứu chế tạo một sản phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu của Viện phục vụ cho xử lý khí thải và tiết kiệm năng lượng dùng cho ô tô. Dựa trên bản thỏa thuận này, chỉ trong thời gian ngắn, việc hợp tác đã bị “biến tướng” khi ki ốt mặt phố 48 Láng Hạ bỗng chốc “mọc lên” showroom trưng bày sản phẩm và giao dịch bán xe ô tô của Công ty Sao Việt.
Sau một thời gian hợp tác, không hiểu vì lý do gì, mối quan hệ giữa Viện CNXH và Công ty Sao Việt nhanh chóng bước vào giai đoạn “đồng sàng, dị mộng”. Như một lẽ tất yếu, ngày 24/11/2014, Viện CNXH và Công ty Sao Việt đã ký Biên bản Thanh lý Thảo thuận hợp tác, đồng thời Viện CNXH yêu cầu phía Công ty Sao Việt có kế hoạch di chuyển việc kinh doanh ô tô, trả lại ki ốt cho Viện. Tuy nhiên, đến nay, showroom ô tô Nissan tại 48 Láng Hạ vẫn đang là địa điểm kinh doanh của Công ty Sao Việt.
Chính sự buông lỏng quản lý của Viện CNXH cùng sự thiếu quyết liệt của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong chỉ đạo điều hành đã khiến bộ mặt của Viện CNXH nhếc nhác, bị méo mó, biến dạng nghiêm trọng.
Không chỉ có vậy, dù đơn thuần là cơ quan làm khoa học nghiên cứu về công nghệ xạ hiếm, nhưng trong khuôn viên của Viện CNXH lại ngang nhiên xuất hiện khu vườn hoa cây cảnh chiếm mặt bằng rất lớn, vô tư tồn tại trên phần đất do mình quản lý. Theo bà Nguyễn H. - một người dân sinh sống gần đó cho biết, “khu vườn hoa cây cảnh đó đã có khoảng hơn 20 năm rồi, thấy họ treo biển là Công ty Thiết kế phong cảnh nghệ thuật Duy Lan, nhưng lạ lắm, doanh nghiệp gì mà bày biện cây cảnh trong khuôn viên của cơ quan nhà nước thì phản cảm quá. Mấy Ngày lễ, Tết họ mới bày bán nhiều cây cối, năm nào mà chẳng để tràn ra cả vỉa hè”.
Thực trạng xẻ thịt đất công Viện CNXH bên mặt phố Vũ Ngọc Phan còn có phần bi đát hơn. Đất của Viện CNXH được xé lẻ thành 18 ki ốt để cho các hộ dân làm mặt bằng buôn bán. Do phát triển tự phát, kinh doanh đủ loại mặt hàng khác nhau từ quán bia, dịch vụ giải khát, cửa hàng thời trang, mua bán sim thẻ… khiến bộ mặt của Viện CNXH gần như bị “biến dạng” hoàn toàn, đến mức nhiều người dân không nhận ra nổi đây là một viện nghiên cứu khoa học. Cộng thêm đó, cảnh tượng khách ra vào ăn nhậu luôn nhộn nhịp, xe cộ dừng, đỗ ngổn ngang trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra hàng ngày không những cản trở các phương tiện được lưu thông mà còn khiến con phố này thường xuyên chịu cảnh ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm, tạo nên khung cảnh “nhếch nhác, lộn xộn” ngay giữa trung tâm Thủ đô, băm nát bộ mặt đô thị, gây mất mỹ quan chung cho cả tuyến phố.
Đất đai, tài sản của Viện CNXH trên mặt phố Vũ Ngọc Phan bị “xẻ thịt”, xé lẻ thành 18 ki ốt cho thuê kinh doanh quán bia, quán nhậu, cà phê giải khát vô tội vạ.
Quá “nóng mắt” với tình trạng quản lý quỹ đất công của đơn vị cấp dưới, lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là Viện trưởng Trần Chí Thành và Phó Viện trưởng Cao Đình Thanh (người sau này kiêm nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện CNXH) đã ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu Viện CNXH báo cáo, giải trình rõ vấn đề thu hồi diện tích nhà, đất trụ sở cho thuê, mượn của đơn vị. Đặc biệt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam còn nhiều lần yêu cầu, thúc giục Viện trưởng Viện CNXH báo cáo chi tiết và rõ ràng tất cả các vấn đề liên quan đến việc cho thuê/mượn đất dùng làm Auto Salon Nissan mặt đường 48 Láng Hạ: thủ tục hợp đồng/hợp tác sử dụng đất và xây dựng salon, kinh phí đóng góp, việc sử dụng kinh phí thu được (nếu có) liên quan đến hoạt động của salon này.
Ngoài ra, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam còn chỉ rõ, “theo kết luận sơ bộ của Đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán về ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2014 tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có kiến nghị về việc lập Đoàn thanh tra trong việc sử dụng tài sản công cho thuê, liên doanh hoạt động dịch vụ trái nguyên tắc, về thu chi đối với các khoản kinh phí liên quan đến hoạt động của salon nêu trên”.
Vậy có hay không việc lạm dụng quỹ đất, tài sản công tại Viện CNXH nhằm kinh doanh, thu lời bất chính? Nguồn lợi thu được từ những hoạt động cho thuê, mượn nhà, đất trụ sở Viện CNXH được hạch toán, thu chi như thế nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xung quanh vấn đề này? Trách nhiệm các cấp quản lý, người đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Công nghệ xạ hiếm ở đây là gì?
Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.
Theo Điều 147 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp:
1. Đất xây dựng trụ sở cơ quan gồm đất trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
2. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.
3. Việc sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích.
Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác.
5. Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.
|
Khởi Nguyên