UBND tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom cần làm rõ và trả lời những kiến nghị của công dân và dư luận
Trong hồ sơ, ngoài nhiều đơn khiếu nại của ông Huấn, bà Lợi trong nhiều thời kỳ, kèm theo các phiếu chuyển đơn của Quốc hội, một số Ban, ngành Trung ương… chuyển đơn đến UBND tỉnh Đồng Nai để giải quyết và báo cáo. Cứ mỗi lần như thế, UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản tiếp theo chuyển đơn cho UBND huyện Thống Nhất (cũ) nay là huyện Trảng Bom yêu cầu kiểm tra, giải quyết và báo cáo UBND tỉnh theo thời hạn quy định. Nhưng rồi tất cả lại rơi vào im lặng và không ai chịu trách nhiệm trước tiếng kêu cứu của dân. Để rồi 20 năm trôi qua, tiếng kêu cứu của người dân trở nên vô vọng.
Nội dung chính của việc khiếu kiện là: Ngày 16/7/1997, bà Nguyễn Thị Kim Lợi được UBND huyện Thống Nhất (cũ), tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00332.QSDĐ/Đồi 61 – 1086/QĐ.UBH với diện tích sử dụng là 16.216m2 ở xã Đồi 61. Mục đích sử dụng là đất lúa và rẫy màu.
Ngày 27/7/1999, ông Lê Quang Huấn được UBND huyện Thống Nhất (cũ), tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00158.QSDĐ/số 696/QĐ-UBH với tổng diện tích sử dụng là 53.085m2 thuộc xã Giang Điền, huyện Thống Nhất (cũ). Mục đích sử dụng là đất rẫy màu.
Ngày 23/10/2001, UBND huyện Thống Nhất (cũ) ban hành Quyết định số 1942/QĐ.CT.UBND thu hồi quyền sử dụng 53.085m2 đất của ông Lê Quang Huấn.
Ngày 7/12/2001, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4570/QĐ.CT.UBT với nội dung “thu hồi 675.197m2 đất tại các xã Giang Điền, xã Đồi 61 và xã Quảng Tiến thuộc huyện Thống Nhất (cũ). Chấp nhận cho Công ty TNHH Phú An thuê toàn bộ diện tích đất thu hồi trên để xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp trồng rừng, trồng hoa kiểng và chăn nuôi động vật hoang dã”.
Theo một số thông tin đăng tải, quyết định này đã đẩy hơn 80 hộ gia đình, có gia đình sống 30 năm ở đây, cuộc sống chủ yếu gắn với trồng cây, chăn nuôi, thả cá, đi vào con đường cùng quẫn. Họ được bồi thường với giá đất rẻ mạt và bị chính quyền địa phương cưỡng bức với nhiều hình thức để giao đất cho Công ty TNHH Phú An, kể cả nhiều trường hợp bị cưỡng chế. Trong một số trường hợp, người dân được đền bù với giá rẻ mạt khoảng 5.400 đồng/m2 đất nhưng họ lại phải mua đất tái định cư với giá đất đắt gấp nhiều lần và nhiều hộ dân đã không có tiền để mua.
Ngày 28/2/2002, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Địa chính tỉnh Đồng Nai đã ký Hợp đồng thuê đất số 458/HĐTĐ.TM cho Công ty TNHH Phú An thuê diện tích 675.197m2 đất tại các xã Giang Điền, Quảng Tiến và Đồi 61 thuộc huyện Thống Nhất; thời gian thuê là 50 năm với mục đích mở rộng khu du lịch sinh thái thác Giang Điền tại xã Giang Điền, xã Quang Tiến và Đồi 61.
Vấn đề ở đây là trong quyết định giao và cho thuê 675.197m2 đất của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Địa chính tỉnh Đồng Nai cho Công ty TNHH Phú An thuê, trong đó có 16.216m2 đất của bà Nguyễn Thị Kim Lợi và 53.085m2 đất của ông Lê Quang Huấn. Mặc dù, với diện tích đất 16.216m2 của bà Nguyễn Thị Kim Lợi mà UBND tỉnh Đồng Nai không có quyết định thu hồi, bà Nguyễn Thị Kim Lợi không được bồi thường. Số công trình mà ông Huấn đầu tư đã được nhà đầu tư mới sử dụng và bồi thường không thỏa đáng. Ông, bà đã đưa đơn khiếu kiện 20 năm nay nhưng sự việc bị các cấp “đùn đẩy” không được giải quyết.
Tóm lại, nội dung chính của đơn là khiếu nại việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi 53.085m2 đất của ông Lê Quang Huấn là không phù hợp với pháp luật; việc giao đất cho Công ty TNHH Phú An chồng lên 16.216m2 của bà Nguyễn Thị Kim Lợi mà diện tích này chưa có quyết định thu hồi của UBND tỉnh. Công ty TNHH Phú An đã ngang nhiên chiếm đoạt sử dụng trái pháp luật diện tích đất của bà Lợi. Việc thu hồi đất của công ty tư nhân này giao cho một công ty tư nhân khác là bất hợp lý, thiếu công bằng.
Qua nghiên cứu các hồ sơ kèm theo đơn khiếu kiện, nếu sự việc diễn ra đúng như đơn và các hồ sơ hiện có thì chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, căn cứ để thu hồi 53.085m2 đất của ông Lê Quang Huấn dựa trên Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27/9/1993 về việc “ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp” là không thỏa đáng.
Lý do: Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 05/04/2000, ông Lê Quang Huấn có đơn xin đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí thác Giang Điền gửi UBND huyện Thống Nhất và các phòng, ban liên quan. Đơn được sự nhất trí của UBND xã Giang Điền.
Ngày 28/4/2000, UBND huyện Thống Nhất tổ chức họp liên ngành về việc “khảo sát hiện trạng khu đất” và thống nhất chủ trương cho phép xây dựng khu vui chơi giải trí khu vực thác sông Buông, xã Giang Điền, huyện Thống Nhất vì đây là đất gò đồi, chủ yếu là bạc màu, nằm xa khu dân cư, đường giao thông đã xuống cấp nghiêm trọng đi lại khó khăn, đất đồi không trồng được cây hoa màu. Và UBND huyện Thống Nhất (cũ) đã đồng ý cho ông Lê Quang Huấn triển khai đầu tư khu du lịch vui chơi giải trí. Ông Huấn đã được UBND các cấp cho đầu tư hệ thống giao thông và một số công trình phục vụ cho việc vui chơi giải trí, thăm quan du lịch.
Vì vậy, căn cứ Nghị định 64 để thu hồi 53.085m2 đất của ông Lê Quang Huấn là không đúng với tình hình thực tế. Quyết định số 4570/QĐ.CT.UBT của UBND tỉnh cần phải được xem xét lại.
Thứ hai, bà Nguyễn Thị Kim Lợi là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện cấp năm 1997 với diện tích 16.216m2 đất. Bà Nguyễn Thị Kim Lợi không có tên trong danh sách đền bù, bồi thường, cũng không có quyết định thu hồi đất. Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Kim Lợi vẫn còn giá trị pháp lý theo Luật Đất đai. Việc bà Lợi yêu cầu trả lại đất cho bà hoặc bồi thường cho bà là đúng theo quy định của pháp luật; UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND huyện Thống Nhất (cũ) nay là huyện Trảng Bom có trách nhiệm trả lại đất cho bà Lợi hoặc bồi thường cho bà Lợi theo điều 73 Luật Đất đai năm 1993.
Mặt khác mảnh đất hoang sơ mà ông Huấn và bà Lợi khai phá ban đầu nay đã trở thành Khu đô thị dịch vụ sinh thái Giang Điền - Đà Lạt của miền Đông (theo lời quảng cáo của chủ đầu tư). Theo thư mời lễ công bố dự án khu đô thị dịch vụ sinh thái Giang Điền ngày 27/12/2009 thì đất tại khu đô thị này lên tới 2 - 3 triệu/m2, đây là nguồn sinh lợi lớn.
Một câu hỏi được đặt ra là: Một việc làm có dấu hiệu sai trái từ UBND tỉnh Đồng Nai, đến UBND huyện Thống Nhất (cũ) nay là huyện Trảng Bom trong sự đối xử bất công với người dân, vô tình hay cố ý đã tước đoạt công sức và tài sản của người dân này giao cho một người dân khác. Trong khi họ đã mang đơn khiếu kiện đến nhiều cấp, nhiều ngành nhưng tất cả vẫn đùn đẩy và kết quả là sự im lặng. Đây có phải là lợi ích nhóm?
UBND tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Thống Nhất (cũ) nay là huyện Trảng Bom có trách nhiệm làm rõ và trả lời vấn đề này trước dư luận, đồng thời các ngành chức năng của Trung ương cần sớm vào cuộc thanh, kiểm tra để làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đã vi phạm.
Theo Duy Nguyên/Báo Xây dựng
()