Chuyện chùa chiền, tâm linh tôi viết rất nhiều. Bởi lẽ những chùa, đền, thắng cảnh tâm linh có tiếng ở Việt Nam gần như tôi đều đã đến hết.
Tuy nhiên, sau chừng ấy trải nghiệm, chứng kiến, tôi vẫn không thể nào lý giải nổi tâm lý của người Việt với vấn đề tâm linh.
Đầu năm là người Việt đổ xô nô nức đến các chốn cầu khấn.
Hàng trăm người đứng xem, thậm chí sau đó thắp hương, cầu khấn một con cá vì "lúc nổi lúc lặn".
Hàng triệu người kéo đến chùa Hương, Yên Tử, mấy triệu người đến núi Sam.
Cảnh tượng kéo đến đền ông Bảy, ông Hoàng Mười, chúa Kho, đền Trần, Ba Vàng... đúng là kinh khủng.
Một số nơi đến vãn cảnh, còn lại nói thẳng là cầu cúng, xin xỏ.
Điều đau đầu nhất, là tôi không thể lý giải nổi người ta xin xỏ gì ở đền, chùa, miếu, mạo?
Anh em bạn bè là doanh nhân của tôi cũng kéo đến đền bà Chúa Kho đông như kiến, làm lễ rất to, cúng bái vay mượn làm vốn.
Có người trí thức đông tây kim cổ đầy mình, khiến tôi không thể hiểu nổi.
Tôi đã kiên trì đến ngôi đền này nhiều lần, gặp thủ nhang, người già trong làng, đặc biệt cả đầu năm lẫn cuối năm, để tìm hiểu, nhưng vẫn không thể cắt nghĩa được.
Đầu năm đi vay thì chen như đến ngạt thở. Cuối năm trả lễ (làm ăn được) thì thấy vắng hoe. Vậy linh thiêng chỗ nào?
Thấy cảnh người ta đi đền chùa đông như trẩy hội, ai cũng nghĩ rằng, người Việt mộ đạo, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, nếu hiểu về đạo Phật, thì thấy cực kỳ kỳ lạ.
Không có thần, Phật, thánh ngự ở chốn tâm linh đó nhận tiền đút vào tay, nhận tiền âm phủ đốt rực trời, nhận gà xôi cúng ngập mặt để trợ giúp quan tham, buôn gian bán lận cả.
Cảnh chen chúc, cướp ấn đền Trần.
Thật dị ứng với cảnh tượng người người chen nhau ở đền Trần để xin ngài ban cho chức tước, để có bổng lộc.
Khi con người ta càng đặt niềm tin vào vị thánh thần thì con người ta càng trở nên trống rỗng.
Ngay trên cộng đồng mạng, bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu những câu comment “a di đà phật”, “tội lỗi, tội lỗi”, “nhân quả không bỏ sót một ai”... nhưng ngay sau đó, cũng người đó sẽ bình luận tục “mày gieo nhân nào gặp quả đó thôi con ạ”, “khẩu nghiệp”... với giọng điệu rủa cho người ta chóng chết, hoặc kiếp sau sẽ làm súc vật.
Hầu hết người Việt đến với đạo Phật nhưng số người thấm nhuần đạo Phật không nhiều để sửa mình, mà toàn đem kiến thức đó đi sửa người khác.
Vậy nên, mới có chuyện, nhiều người hay đi chùa, cúng dường nhiều lắm nhưng sống với người thân thì chả ra gì. Trước mặt tượng Phật toàn nói lời hay, nhưng với người thân thì toàn “mắm tôm, mắm tép”.
Có một sự thực bây giờ, không ít đền chùa là nơi kinh doanh béo bở. Doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng xây xướng rất nhiều để thu hút du khách.
Những người tìm chỗ dựa ở thánh thần đẩu đâu, một là họ chả hiểu gì, hai là tâm họ không an, không có niềm tin vào cuộc sống, không có niềm tin vào bản thân mình.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có một đúc rút rất hay: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông…lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh”.