Khó giảm vì… thiếu người đi họp?

Tinh giản biên chế nói 10 song thực hiện chưa được 1. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, muốn tinh giản biên chế thì phải giảm đầu mối cơ quan. Nhưng khi đụng chạm đến vấn đề này, nhiều bộ, ngành đã phản đối với lý do: “Công việc nhiều, nếu sáp nhập sẽ không đủ người đi họp”.

Câu chuyện tinh giản biên chế nói nhiều nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu được nhiều ĐBQH đề cập đến từ nhiều năm trước. Nhưng bất ngờ là, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 được công bố mới đây, cho thấy hiệu quả tinh giản biên chế như bằng 0, bởi đã chẳng giảm được mà còn phình to thêm 20.400 người, tăng 0,57%.

Kết quả giám sát cho thấy, không chỉ ở địa phương mà ở cả Trung ương cũng thực hiện không nghiêm túc quy định về quản lý biên chế. Tính đến hết năm 2016, tổng số người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).

Ở các địa phương, tình trạng này cũng không kém cạnh. Có tới 31/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Trong đó có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như TP Hồ Chí Minh vượt 1.434/4.822, bằng 29,74%; Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa tới 45,68% và Bạc Liêu đến 51,46%.

Như vậy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, các bộ, ngành, Trung ương và địa phương vẫn chưa thực hiện có hiệu quả. Mặc dù trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm không làm tăng biên chế của cả hệ thống chính trị, nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế, thậm chí có nơi sử dụng biên chế vượt khung tới 1/2 số biên chế được giao.

Đã có ý kiến cho rằng, kế hoạch tinh giản biên chế diễn ra ì ạch, vì các bộ, ngành, địa phương không muốn làm hoặc làm cho có. Bằng chứng là, đến thời điểm 1.6.2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm. Chính vì tư duy “giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”, nên dù yêu cầu tinh giản biên chế đã được xác định, nhưng nhiều cơ quan có chức năng, quyền hạn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý vẫn kiên quyết phản đối sáp nhập. Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Tổ chức trong các bộ, ngành cũng rất phức tạp với rất nhiều tổ chức “con” như viện, đơn vị sự nghiệp có thu… Đó là chưa kể có nơi giảm đầu mối ở trên lại phình “chân rết” ở dưới, hoặc giảm chủ yếu do chuyển ngành, chưa phải tinh giản qua đánh giá chất lượng cán bộ.

Tâm lý là chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm vì sợ “không đủ người đi họp” thực chất là vì gắn với lợi ích, sợ đụng chạm. Tinh giản biên chế chỉ quyết liệt ở lời nói thôi chứ làm không được bao nhiêu. Hay nói thẳng ra là nói nhiều làm ít. Thế nên, mới tồn tại đội ngũ công chức tuy đông mà không tinh nhưng lại không thể loại bỏ.

Theo Chi An/Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều